Xây dựng kho học liệu số: Giảng viên đóng vai trò quan trọng

GD&TĐ - Học trực tuyến kéo dài cùng việc tổ chức thi dưới hình thức online yêu cầu các trường phải có kho học liệu số đủ lớn và bài giảng điện tử đa dạng.

Sinh viên tìm kiếm tài liệu nghiên cứu trong kho tài nguyên điện tử trong thư viện.
Sinh viên tìm kiếm tài liệu nghiên cứu trong kho tài nguyên điện tử trong thư viện.

Từ 6 năm trước, Trường ĐH Luật TP Hồ Chí Minh đã đầu tư hạ tầng công nghệ và kho học liệu số.

Số hóa thư viện, chủ động hạ tầng công nghệ

Từ năm 2015, Trường ĐH Luật TP Hồ Chí Minh đã đầu tư hàng chục tỉ đồng để số hóa thư viện, cũng như gia tăng nguồn tài liệu dưới bản điện tử. Theo đó, thư viện được trang bị hệ thống máy tính với 120 máy, 2 máy chủ cho website và cơ sở dữ liệu (CSDL) thư mục chạy trên nền mạng Viettel, Netnam.

Phần mềm quản trị thư viện tích hợp Libol60, phần mềm thư viện số và một số phần mềm mã nguồn mở. Quan trọng hơn là nguồn lực thông tin của thư viện số của trường được bổ sung đa dạng, phong phú và liên tục.

Tính đến cuối tháng 2/2021, Trung tâm Học liệu số của trường có 21.018 nhan đề/91.893 bản bao gồm tài liệu tiếng Việt và ngoại văn (Anh, Pháp, Nga, Nhật, Trung). Loại hình tài liệu gồm giáo trình, sách tham khảo, chuyên khảo, tạp chí chuyên ngành luật, chuyên ngành quản trị, khóa luận, luận văn, luận án, công trình nghiên cứu khoa học các loại, tài liệu hội thảo…

Ngoài ra còn có bài trích tạp chí với các chuyên ngành như hành chính, hình sự, quốc tế, thương mại, dân sự, quản trị, Anh văn pháp lý đáp ứng tương đối đầy đủ nhu cầu của cán bộ, giảng viên và các hệ đào tạo của nhà trường cùng với số lượng ngày càng tăng của người sử dụng ngoài trường.

“Hiện nay, thư viện Trường ĐH Luật TP Hồ Chí Minh là đơn vị duy nhất ở khu vực phía Nam có quyền truy cập CSDL Westlaw. Đối với CSDL HeinOnline, chỉ có thư viện Trường ĐH Luật TP Hồ Chí Minh và Hà Nội mua quyền truy cập.

Đây là nguồn CSDL lớn trên thế giới với khoảng 2 nghìn tạp chí và hơn 600 nghìn bài viết từ các tạp chí. Đặc biệt, cơ sở dữ liệu HeinOnline còn bao gồm các tài liệu nghiên cứu cổ điển của các học giả pháp lý hàng đầu trên thế giới với hơn 20 nghìn CSDL toàn văn chuyên ngành luật hoàn toàn bằng tiếng Anh.

Thư viện đã mua quyền truy cập cơ sở dữ liệu này với bộ sưu tập văn bản pháp luật, bài viết tạp chí, công trình nghiên cứu... về Luật Quốc tế Trọng điểm    (International Core Collection) để phục vụ cho việc giảng dạy và nghiên cứu tại trường từ năm 2015 đến nay”, ông An cho biết.

Ông Nguyễn Thanh An - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Quan hệ doanh nghiệp nhà trường cho biết, ngoài cơ sở dữ liệu thư mục, cơ sở dữ liệu toàn văn thì thư mục thông báo sách mới (in và điện tử), mục lục tra cứu trực tuyến OPAC (Online Public Access Catalog) hay website, fanpage thư viện là một trong các sản phẩm thông tin nhằm giúp người sử dụng truy cập và cập nhật thông tin về tài liệu cũng như các thông báo, tin tức, sự kiện, nội quy thư viện... kịp thời, nhanh chóng, đầy đủ và chính xác.

Không chỉ được xây dựng nền tảng hệ thống công nghệ tiên tiến, Trung tâm Học liệu số và Thư viện của Trường ĐH Luật TP Hồ Chí Minh còn là nơi “hút” một lượng rất lớn tài liệu, giáo trình điện tử và nghiên cứu của giảng viên. Theo thống kê, số lượng đưa lên kho thư viện số hiện nay để đọc toàn văn tính đến ngày 8/3/2021 là 1.674 tài liệu và mỗi ngày. Số lượng tài liệu này sẽ tăng dần theo thời gian.

“Nguồn tài nguyên hiện nay chủ yếu là nguồn tài liệu nội sinh nhưng không chỉ dừng lại ở loại hình tài liệu mà Trung tâm Thông tin - Thư viện đã mở rộng, phát triển và khai thác. Để đa dạng nhiều loại hình tài liệu đáp ứng nhu cầu của người sử dụng nói chung và sinh viên nói riêng, ngoài nguồn tài nguyên nội sinh, thư viện còn có thêm nguồn học liệu từ CSDL Westlaw cũng cung cấp 40 nghìn cơ sở dữ liệu luật.

Điều quan trọng là CSDL Westlaw cung cấp cho người dùng lượng thông tin khổng lồ tài liệu, bài viết, các luật lệ, án lệ, tạp chí luật, luận văn, biểu mẫu pháp lý của Mỹ và nhiều nước trên thế giới. Vì vậy, các luật sư, nhà nghiên cứu luật, sinh viên có thể sử dụng CSDL này trong nghiên cứu, học tập và làm việc. Giảng viên thì xây dựng bài giảng số, giáo trình...”, đại diện Trung tâm Thông tin - Thư viện nói.

Kho học liệu số của Trường ĐH Luật TPHCM với nhiều thư mục tài nguyên
Kho học liệu số của Trường ĐH Luật TPHCM với nhiều thư mục tài nguyên

Tích hợp vào kho học liệu số

Với nền tảng là nguồn học liệu số đa dạng, cùng hạ tầng công nghệ hiện đại, giảng viên không chỉ có thể tham khảo tài liệu, phương pháp giảng dạy đa dạng từ khắp nơi trên thế giới, mà còn có quyền thường xuyên tương tác, tích hợp và lưu trữ các bài giảng của mình lên kho học liệu. Qua đó, giúp giảng viên khác, sinh viên có thể dễ dàng tham khảo.

Thông thường nguồn học liệu của một trường đại học phần lớn sẽ do các thư viện đảm nhiệm. Tuy nhiên, đội ngũ giảng viên với những hiểu biết chuyên môn sâu là nguồn cung cấp thông tin quý giá về chuyên ngành đào tạo.

Theo PGS.TS Trần Hoàng Hải - Quyền Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP Hồ Chí Minh, muốn có nguồn tài nguyên (đề thi, bài giảng, tài liệu nghiên cứu) đầy đặn thì ngoài việc thư viện số thường xuyên cập nhật các bản sách, tài liệu, phương pháp nghiên cứu, học tập mới, nhà trường cũng đặc biệt khuyến khích giảng viên xây dựng, lồng ghép các bài giảng số theo tỉ lệ nhất định, nhằm gia tăng nguồn tài nguyên.

“Nhà trường đã mua bản quyền truy cập nhiều cơ sở dữ liệu từ các tập đoàn, trường đại học danh tiếng trên thế giới, tất cả các bài giảng có ứng dụng nền tảng công nghệ hay hoàn toàn 100% theo hướng E-learning (đạt chuẩn yêu cầu nội dung). Nhà trường còn yêu cầu giảng viên đưa lên kho dữ liệu dùng chung để cho sinh viên, giảng viên khác có thể dễ dàng nghiên cứu, học tập. Mục tiêu là tạo ra một hệ sinh thái đủ tốt, bảo đảm cho việc linh hoạt triển khai hình thức học tập, thi, kiểm tra mới (trực tuyến toàn diện).

Cùng với việc phát triển nguồn tài nguyên thông tin dạng in, việc hỗ trợ người sử dụng ứng dụng khoa học công nghệ trong việc tìm và khai thác tài nguyên thông tin dạng số là một trong những yếu tố vô cùng quan trọng để tăng hiệu quả sử dụng các sản phẩm thông tin phục vụ nhu cầu học tập và nghiên cứu. Việc chủ động, tập huấn và tạo thói quen tương tác trong một thời gian dài trong chuyển đổi số và hình thức giảng dạy, đào tạo đã giúp Trường ĐH Luật TP Hồ Chí Minh có sự linh hoạt rất lớn trong đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 vừa qua.

“Trong ba hoạt động chính của một giảng viên gồm nghiên cứu, giảng dạy và học tập thì việc giảng dạy và xây dựng các bài giảng chính là nền tảng cho kho dữ liệu số của nhà trường. Vì vậy, ngoài việc khuyến khích đổi mới phương pháp giảng dạy, khoa còn còn yêu cầu giảng viên có lộ trình tương thích, lồng ghép giữa giảng dạy trực tiếp và trực tuyến cho phù hợp để gia tăng kho học liệu số. Bên cạnh đó, nhà trường cũng thường xuyên thông báo đến giảng viên việc xây dựng các dạng thức học liệu số (video, bài giảng) để giảng viên, khoa đóng góp bài giảng được thẩm định vào kho dữ liệu dùng chung”, TS Thanh cho biết.

Từ năm 2020 đến nay, dù tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp làm ảnh hưởng rất lớn đến việc học tập, thi của sinh viên nhưng trường vẫn bảo đảm tốt quá trình đào tạo dưới hình thức trực tuyến. Đặc biệt, thư viện số, kho học liệu số của nhà trường luôn chủ động duy trì các hình thức phục vụ. Qua đó, bảo đảm cho người sử dụng có nguồn tài nguyên thông tin phục vụ việc học tập và nghiên cứu từ xa. Học trực tuyến (E-learning) cũng được nhà trường triển khai để việc học không bị gián đoạn trong thời gian này”, PGS.TS Trần Hoàng Hải cho biết.

TS Lê Nguyên Thanh - Khoa Luật Hình sự cho biết, học liệu đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong môi trường giáo dục đại học, có ảnh hưởng sâu sắc tới chất lượng của hoạt động dạy, học, nghiên cứu của cả người dạy lẫn người học.

Việc các trường đại học hiện đào tạo theo hệ tín chỉ, triển khai đào tạo E-learning ngày một nhiều và chiếm tỉ trọng lớn trong học phần môn đã gián tiếp xây dựng được một kho dữ liệu mở dùng chung cho các trường. Nhờ đó giúp người học, giảng viên ngày một thuận tiện hơn trong học tập và nghiên cứu dù ở bất cứ nơi đâu. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ