Tuy nhiên, đến thời điểm này hàng trăm ha đất được TPHCM giao cho các trường vẫn chỉ là những bãi đất trống bỏ hoang, kéo theo hệ lụy không nhỏ cho cuộc sống của người dân nơi bị “treo” cả chục năm qua.
Nhận đất xong, để đó!
Đấy là thực trạng của hàng chục khu đất với diện tích hàng trăm ha mà các trường ĐH-CĐ đang “giữ phần” tại TPHCM. Năm 2006, khi Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định quy hoạch các trường ĐH-CĐ giai đoạn 2006-2020, TPHCM đã lập quy hoạch xây dựng hệ thống trường ĐH-CĐ với tổng diện tích trên 2.200 ha, bao gồm: Dự án khu đô thị đại học quốc tế Việt Nam (huyện Hóc Môn), khu đô thị Tây Bắc (huyện Củ Chi và Hóc Môn) 600 ha; khu vực phía Nam (gồm quận 7, huyện Nhà Bè, huyện Bình Chánh) khoảng 800 ha và khu vực Đông bắc thành phố (gồm quận 9, quận Thủ Đức) 815 ha... nhằm di dời 40 trường ĐH-CĐ ra ngoại thành. Tuy nhiên đã hơn 10 năm trôi qua, hình hài của những khu làng đại học trên vẫn mù mịt.
Từng được kỳ vọng sẽ trở thành nơi đào tạo đại học hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á, nhưng sau hơn 10 năm cấp phép, dự án khu đô thị đại học Quốc tế Việt Nam chỉ là bãi đất hoang. Đây là dự án đã được UBND TPHCM cấp giấy chứng nhận đầu tư vào ngày 1/7/2008 với diện tích 925 ha tại xã Tân Thới Nhì, huyện Hóc Môn cho Tập đoàn Berjaya.
Tổng vốn đầu tư lên đến 3,5 tỉ đô la. Theo thiết kế, sẽ dành hơn 100 ha để phát triển thành một trung tâm đào tạo đại học hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á và sẽ có khoảng 10 trường ĐH-CĐ sẽ di dời về và xây dựng mới tại đây như: ĐH Y dược TPHCM (10 ha), ĐH Mở TPHCM (20 ha), CĐ Sư phạm Trung ương TPHCM (6 ha), ĐH Quốc tế thuộc ĐHQG TPHCM (10 ha), CĐ Văn hóa Nghệ thuật (10 ha), ĐH Công nghiệp TPHCM (50 ha)... Ngoài các trường đại học, khu đô thị sẽ có thêm 20 trường ở các bậc học từ mẫu giáo, tiểu học đến trung học phổ thông.
Tương tự, tại quận 9, hơn 200 ha đất tại phường Long Phước được TPHCM dành để xây khu đô thị đại học cho 6 trường đại học. Trong đó, khu số 1 rộng 50 ha là trường ĐH Kinh tế TPHCM. Khu số 2 rộng 5 ha sẽ xây dựng Học viện cán bộ TPHCM. Trường ĐH Luật TPHCM nằm ở khu số 3 rộng 29,66 ha. Khu số 4 rộng 13,69 ha là trường ĐH Nguyễn Tất Thành. Khu số 5 rộng 19,51 ha xây dựng trường ĐH Tài chính Marketing. Cuối cùng, khu số 6 rộng 16,48 ha của trường CĐ Tài chính Hải quan. Bên cạnh đó, khu đô thị đại học này còn dành hơn 17 ha làm ký túc xá, nhà công vụ, trung tâm thương mại dịch vụ…
Ấy vậy, sau 10 năm nhận đất, mới chỉ duy nhất có trường ĐH Luật TPHCM đã lập hồ sơ triển khai dự án, còn các trường khác vẫn “án binh bất động”. Bức xúc trước thực trạng “treo” không có thời gian hạn định, chính quyền nhiều quận đã kiến nghị UBND TPHCM xem xét, tháo gỡ.
Trao đổi với chúng tôi, bà Đặng Thị Hồng Liên - Bí thư quận ủy quận 9 cho biết: Dự án khu giáo dục đại học nằm trong quy hoạch tổng thể chung của thành phố. Thành phố đã có quyết định giao đất cho các trường; trách nhiệm của quận 9 là phải tạo điều kiện, hỗ trợ các trường.
Nhưng bản thân các trường nhận đất xong rồi cứ “treo” không thời hạn như vậy là không ổn. Ngoài việc ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người dân những nơi có dự án thì sự hoang phí quỹ đất lớn suốt thời gian dài là điều khó chấp nhận. “UBND quận 9 mới đề xuất, kiến nghị với UBND TPHCM chỉ đạo các sở, ngành rà soát nhu cầu đầu tư và quy mô đầu tư để có sự điều chỉnh phù hợp nhằm đảm bảo tính khả thi của dự án, cải thiện cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng bởi các dự án nêu trên. Chúng tôi đã đốc thúc các trường nhanh chóng triển khai dự án nhưng không hiệu quả. Vì vậy, nếu dự án nào ngâm quá lâu, không thể triển khai thì cần dứt khoát thu hồi”- bà Liên kiến nghị.
Nhìn ở góc độ xây dựng, quy hoạch đô thị, TS Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Qui hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng: Việc qui hoạch lại toàn TPHCM, trong đó có qui hoạch các khu, làng đại học thật sự đã làm cho bộ mặt kiến trúc của TPHCM thay đổi một cách “chóng mặt”. Điển hình là khu làng ĐHQG TPHCM sau 20 năm đã nên hình hài. Đó là điểm nhấn, thành tựu đặc biệt trong công tác qui hoạch đô thị của TPHCM. Tuy nhiên, hạ tầng giao thông còn quá nhiều vấn đề. Vì vậy, đẩy mạnh qui hoạch hạ tầng, trong đó có hạ tầng giao thông thuận lợi, kết hợp với tháo gỡ khó khăn, chắc chắn các trường ĐH-CĐ họ sẽ di dời.
Vướng mắc khâu đền bù, giải tỏa
Trao đổi với hiệu trưởng các trường ĐH-CĐ thuộc diện di dời trên vì sao các dự án cứ “treo” mãi, câu trả lời chung là do ở khâu đền bù, giải tỏa. Theo lý giải của nhiều trường, chính việc UBND TPHCM giao đất nhưng để các trường phải tự đền bù giải tỏa (thỏa thuận với dân) đã khiến cho nhiều trường rơi vào thế khó.
“Với mức giá thỏa thuận đền bù, giải tỏa mà người dân đòi hỏi, tính ra bằng và hơn số tiền để xây dựng cơ sở mới. Các trường ĐH-CĐ như chúng tôi chỉ làm nhiệm vụ giáo dục, nguồn thu hạn chế nên việc đền bù, giải phóng mặt bằng là không thể làm nổi”- một hiệu trưởng chia sẻ.
Nhìn thẳng vào vướng mắc hiện nay, GS-NGƯT Mai Hồng Quỳ - Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TPHCM cho rằng: UBND TPHCM cần hỗ trợ các trường trong khâu giải tỏa hoặc giao đất “sạch” thì mới mong sớm đẩy nhanh tiến độ di dời và hình thành được các khu đại học. Bởi với thực tế phần lớn các trường công lập (hiện có không ít trường đã tự chủ) tiềm lực tài chính hạn chế, nếu không giao đất sạch thì rất khó để họ triển khai. “Bản thân trường chúng tôi có tiền xây dựng cơ sở mới, nhưng vướng mắc cũng chỉ nằm ở khâu đền bù, giải tỏa, nếu TPHCM giúp các trường gỡ được ở “nút thắt” này, chắc chắn sẽ có nhiều trường khởi công xây dựng”- GS Quỳ nói.
TS. Hoàng Đức Long - Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính - Marketing cũng thừa nhận: Nếu chỉ trông chờ vào nguồn thu học phí thì… 100 năm tới trường cũng không đủ kinh phí để mua đất, xây trường. Để kiếm được nguồn lực tài chính vừa làm tốt công tác đền bù, giải tỏa, vừa xây trường… thật sự là vô cùng khó.
Nói về 200ha đất dự án đang “treo” không thời hạn tại quận 9, ông Nguyễn Thanh Nhã - Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM cho biết: Lý do chính khiến các trường chậm tiến độ xây dựng là do bản thân các trường không đủ nguồn lực. Bên cạnh đó, công tác giải phóng mặt bằng, đền bù giải tỏa cũng chưa được TPHCM triển khai toàn diện, vì vậy mới kéo dài. Thành phố đã giao lại cho Sở Quy hoạch - Kiến trúc và quận 9 tổng rà soát và có phương án khả thi hơn, từ nhu cầu đến qui mô, diện tích đất mà các trường ĐH, CĐ cần sử dụng. Nếu có bất cập, sẽ điều chỉnh lại qui hoạch cho khả thi.
Từ khi có qui hoạch, các cấp chính quyền Quận 9 TPHCM đã có 3 lần đối thoại với các hộ dân nằm trong diện phải di dời, giải tỏa nhưng đều không thống nhất được giá cả đền bù. Do mức đền bù trên đất thổ cư là 4,5 triệu/m2, còn đất nông nghiệp trồng cây lâu năm là 1,2 triệu/m2 quá thấp. “Bất cập ở chỗ, bà con có sổ hồng hết nhưng không được đền bù một mức giá, mà phải chia ra làm 3 mức giá, rẻ nhất là 2,5 triệu/m2. Trong khi đó, giá của khu tái định cư (thuộc phường Long Bửu và bên Khu Công nghệ cao) đã có giá 6,5 triệu/m2. Giá đền bù và giá tái định cư chênh lệch như vậy làm sao chúng tôi dám di dời!”- một người dân nói.