Kiểm định chất lượng giáo dục ĐH phải giống như y tế dự phòng

GD&TĐ - “Nhiều người ví các cơ quan kiểm định như một bệnh viện, tôi thì cho rằng nó mang nhiều tính chất của trung tâm y tế dự phòng hơn là bệnh viện mang tính chất lâm sàng. Cơ quan kiểm định phải giống như y tế dự phòng, làm sao phòng ngừa để không xảy ra bệnh tật”.

Kiểm định chất lượng giáo dục ĐH phải giống như y tế dự phòng

GS.TS Nguyễn Quý Thanh – Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục (ĐHQG Hà Nội) – nhấn mạnh như vậy trong buổi tọa đàm trực tuyến “Đẩy mạnh kiểm định chất lượng giáo dục” tại Cổng Thông tin điện tử Chính phủ sáng nay (10/2).

Cần đội ngũ kiểm định viên thực hiện được cơ chế dự phòng

Hiện nay, trên cả nước có 4 trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục ĐH đã đi vào hoạt động là trung tâm của ĐHQH Hà Nội, ĐHQG Hồ Chí Minh, ĐH Đà Nẵng và trung tâm của Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam. Đến nay, các trung tâm đã đánh giá ngoài được 32 cơ sở giáo dục ĐH.

Để đẩy nhanh tiến bộ, PGS.TS Mai Văn Trinh – Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT) – cho biết, tới đây Bộ GD&ĐT sẽ có một số giải pháp như: Hỗ trợ cho các trung tâm đã có mạnh thêm lên, hoạt động hiệu quả hơn; xem xét nếu đáp ứng các yêu cầu có thể thành lập thêm một số trung tâm mới; khuyến khích các trường, chương trình đào tạo tiến hành kiểm định theo các tiêu chuẩn quốc tế...

"Nên phát triển các tổ chức kiểm định để đánh giá mang tính chuyên biệt đối với chương trình đào tạo. Cơ quan kiểm định với các trường nên ở mức hợp lý, không nên quá nhiều" - GS Nguyễn Quý Thanh.

GS.TS Nguyễn Quý Thanh bổ sung, liên quan đến tiến độ, nên đặt vấn đề số lượng những người đủ năng lực đi đánh giá - số lượng kiểm định viên hơn là phát triển thêm nhiều cơ sở kiểm định.

Nhấn mạnh vai trò đội ngũ kiểm định viên, GS Nguyễn Quý Thanh nêu quan điểm: Cần chuẩn bị đội ngũ người thực hiện được cơ chế dự phòng, tư vấn được từ trước để các trường có cơ chế, giải pháp cải tiến chất lượng.

Đội ngũ kiểm định viên phải hiểu và nắm bắt rất rõ các tiêu chuẩn, tiêu chí, giải thích đúng về các tiêu chuẩn, tiêu chí; rất hiểu về giáo dục và có khả năng thu thập, phân tích thông tin tốt.

“Quan trọng nhất là đào tạo, huấn luyện tốt đội ngũ kiểm định viên. Nghiên cứu kinh nghiệm của Hoa Kỳ, Châu Âu, trước khi đi đánh giá, họ luôn tập huấn và hướng dẫn cụ thể cho các thành viên trong đoàn. Nên việc đào tạo, tập huấn phải diễn ra thường xuyên..” – GS Thanh cho biết thêm.

PGS.TS Nguyễn Phương Nga – Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục – Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam – cũng khẳng định vai trò quan trọng của việc phải có đội ngũ kiểm định viên phải giỏi, không những giỏi kỹ năng đánh giá mà giỏi cả ở cách ứng xử, làm sao đưa ra được kết luận mà các trường phải tâm khẩu phục; phải đưa được tư vấn đề giải quyết tồn tại của trường…

Yêu cầu cao về phẩm chất với kiểm định viên

Ông Mai Văn Trinh cho biết, hoạt động kiểm định chất lượng nói chung, đặc biệt khi có đoàn đánh giá ngoài đến làm việc có nguyên tắc. Nguyên tắc này được ghi rõ trong luật giáo dục ĐH, đó là: Độc lập, khách quan, đúng pháp luật; Trung thực, công khai, minh bạch; Bình đẳng, bắt buộc, định kỳ.

Để thực tiễn việc này, có những giải pháp về mặt quản lý và giải pháp về mặt kỹ thuật.

Chia sẻ về giải pháp kỹ thuật, theo Cục trưởng Mai Văn Trinh, các bộ tiêu chuẩn, kể cả bộ tiêu chuẩn hiện hành và bộ tiêu chuẩn mới trong dự thảo quy định về kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học Bộ GD&ĐT đang xin ý kiến góp ý quy định rất rõ các tiêu chuẩn, tiêu chí. Khi các đoàn đánh giá ngoài đến đánh giá có mức chuẩn, giúp sự đánh giá các chuyên gia đều tay hơn.

Về quy trình đánh giá, ngoài quy trình kỹ thuật còn có ràng buộc nhất định về việc đoàn đánh giá ngoài việc tiếp xúc với lãnh đạo nhà trường như thế nào, các cuộc phỏng vấn diễn ra trong không gian ra sao… Để đi đến được báo cáo đánh giá cuối cùng, bao giờ cũng phải có sự trao đổi giữa đoàn đánh giá ngoài với cơ sở giáo dục. Đặc biệt, kết quả đánh giá được công khai.

“Về giải pháp quản lý, các thành viên tham gia vào các đoàn đánh giá ngoài, hay những bên liên quan trong quá trình làm vi phạm nguyên tắc sẽ bị xử lý.

Bên cạnh đó, trong chương trình đào tạo, các kiểm định viên ngoài yêu cầu về mặt trình độ chuyên môn, trải nghiệm, còn yêu cầu rất cao về phẩm chất” - ông Mai Văn Trinh cho biết thêm.

Khó khăn tìm minh chứng

Chia sẻ khó khăn trong thực hiện công tác kiểm định tại các trường đại học, điều được GS Nguyễn Quý Thanh đặc biệt nhấn mạnh là tìm minh chứng, ông chia sẻ:

Câu thường trực các thành viên của đoàn với nhà trường là minh chứng. Đó cũng là một bất cập chúng tôi thường gặp trong quá trình đánh giá ngoài vì chúng ta chưa định hình được văn hóa chất lượng phổ biến trong các trường ĐH.

Trong hoạt động của nhiều trường ĐH hiện nay, thói quen lưu trữ có tính hệ thống các minh chứng trong hoạt động của mình chưa thường xuyên; các hoạt động của nhà trường chưa được chuẩn hóa. Nếu đoàn kiên định việc yêu cầu minh chứng thì mang tiếng là quá chú trọng vào minh chứng và nói rằng trên thực tế nhà trường có làm nhưng không có lưu trữ.

“Vì thế, thời gian đón đoàn, các trường rất vất vả trong việc tìm minh chứng. Đôi khi chúng ta chạy theo việc tìm minh chứng hơn là chạy theo cải tiến chất lượng. Cũng chính vì thế nên nhiều khi ý nghĩa của kiểm định bị hiểu sai lệch đi” – GS Thanh bày tỏ.

Một bất cập nữa được GS Thanh đề cập đến liên quan đến cơ chế tài chính, cụ thể là mức chi cho các kiểm định viên còn thấp, trong khi công việc vất vả và áp lực; đồng thời mong muốn có một quỹ kiểm định chất lượng độc lập.

“Một chuyên gia cao cấp làm việc trong các đoàn, 1 ngày thường đánh giá, làm việc từ 7 giờ sáng đến 9 giờ tối, có những hôm đến 2 giờ sáng, vì trong 4 – 5 ngày phải hoàn thành khối công việc vô cùng khổng lồ, tiếp xúc với vài trăm nghìn trang tài liệu khác nhau trong 1 ngày” - GS Nguyễn Quý Thanh chia sẻ về khối lượng công việc của kiểm định viên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.