Xây dựng Cần Thơ thành trung tâm vùng Tây Nam bộ

GD&TĐ - Ngày 31/12, tại TP Cần Thơ, Trường ĐH Nam Cần Thơ phối hợp với Trường ĐH Tài Chính - Marketing tổ chức hội thảo “Xây dựng TP Cần Thơ thành trung tâm Thương mại - Dịch vụ của vùng Tây Nam bộ”.

Vận chuyển hàng hóa ở Khu công nghiệp Thốt Nốt, TP Cần Thơ.
Vận chuyển hàng hóa ở Khu công nghiệp Thốt Nốt, TP Cần Thơ.

Hội thảo có gần 100 đại biểu là các nhà khoa học, lãnh đạo sở, ngành, cán bộ trên địa bàn thành phố tham dự.

Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Lê Văn Tâm cho biết: Tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2010 - 2015 của TP Cần Thơ đạt 12,2%. Cơ cấu các ngành, lĩnh vực kinh tế tăng dần tỷ trọng khu vực công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ và giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, thủy sản.

Năm 2015, tỷ trọng khu vực 3 chiếm 57,8% trong cơ cấu GDP. Hầu hết các lĩnh vực đều phát triển nhanh, đa dạng. Đến nay, Cần Thơ đã có quan hệ xuất nhập khẩu với 97 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới…

“Nhiệm vụ chủ yếu hiện nay là tập trung xây dựng TP Cần Thơ từng bước trở thành trung tâm, động lực phát triển thương mại, dịch vụ để khẳng định vai trò trung tâm xuất, nhập khẩu hàng hóa của vùng ĐBSCL”, ông Lê Văn Tâm nói.

Ông Lê Văn Tâm - Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ - phát biểu tại hội thảo.
Ông Lê Văn Tâm - Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ - phát biểu tại hội thảo. 

Theo ông Lê Văn Tâm, thời gian qua, kinh tế thành phố đạt tăng trưởng khá cao, chuyển dịch cơ cấu kinh tế tích cực, nguồn lực xã hội được phát huy đã đóng góp bước đầu vào sự phát triển chung của vùng ĐBSCL và cả nước.

Về định hướng phát triển TP Cần Thơ giai đoạn 2015 - 2020, ông Bùi Ngọc Vỵ - Phó GĐ Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ - cho biết: Phát huy đồng bộ các tiềm năng và huy động mọi nguồn lực phát triển kinh tế với tốc độ cao. Trong đó, tập trung nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế công nghệ cao theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp. Đồng thời, đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng và phát triển đa dạng khu vực thương mại, dịch vụ, nhất là dịch vụ tài chính, thương mại, du lịch và các dịch vụ có giá trị gia tăng cao.

Tại hội thảo, PGS.TS Phạm Hữu Hồng Thái - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Tài Chính - Marketing - phân tích: Nước ta đang hội nhập sâu, rộng trong khu vực và thế giới. Điều đó sẽ giúp các doanh nghiệp có nhiều cơ hội như: Mở rộng thị trường, đầu tư vào các nước khác sẽ thuận lợi.

Tuy nhiên, qua khảo sát, hiện nay có đến 1/5 doanh nghiệp chưa nhận biết về tầm quan trọng trong hội nhập quốc tế. Điều đó dẫn đến sẽ gặp nhiều thách thức cho kinh tế Việt Nam.

Theo ông Phạm Hữu Hồng Thái, tại Cần Thơ hầu hết là doanh nghiệp nhỏ và vừa nên hạn chế về tiềm lực vốn, công nghệ cao và nhân lực.

Vì thế, ông đề nghị các doanh nghiệp cần phải học hỏi kinh nghiệm từ các thành phố lớn và các nền kinh tế tiên tiến bên ngoài. Hơn nữa, bám vào định hướng, chiến lược phát triển kinh tế, xã hội của địa phương để đứng vững...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Xóa định kiến

GD&TĐ - Xóa bỏ định kiến về giới tính trong lựa chọn ngành, trường học, nghề nghiệp là vấn đề đặt ra nhiều năm nay và đã có những chuyển biến tích cực.