Trong chương trình đào tạo, lý thuyết phải đi đôi với thực hành, bảo đảm sinh viên nắm vững kiến thức, hạn chế tình trạng thất nghiệp sau khi ra trường gây lãng phí cho gia đình và xã hội, đồng thời ảnh hưởng đến tâm lý học sinh đang theo học.
Về vấn đề này, Bộ GD&ĐT cho biết: Theo quy định tại Khoản 1 Điều 68 Luật Giáo dục đại học (sửa đổi năm 2018), Bộ GD&ĐT là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thực hiện quản lý Nhà nước về giáo dục đại học và có trách nhiệm quy định chuẩn giáo dục đại học bao gồm chuẩn cơ sở giáo dục đại học, chương trình đào tạo, giảng viên, cán bộ quản lý và các chuẩn khác; quy định về xây dựng, thẩm định, ban hành chương trình đào tạo trình độ giáo dục đại học.
Do đó, trong chương trình kế hoạch năm 2020, Bộ GD&ĐT đang triển khai xây dựng chuẩn chương trình đào tạo đối với các trình độ của giáo dục đại học, trong đó quy định rõ về khối lượng, cấu trúc và các tiêu chí tối thiểu khác mà mỗi chương trình đào tạo phải đạt được.
Chuẩn chương trình được xây dựng sẽ làm cơ sở để cơ sở giáo dục đại học phát triển chương trình đào tạo gắn với bảo đảm chất lượng bên trong đối với mỗi chương trình được thực hiện tại nhà trường. Đồng thời, chuẩn chương trình cũng giúp cơ sở giáo dục đại học thực hiện đánh giá chất lượng các chương trình đào tạo, công khai, minh bạch hoạt động đào tạo và thực hiện trách nhiệm giải trình.
Theo đó, các cơ sở giáo dục đại học phát triển chương trình đào tạo bảo đảm chuẩn chương trình; trong đó, sẽ cụ thể hóa chương trình đào tạo lý thuyết phải đi đôi với thực hành, bảo đảm cho sinh viên nắm vững kiến thức sau khi tốt nghiệp.