Xây dựng ĐH Vinh thành đại học trọng điểm

Xây dựng ĐH Vinh thành đại học trọng điểm

(GD&TĐ)-Thủ tướng Chính phủ vừa đồng ý bổ sung trường Đại học Vinh vào danh sách xây dựng thành trường đại học trọng điểm.

gg
Trường ĐH Vinh nằm trong nhóm 20 trường đầu tiên được Hội đồng Quốc gia Kiểm định chất lượng giáo dục công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục (ảnh MH)

Trường ĐH Vinh là trường đại học công lập được thành lập theo Nghị định số 375/NĐ, ngày 16/7/1959 của Bộ GD với tên gọi ban đầu là Phân hiệu ĐH Sư phạm Vinh. Ngày 28/6/1962, Bộ trưởng Bộ GiD ký quyết định số 637/QĐ chuyển Phân hiệu ĐH Sư phạm Vinh thành Trường ĐH Sư phạm Vinh.

Ngày 25/4/2001, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số: 62/2001/QĐ-TTg đổi tên Trường ĐH Sư phạm Vinh thành Trường ĐH Vinh. Hiện nay, trường đã trở thành  một trung tâm khoa học, giáo dục và chuyển giao công nghệ lớn của khu vực Bắc miền Trung và cả nước, đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.

Trong hơn 400 trường đại học, cao đẳng hiện nay, trường Đại học Vinh nằm trong nhóm 20 trường đầu tiên được Hội đồng Quốc gia Kiểm định chất lượng giáo dục công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục; được Thủ tướng Chính phủ đưa vào kế hoạch đầu tư nâng cấp thành trường đại học trọng điểm quốc gia đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Trải qua hơn nửa thế kỷ xây dựng và phát triển, Trường ĐH Vinh đã đào tạo, bồi dưỡng hàng chục nghìn kỹ sư, cử nhân, cán bộ giáo dục..., phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần thực hiện mục tiêu nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho các tỉnh Bắc miền Trung và cả nước.

Nhà trường là cơ sở đào tạo đa cấp (từ bậc mầm non, trung học phổ thông đến đại học, sau đại học), đa ngành (42 ngành bậc đại học, 28 chuyên ngành đào tạo thạc sĩ, 10 chuyên ngành đào tạo tiến sĩ) với gần 36.000 học sinh, sinh viên và học viên từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước và hơn 300 sinh viên quốc tế đến học tập, nghiên cứu.

Hiện Đại học Vinh có 19 khoa đào tạo, 1 trường trung học phổ thông chuyên, 1 trường mầm non thực hành, 1 Viện nghiên cứu ngôn ngữ và văn hóa, 1 tạp chí khoa học, 26 phòng ban, trung tâm, viện, trạm.

Trường ĐH Vinh đã đào tạo và cấp bằng tốt nghiệp cho trên 33.754 sinh viên hệ chính quy, 23.255 học viên hệ vừa làm vừa học, 2.207 thạc sĩ, 86 tiến sĩ và 4.237 học sinh trung học phổ thông. Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm chiếm trên 90% số sinh viên tốt nghiệp.
 
Trường ĐH Vinh cũng là trung tâm nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ lớn của các tỉnh Bắc miền Trung. Trong hơn 50 năm xây dựng và trưởng thành, nhà trường đã triển khai hàng trăm đề tài, dự án nghiên cứu khoa học cấp nhà nước, cấp Bộ...

Song song với hoạt động đào tạo, hoạt động khoa học công nghệ của Trường Đại học Vinh đã có sự phát triển mạnh về số lượng và chất lượng. Số đề tài nghiên cứu khoa học các cấp tăng lên hàng năm. Trong 10 năm qua cán bộ của Trường đã thực hiện 24 đề tài cấp Nhà nước, 203 đề tài cấp Bộ, 1.857 đề tài cấp cơ sở. Điểm mới so với trước đây là Trường đã có 3 nhiệm vụ nghiên cứu theo nghị định thư và nhiều đề tài có kinh phí lên đến hàng tỷ đồng. Việc đăng ký, nghiệm thu, quản lý các đề tài và cấp kinh phí được thực hiện có nền nếp và hiệu quả với tổng kinh phí là 54 tỷ đồng. Việc gắn hoạt động nghiên cứu khoa học với tư vấn, chuyển giao khoa học công nghệ phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và khu vực đã có những kết quả tích cực.

Bên cạnh đó, Trường luôn quan tâm đến công tác xuất bản các ấn phẩm khoa học cả về chất lượng, nội dung và hình thức. Thông báo Khoa học của Trường được nâng cấp thành Tạp chí Khoa học vào năm 2003, mỗi năm ra 4 kỳ, 8 số với hình thức và nội dung phong phú, đa dạng, chất lượng bài viết ngày càng tốt hơn và là ấn phẩm để trao đổi thường xuyên với các trường đại học, các viện nghiên cứu trong toàn quốc. Từ năm 2001 đến nay, cán bộ của Trường đã công bố khoảng 1.500 bài báo trên các tạp chí trong nước và khoảng 260 bài báo trên các tạp chí quốc tế. Riêng năm 2011, Trường Đại học Vinh là một trong mười trường đại học của Việt Nam có nhiều công bố khoa học nhất ở các tạp chí có uy tín ngoài nước.

Hàng năm, Trường đều tổ chức các hội nghị, hội thảo khoa học cấp trường, khu vực, quốc gia và quốc tế. Hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên có chuyển biến rõ rệt. Nhiều khoa đào tạo đã đẩy mạnh phong trào nghiên cứu khoa học của sinh viên và cán bộ trẻ. Số đề tài tham gia các hội nghị, hội thảo khoa học sinh viên và giải sinh viên nghiên cứu khoa học ngày càng tăng. Giai đoạn 2001 - 2011, Nhà trường đã gửi 91 đề tài sinh viên nghiên cứu khoa học dự thi, trong đó có 88 công trình đạt giải sinh viên nghiên cứu khoa học cấp Bộ và 25 công trình đạt giải thưởng sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam VIFOTEC.

Hoạt động hợp tác quốc tế của nhà trường đã góp phần đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nghiên cứu khoa học. Hơn 1.000 lượt sinh viên Thái Lan, Trung Quốc, Lào... đã tốt nghiệp đại học và Sau đại học tại Trường. Hiện tại, có hơn 500 lưu học sinh nước ngoài đang theo học đại học và sau đại học. Trường đã hợp tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, bồi dưỡng cán bộ với trên 40 cơ sở giáo dục đại học và các cơ quan, tổ chức khoa học trong nước và quốc tế.

Nhiều cán bộ của trường là thành viên, cộng tác viên của các hội đồng khoa học hoặc tổ chức khoa học quốc gia, khu vực và quốc tế (Đức, Italia, Nhật Bản, Pháp, Ba Lan, Nga, Canada, Hoa Kì, Hội Thiên văn quốc tế…).
Với những đóng góp cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo, Trường ĐH Vinh đã được tặng Huân chương Lao động hạng Nhì (1979), Huân chương Lao động hạng Nhất (1992), Huân chương Độc lập hạng Ba (1995), Huân chương Độc lập hạng Nhì (2001), danh hiệu Anh hùng Lao động trong thời kì đổi mới (2004), Cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ (2007), Huân chương Độc lập hạng Nhất (2009), Huân chương Hữu nghị của Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào (2009) và nhiều phần thưởng cao quý khác. Đảng bộ Trường được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An công nhận là đảng bộ cơ sở trong sạch vững mạnh 13 năm liên tục (1998-2010). Trường đã có 25 cán bộ được tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú; có hàng chục tập thể và cá nhân được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì, Huân chương Lao động hạng Ba.

Ở Việt Nam hiện có 16 cơ sở giáo dục đại học (ĐH) được chọn xây dựng thành ĐH trọng điểm quốc gia, trong đó 2 ĐH quốc gia, 5 ĐH vùng theo lãnh thổ và 9 trường ĐH, học viện theo các lĩnh vực và ngành trọng điểm quốc gia, bao gồm: ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TPHCM, ĐH Thái Nguyên, ĐH Huế, ĐH Đà Nẵng, ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Sư phạm TPHCM, ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Nông nghiệp I Hà Nội, ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội, ĐH Y Hà Nội, ĐH Kinh tế TPHCM, ĐH Y TPHCM, ĐH Cần Thơ, Học viện Kỹ thuật Quân sự và ĐH Vinh. 

Hải Minh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ