Xây dựng hệ thống học liệu điện tử song ngữ và học môn học khác bằng tiếng Anh

GD&TĐ - Từ kinh nghiệm quốc tế, Việt Nam có thể rút ra bài học để xây dựng hệ thống học liệu điện tử song ngữ và học môn học khác bằng tiếng Anh.

Toàn cảnh hội thảo.
Toàn cảnh hội thảo.

Kinh nghiệm quốc tế

Chia sẻ kinh nghiệm của Singapore, ông Đỗ Đức Lân – Phòng Quản lý khoa học, đào tạo và hợp tác quốc tế (Viện Khoa học giáo dục Việt Nam) cho hay, năm 1996, Bộ Giáo dục nước này quyết định sử dụng tiếng Anh là phương tiện giảng dạy trong các trường học.

Trong giai đoạn 1970 – 1980, Toán học và khoa học bắt đầu được giảng dạy chủ yếu bằng tiếng Anh ở Singapore. Từ năm 1990 đến nay, Singapore đã có chính sách giáo dục song ngữ; trong đó tiếng Anh là ngôn ngữ chính và một ngữ thứ hai (mẹ đẻ) trở thành nền tảng vững chắc cho sự thành công của đất nước này trong giáo dục và kinh tế.

Còn tại Maylaysia, ông Đỗ Đức Lân cho hay, năm 2003, Bộ Giáo dục của nước này quyết định giảng dạy Toán và Khoa học bằng tiếng Anh cho tất cả học sinh lớp 1 (cấp tiểu học) và lớp 7 (cấp THCS).

Đến năm 2007, Maylaysia triển khai ở tất cả các lớp trong toàn quốc. Năm 2013 thì tạm dừng và từ năm 2020 đến nay, nước này khởi động lại sáng kiến dạy – học Toán và Khoa học bằng tiếng Anh ở cấp tiểu học thông qua chương trình song ngữ DLP.

hoclieudientu-4.jpg
Ông Đỗ Đức Lân chia sẻ tại hội thảo.

Từ kinh nghiệm của một số nước về dạy và học Toán, Khoa học bằng tiếng Anh, ông Đỗ Đức Lân đề xuất một số bài học cho Việt Nam, chẳng hạn như: Khuyến khích các trường có điều kiện triển khai mô hình song ngữ, lan tỏa hiệu quả đến các cơ sở giáo dục khác.

Từ khả năng áp dụng tại các trường trung tâm, có thể xây dựng mô hình mẫu để nhân rộng; đồng thời xây dựng lộ trình bắt đầu từ cấp mầm non, bắt buộc từ lớp 1 để học sinh làm quen với tiếng Anh trong các hoạt động giáo dục, môn học.

Ngoài ra, cần đào tạo giáo viên tại các trường đại học sư phạm hoặc thông qua các chương trình liên kết, hỗ trợ nâng cao năng lực. Đội ngũ giáo viên trẻ có trình độ và chứng chỉ phù hợp, tích cực tự học, nâng cao năng lực. Bất cứ thầy, cô giáo nào cũng có thể tiếp cận được tài liệu số mở.

Cùng với đó, chúng ta có thể xây dựng một số chuyên đề giảng dạy theo trường, theo năm học. Động viên, khuyến khích giáo viên, học sinh tham gia các cuộc thi Toán, Khoa học bằng tiếng Anh.

Đề xuất 5 giải pháp triển khai hệ thống học liệu điện tử

hoclieudientu-2.jpg
TS Hà Thị Thúy Chia sẻ kết quả khảo sát về thực trạng triển khai hệ thống học liệu điện tử trong nhà trường.

Chia sẻ kết quả khảo sát về thực trạng triển khai hệ thống học liệu điện tử trong nhà trường – chiều 29/12, tại Hội thảo tổng kết các hoạt động nghiên cứu năm 2024 của Viện, trong khuôn khổ Đề án Ngoại ngữ quốc gia, TS Hà Thị Thúy – Trung tâm Phát triển bền vững chất lượng giáo dục phổ thông Quốc gia (Viện Khoa học giáo dục Việt Nam) cho hay, từ 4/ – 12/2024, nhóm nghiên cứu tiến hành nghiên cứu trực tiếp tại 33 trường phổ thông trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, Sóc Trăng và TP Hà Nội.

Nhóm đã nghiên cứu gián tiếp trên 1.600 cán bộ quản lý, trên 16.000 giáo viên và gần 9.600 học sinh của 47 tỉnh, thành phố trên cả nước. TS Hà Thị Thúy thông tin, nghiên cứu này tập trung vào việc khảo sát thực trạng hệ thống quản lý học tập (LMS), học liệu số (HLS) đang triển khai trong nhà trường theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 bằng tiếng Anh và tiếng Việt.

LMS là nền tảng phần mềm hoặc công cụ trực tuyến được thiết kế để quản lý, phân phối và theo dõi các hoạt động học tập và đào tạo. Đồng thời, phục vụ hoạt động vận hành giáo dục trong nhà trường.

hoclieudientu-1.jpg
Chuyên gia thảo luận tại hội thảo.

Từ kết quả khảo sát, TS Hà Thị Thúy nhận thấy, học sinh tiểu học hoàn toàn phụ thuộc vào phụ huynh và giáo viên khi sử dụng hệ thống LMS. Vì thế, các tính năng của LMS được sử dụng đơn giản và có sự giúp đỡ của phụ huynh, giáo viên.

Đối với học sinh THCS, rất ít em được sử dụng điện thoại, thiết bị kết nối mạng khi học trong giờ chính khóa nên không sử dụng LMS trong thời gian này. Với học sinh THPT, dù được chủ động sử dụng thiết bị điện tử nhưng do LMS có ít tính năng nên ít sử dụng.

Riêng tính năng thông báo điểm, học sinh đã được thầy, cô thông báo điểm trước khi được nhập vào hệ thống. Vì thế, các em ít quan tâm, hoặc thỉnh thoảng mới truy suất.

“Thực tế cho thấy, có nhiều hệ thống LMS được sử dụng trong trường học, mỗi hệ thống sử dụng những tính năng khác nhau. Hiện, nhiều giáo viên, học sinh còn nhầm lẫn tên hệ thống LMS đang sử dụng tại trường” - TS Hà Thị Thúy chia sẻ.

hoclieudientu-6.jpg
GS.TS Lê Anh Vinh và TS Nguyễn Thị Mai Hữu - Trưởng Ban Quản lý Đề án Ngoại ngữ Quốc gia giải đáp băn khoăn, thắc mắc của các đại biểu.

TS Hà Thị Thúy đề xuất 5 giải pháp: Thứ nhất, rà soát và hoàn thiện văn bản pháp lý về hệ thống học liệu số. Theo đó, cần xây dựng quy hoạch hệ thống học liệu số trên toàn quốc, ban hành quy định phân loại và tiêu chí đánh giá, quy định về bản quyền và sở hữu trí tuệ, ban hành bộ tiêu chuẩn chất lượng hệ thống và chính sách hỗ trợ phát triển học liệu số.

Thứ hai, xây dựng cơ chế tài chính khuyến khích phát triển hệ thống học liệu số. Theo đó, cần khuyến khích và hỗ trợ từ Nhà nước, huy động sự đóng góp từ nhà giáo, nhà khoa học và người học, xã hội hóa nguồn lực từ doanh nghiệp.

Thứ ba, chương trình bồi dưỡng cho giáo viên. Cụ thể, nâng cao trình độ tiếng Anh, kỹ năng công nghệ thông tin cho giáo viên.

Thứ tư, xây dựng kho học liệu số phục vụ dạy Toán, Khoa học bằng tiếng Anh. Từ đó, phát triển nguồn học liệu số bám sát Chương trình giáo dục phổ thông 2018; đồng thời đẩy mạnh hợp tác quốc tế phát triển tài nguyên học liệu số.

Thứ năm, phát triển thư viện nhà trường. Phát triển nội dung học liệu số, xây dựng hạ tầng và bảo trì nâng cấp thường xuyên tài nguyên học tập, đáp ứng nhu cầu của nhà trường.

“Việc triển khai hệ thống học liệu số trong dạy học phổ thông là xu hướng tất yếu, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, cần có sự đầu tư và hỗ trợ từ nhiều phía để việc triển khai đạt hiệu quả” – TS Hà Thị Thúy nhấn mạnh.

img-7747.jpg
GS.TS Lê Anh Vinh phát biểu tổng kết hội thảo.

Theo GS.TS Lê Anh Vinh – Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, cần thay đổi nhận thức trong dạy – học tiếng Anh. Cùng với nguồn lực sẵn có, chúng ta có thể đạt được mục tiêu từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học.

Thực tế cho thấy, những người có trình độ tiếng Anh luôn có lợi thế, cơ hội tốt hơn trong công việc. Trong giai đoạn tới, vấn đề tiếng Anh cần đề cập thêm với lĩnh vực giáo dục nghề, giáo dục người lớn.

Nói đến kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, GS.TS Lê Anh Vinh cho rằng, vấn đề đầu tiên là hội nhập; trong đó Ngoại ngữ là chìa khóa quan trọng và tiếng Anh là một trong những công cụ đắc lực.

Đề cập đến chính sách, Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam cho rằng, giải pháp trọng tâm nằm ở giáo viên. Bản thân giáo viên tiếng Anh rất linh hoạt, vấn đề còn lại là cần tạo môi trường, điều kiện để giáo viên phát triển năng lực, đổi mới phương pháp giảng dạy. Ngoài ra, các cấp quản lý cần tạo điều kiện, môi trường để khuyến khích phát triển tiếng Anh cho thầy – trò nói riêng và các trường học nói chung.

Trong khuôn khổ của hội thảo (chiều 29/12), các đại biểu đã nghe một số tham luận thuộc hai chủ đề: Thứ nhất, kiểm tra và đánh giá kết quả học tập môn ngoại ngữ ở trường phổ thông. Với chủ đề này, các đại biểu đã được nghe tham luận “Học tập và đánh giá kết quả học tập môn Ngoại ngữ tại các trường phổ thông ở Việt Nam”; Báo cáo đánh giá và đề xuất hình thức kiểm tra đánh giá tiếng Anh như ngoại ngữ thứ hai trong trường học.

Thứ hai, xây dựng hệ thống học liệu điện tử song ngữ dạy và học môn học khác bằng tiếng Anh. Chủ đề này có các tham luận: Thực trạng triển khai hệ thống học liệu điện tử trong nhà trường; dạy học môn Toán và Khoa học bằng tiếng Anh trong nhà trường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân Đông Cương tất bật chăm sóc hoa để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán.

Vựa hoa lớn nhất xứ Thanh vào vụ Tết

GD&TĐ - Được xem là vựa hoa lớn nhất của tỉnh Thanh Hoá, làng hoa Đông Cương cứ dịp gần Tết lại hối hả, nhộn nhịp chuẩn bị nguồn hàng đưa ra thị trường.