Xây dựng đội quân chủ lực đầu tiên theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Xây dựng đội quân chủ lực đầu tiên theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Lễ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân ngày 22/12/1944. Ảnh tư liệu.
Lễ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân ngày 22/12/1944. Ảnh tư liệu.

Từ Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân phát triển thành Quân đội nhân dân Việt Nam, cho thấy sự đúng đắn trong chỉ đạo của Đảng ta, của Tư tưởng Hồ Chí Minh.

Cuối tháng 10/1944, sau khi nghe các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Vũ Anh báo cáo về tình hình chuẩn bị khởi nghĩa ở Cao-Bắc-Lạng, lãnh tụ Hồ Chí Minh (vừa từ Trung Quốc trở về Pác Bó, Cao Bằng) chỉ thị hoãn ngay cuộc khởi nghĩa, tránh cho lực lượng vũ trang và phong trào cách mạng Cao - Bắc - Lạng những tổn thất.

Sớm thấy rõ vai trò chiến lược của bộ đội chủ lực, Hồ Chí Minh chủ trương tổ chức đội quân giải phóng làm nòng cốt cho toàn dân khởi nghĩa và trực tiếp giao cho đồng chí Võ Nguyên Giáp thực hiện nhiệm vụ này. Sau đó, Bác Hồ trao đổi với đồng chí Võ Nguyên Giáp, phác thảo ra những nét cơ bản về đội quân giải phóng, từ tổ chức đến phương châm hành động và các vấn đề lương thực, đạn dược, quan hệ giữa bộ đội chủ lực và các lực lượng vũ trang địa phương; đặc biệt là phải tổ chức chi bộ Đảng làm hạt nhân lãnh đạo đội.

Chấp hành chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh, đồng chí Võ Nguyên Giáp cùng các đồng chí Vũ Anh và Lê Quảng Ba họp bàn thống nhất quy mô tổ chức của đội lúc đầu tương đương trung đội. Về tên gọi của đội, các đồng chí thống nhất lấy tên là Đội Việt Nam giải phóng quân; tiếp đó bàn về hoạt động quân sự, trang bị vũ khí, hậu cần và thời gian thành lập dự định vào hạ tuần tháng 12/1944.

Trong khi đồng chí Võ Nguyên Giáp cùng các đồng chí Vũ Anh, Lê Quảng Ba đang trao đổi, thì lãnh tụ Hồ Chí Minh đến. Đồng chí Võ Nguyên Giáp báo cáo những nội dung cơ bản đã chuẩn bị về thành lập đội và được Bác Hồ đồng ý. Riêng tên gọi của đội, theo Bác Hồ cần thêm hai chữ “tuyên truyền” vào tên đội quân giải phóng cho hoàn chỉnh hơn là Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân để toàn đội ghi nhớ nhiệm vụ chính lúc này là chính trị còn trọng hơn quân sự.

Về thời gian thành lập Đội, Bác Hồ yêu cầu đồng chí Võ Nguyên Giáp phải “thành lập nhanh, khi thành lập phải có những lời thề danh dự. Thành lập xong ra quân hành động” và căn dặn thêm “Nhớ bí mật: Ta ở đông, địch tưởng ta ở tây. Lai vô ảnh, khứ vô tung”.

Thực hiện nhiệm vụ trọng đại lãnh tụ Hồ Chí Minh giao, đồng chí Võ Nguyên Giáp khẩn trương chuẩn bị mọi mặt cho việc thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Trên đường từ Pác Bó trở lại tổng Kim Mã, theo kế hoạch đã định, đồng chí Võ Nguyên Giáp ghé vào gặp đội vũ trang châu Hà Quảng để trực tiếp điều động một số cán bộ và thành viên ưu tú tham gia xây dựng Đội.

Tiếp đó, đồng chí tới tổng Hoàng Hoa Thám (Nguyên Bình) gặp chỉ huy đội vũ trang, tổng này trực tiếp điều thêm một số đồng chí tham gia Đội. Đối với các châu, tổng thuộc Liên tỉnh Cao - Bắc - Lạng sau khi nhận được chỉ thị của Liên Tỉnh ủy đã cử những thành viên ưu tú trong các đội vũ trang tổng, châu tới để gia nhập Đội. Bên cạnh đó, một số đồng chí Cứu quốc quân lên chi viện cho Cao - Bắc - Lạng cũng được lựa chọn tham gia Đội.

Một ngày trước lễ thành lập, tại một địa điểm trú quân ở khu rừng Hoàng Hoa Thám (châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), đồng chí Võ Nguyên Giáp nhận được bức thư nhỏ của lãnh tụ Hồ Chí Minh đựng trong một bao thuốc lá. Đó chính là bản chỉ thị do lãnh tụ Hồ Chí Minh trực tiếp viết xác định những nội dung cơ bản đường lối quân sự và một số vấn đề mang tính chất nguyên tắc về tổ chức, xây dựng Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân.

Về địa điểm tổ chức lễ thành lập Đội, trước đó, lãnh tụ Hồ Chí Minh từng hỏi đồng chí Võ Nguyên Giáp có thể tìm được một căn cứ “tiến khả dĩ công, thoái khả dĩ thủ” được không? Đồng chí Võ Nguyên Giáp trả lời: “Có thể. Nhất định quân địch không thể tiêu diệt quân ta được”. Sau khi cân nhắc kỹ, địa điểm được đồng chí Võ Nguyên Giáp chọn là khu rừng đại ngàn nằm giữa hai tổng Trần Hưng Đạo và Hoàng Hoa Thám thuộc châu Nguyên Bình (Cao Bằng).

Chính nơi đây, đã diễn ra lễ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân vào ngày 22/12/1944. Đồng chí Võ Nguyên Giáp được Trung ương Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh ủy nhiệm tổ chức, lãnh đạo, chỉ huy, tuyên bố thành lập Đội và nêu rõ nhiệm vụ của Đội đối với Tổ quốc. Dưới lá cờ đỏ sao vàng năm cánh, toàn đội gồm 34 người, long trọng tuyên đọc “Mười lời thề danh dự của đội”.

Sau Lễ thành lập, đêm 22/12/1944, đồng chí Võ Nguyên Giáp cùng toàn đội tổ chức một bữa cơm nhạt, không muối để nêu cao tinh thần chịu đựng gian khổ của người chiến sĩ cách mạng và tổ chức “đêm du kích” liên hoan với đồng bào địa phương để thắt chặt mối tình đoàn kết quân dân như cá với nước.

Thực hiện chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh “trong vòng một tháng phải có hoạt động để gây tin tưởng cho các chiến sĩ và gây truyền thống hành động tích cực cho bộ đội”, trong hai ngày 25 và 26/12/1944, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã cùng với Ban chỉ huy Đội chỉ đạo, chỉ huy lập chiến công giòn giã ở Phai Khắt, Nà Ngần, mở đầu truyền thống “đã ra quân là đánh thắng” và truyền thống đánh thắng ngay từ trận đầu của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Từ khi ra đời và ngay sau đó đánh thắng hai trận đầu là kết quả của quá trình chuẩn bị vất vả, công phu của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó có vai trò to lớn của đồng chí Võ Nguyên Giáp. Từ Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân phát triển thành Quân đội nhân dân Việt Nam, cho thấy sự đúng đắn trong chỉ đạo của Đảng ta, của Tư tưởng Hồ Chí Minh.

Đưa Quân đội ta không ngừng lớn mạnh, trưởng thành, cùng toàn Đảng, toàn dân tiến hành Tổng khởi nghĩa Tháng Tám thắng lợi, khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, lập nên những chiến công oanh liệt trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc, làm tròn nhiệm vụ quốc tế, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

Ngày nay, Quân đội ta đang vững bước phấn đấu xây dựng thành Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Đại tá, TS Dương Đình Lập
(Quân đội nhân dân)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lửa cháy đổ dầu thêm

GD&TĐ - Tổng giá trị gói viện trợ mới nhất Mỹ dành cho Ukraine được Hạ viện nước này phê chuẩn hôm 20/4 vừa qua là 60,84 tỷ USD.