Bởi vậy, muốn đổi mới giáo dục thành công, trước hết đội ngũ này cần phải được bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng. Với ý nghĩa như một đầu tàu để kéo các bộ phận khác chuyển động, sáng tạo theo.
Đó là quan điểm của ông Trần Trung Dũng – GĐ Sở GD&ĐT Hà Tĩnh trong bồi dưỡng cán bộ quản lý nhà trường đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo.
Khảo sát cán bộ quản lý
Theo ông Trần Trung Dũng, cán bộ quản lý (CBQL) được bổ nhiệm bằng quy trình suy tôn của giáo viên gắn với kết quả công tác đánh giá cán bộ theo quy trình chặt chẽ. Tuy nhiên, thực tế công tác đánh giá cán bộ vẫn chưa được đầy đủ toàn diện, nhiều tiêu chí chưa được lượng hóa một cách rõ ràng. Kết quả đánh giá đôi khi còn phụ thuộc vào ý kiến chủ quan, cảm tính của người đánh giá, còn chịu tác động của các yếu tố khác, thiếu tính chiến đấu, xây dựng…
Bên cạnh đó, các cán bộ không được đào tạo cơ bản về công tác quản lý, chủ yếu được bổ nhiệm sau một quá trình tự học, chưa được chuẩn bị đầy đủ tâm thế trước khi nhận nhiệm vụ, cho nên trong quá trình thực thi nhiệm vụ không tránh khỏi bị động, lúng túng, vướng mắc. Vì vậy, bồi dưỡng CBQL là yêu cầu bức thiết kể cả trước mắt và lâu dài.
Để tiếp tục triển khai công tác bồi dưỡng CBQL, từ năm học 2014 – 2015, Sở GD&ĐT tỉnh Hà Tĩnh tiến hành khảo sát đối với đội ngũ CBQL các trường THPT của tỉnh Hà Tĩnh. Quá trình khảo sát tập trung vào một số vấn đề cụ thể:
Thứ nhất, khảo trình độ kiến thức của CBQL trường THPT. Kết quả, số người xếp loại tốt là 17,4%; loại khá 22,3%; loại trung bình 42,1 % và còn 18,2% xếp loại yếu.
Thứ hai, khảo sát đánh giá theo chuẩn nghề nghiệp, năng lực (kiến thức, kỹ năng) quản lý hoạt động dạy học của CBQL trường THPT với hệ tiêu chí gồm:
Kỹ năng chỉ đạo giáo viên xác định yêu cầu đối với kế hoạch dạy học; xây dựng kế hoạch dạy học; vận dụng các phương pháp, kỹ thuật giảng dạy linh hoạt, sáng tạo; Đa dạng hóa các hình thức tổ chức học tập của học sinh; Tổ chức cho giáo viên ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong dạy học; Tổ chức cho giáo viên đánh giá kết quả học tập của học sinh bằng nhiều phương pháp, hình thức, công cụ khác nhau; Tổ chức bồi dưỡng năng lực dạy học cho GV; Xây dựng cơ chế, tạo động lực để GV và HS phát huy tốt vai trò của mình trong dạy học và kỹ năng chỉ đạo tăng cường cơ sở vật chất, ừng dụng CNTT.
Về khía cạnh này, tỷ lệ cán bộ quản lý đạt mức trung bình chiếm (từ 52,9% đến 57%), còn loại khá chỉ đạt từ 19,8% đến 24%.
Trong khi đó, đánh giá theo chuẩn nghề nghiệp, thực hiện theo văn bản số 430 văn bản số 630 của Bộ Giáo dục và Đào tạo mà lâu nay vẫn được áp dụng, thì tỷ lệ CBQL loại xuất sắc và loại khá chiếm 91% (năm học 2014 – 2015) và 84% (2015 – 2016).
Điều này, theo ông Trần Trung Dũng, sẽ dẫn đến sự ngộ nhận, thái độ làm việc chủ quan dễ thỏa mãn, không tạo được động lực phấn đấu trong đội ngũ cán bộ quản lý. Hệ quả của nó là nhà trường ít chuyển biến, tồn tại hạn chế của đơn vị chậm được khắc phục, tiêu cực trong trường học chưa được đẩy lùi triệt để. Trong khi đó, yêu cầu đổi mới giáo dục ngày càng cao và bản thân bậc THPT tại Hà Tĩnh cũng còn một số vấn đề tồn tại, hạn chế.
Giải pháp cho nhiệm vụ “cấp thiết” bồi dưỡng cán bộ quản lý
Cũng theo ông Trần Trung Dũng, đội ngũ CBQL trường THPT nói riêng và các trường học trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh nói chung chưa được đào tạo cơ bản về công tác quản lý. Chủ yếu là bồi dưỡng sau bổ nhiệm theo chương trình được ban hành kèm theo Quyết định số 382 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (QĐ382).
Chương trình bồi dưỡng này được thiết kế khá toàn diện, tuy nhiên vẫn còn một số nội dung chậm cập nhật, có nội dung chưa đồng bộ với Chuẩn Hiệu trưởng, một số nội dung được bố trí thời lượng chưa thật cân đối, công tác quản lý nhân sự chưa tương thích với quản lý hoạt động dạy học, thời lượng dành cho bồi dưỡng về kỹ năng còn ít…
“Và thực tế, sự chuyển động trong đội ngũ cán bộ quản trong các nhà trường chưa thực sự rõ nét. Điều này, về lâu dài sẽ là khó khăn, vật cản cho chính nhà trường khi làm công tác quản trị, trong bối cảnh giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho cơ sở giáo dục theo tinh thần Nghị quyết số 29”, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hà Tĩnh nhấn mạnh.
Việc tổ chức khảo sát đánh giá chất lượng thời gian qua đã tạo những cú hích, bắt đầu chuyển động trong đội ngũ CBQL trường phổ thông ở Hà Tĩnh.
Để đội ngũ này ngày càng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, yêu cầu đổi mới, hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ của mình, góp phần vào sự phát triển của mỗi nhà trường, ông Trần Trung Dũng – GĐ Sở GD&ĐT Hà Tĩnh cho rằng cần phải đẩy mạnh công tác bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng, trong đó tập trung một số nội dung sau:
Thứ nhất, thực hiện nghiêm túc và thực sự có chất lượng việc bồi dưỡng CBQL theo chương trình được quy định tại QĐ382. Sau chương trình bồi dưỡng này, CBQL phải tiếp tục được bồi dưỡng thường xuyên và định kỳ để cập nhật kiến thức và yêu cầu mới, nhất là trong giai đoạn hiện nay để chuẩn bị triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới và thực hiện NQ29.
Thứ hai, dành thời lượng thỏa đáng và linh hoạt lựa chọn các hình thức phù hợp để tăng cường bồi dưỡng về phẩm chất chính trị, tinh thần trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp cho CBQL.
Thứ ba, xây dựng và thực hiện chương trình bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý hoạt động dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh cho CBQL. Việc bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý hoạt động dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh cho CBQL phải hướng đến nhiều mục tiêu khác nhau.
Trước mắt, phải đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông, đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học, hình thức và phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả học tập của học sinh…
Đồng thời chuẩn bị cho CBQL trường THPT sớm tiếp cận được với việc tổ chức thực hiện chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới.
Tóm lại, bồi dưỡng CBQL, cụ thể là trong trường THPT là một yêu cầu cấp thiết, dựa trên những định hướng được nêu ra trong NQ29, phải nhằm mục tiêu đáp ứng Chuẩn Hiệu trưởng; Nội dung, chương trình phải xuất phát từ Chuẩn Hiệu trưởng, với các yêu cầu cụ thể về phẩm chất và năng lực; Phương pháp bồi dưỡng phải được đổi mới và tăng cường bồi dưỡng bằng hình thức trực tuyến qua mạng.