Xây dựng bộ tiêu chí đánh giá “Đơn vị học tập”

GD&TĐ - Chiều ngày 5/6, tại Bộ GD&ĐT, Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực tổ chức phiên họp Xây dựng bộ tiêu chí đánh giá “Đơn vị học tập” áp dụng đối với cơ quan, đơn vị, tổ chức thuộc tỉnh và cơ quan, đơn vị, tổ chức thuộc huyện. 

Toàn cảnh phiên họp
Toàn cảnh phiên họp

GS.TS Phạm Tất Dong, Ủy viên Hội đồng, Trưởng tiểu ban GDTX và học tập suốt đời chủ trì phiên họp.

Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời

Sau Hội nghị Tổng kết 5 năm triển khai Quyết định 112/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng xã hội đến năm 2010, vấn đề xây dựng các mô hình hiếu học (gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học) và mô hình khuyến học (cộng đồng khuyến học) đã không còn phù hợp với xu thế phát triển chung của xã hội.

Hiếu học và khuyến học không phải là tiêu chí đánh giá kết quả học tập suốt đời, những lợi ích của việc học tập suốt đời mang lại và những tác động của việc học tập suốt đời đến sự phát triển bền vững của xã hội.

Chính từ xu thế đánh giá này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 89/QĐ – TTg, phê duyệt các mô hình học tập, các hình thức học tập, các đối tượng học tập trong xã hội học tập. Riêng trên địa bàn hành chính cấp xã, cần phải có những mô hình học tập để huy động mọi công dân trên địa bàn tham gia học tập tại cộng đồng.

Các đại biểu tham dự phiên họp
Các đại biểu tham dự phiên họp 

Ý tưởng này được thể hiện trong quyết định 281/QĐ –TTg về “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng và đơn vị đến năm 2020”.

Do đơn vị cấp xã có tổ chức đơn giản, không thể lấy tiêu chí đánh giá đó để áp dụng vào đánh giá các đơn vị cấp huyện và cấp tỉnh nên Bộ GD&ĐT đã dự thảo một Thông tư về tiêu chí đánh giá “đơn vị học tập” để áp dụng vào việc công nhận các cơ quan, đơn vị, tổ chức thuộc chính quyền cấp tỉnh và huyện quản lý.

Bản dự thảo Bộ tiêu chí đánh giá công nhận đơn vị học tập có 5 tiêu chí: sự lãnh đạo, quản lý của các cấp ủy Đảng và thủ trưởng cơ quan; Cơ quan tạo điều kiện cho cán bộ, công chức, viên chức học tập; Ý thức học tập thường xuyên và năng lực tự học của cán bộ, công chức, viên chức; Tác động, hiệu quả của việc xây dựng đơn vị học tập; Kết quả học tập, bồi dưỡng thường xuyên của cán bộ, công chức, viên chức.

Vấn đề đặt ra tại Hội thảo là Dự thảo Thông tư do Bộ GD&ĐT đưa ra còn có những điểm nào cần sửa chữa, hoàn chỉnh để đảm bảo tính khoa học, tính pháp lý và cơ chế thực hiện?

Bộ tiêu chí Đơn vị học tập đã phản ánh được yêu cầu đặt ra đối với việc học tập suốt đời của cán bộ, công chức, viên chức trong giai đoạn hiện nay, cần thêm bớt tiêu chí nào, chỉ số đo đạc nào?

Ngày 10/5/2019, Ban Bí thư đã ban hành kết luận số 49-KL/TW về công việc tiếp tục triển khai Chỉ thị 11 – CT/TƯ trong giai đoạn mới từ sau năm 2019. Có một kết luận quan trọng là xây dựng mô hình Công dân học tập và mọi cán bộ, đảng viên, công chức đều phấn đấu đạt yêu cầu về năng lực và phẩm chất của người công dân học tập suốt đời.

Tiêu chí cần đo được và đánh giá được

Với góc độ của nhà báo, ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng: Vấn đề xã hội học tập là vấn đề lớn được Đảng và Nhà nước quan tâm. Trên thực tế xã hội học tập Việt Nam đã ăn sâu bén rễ trong tầng lớp nhân dân.

Ông Hồ Quang Lợi phát biểu tại phiên họp
 Ông Hồ Quang Lợi phát biểu tại phiên họp

Tham khảo công dân học tập một số nước, họ đi đến những vấn đề rất căn cốt và khoa học. Tiến đến công dân học tập, công dân toàn cầu chúng ta cũng cần phải quan tâm đến công dân học tập. Song nếu chỉ bàn đến “đơn vị học tập” – đơn vị trực thuộc cấp tỉnh và cấp huyện là chưa đầy đủ. Chúng ta nên nghiên cứu các đơn vị trực thuộc các cơ quan trung ương.

Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cũng tán thành các tiêu chí về đơn vị học tập, về công dân học tập. Tuy nhiên các tiêu chí đó chưa cụ thể. Thông tư ban hành phải thể hiện được mục đích ban hành thông tư. Đánh giá xếp loại là đúng nhưng ai đánh giá xếp loại. Thông tư này ban hành ra để đơn vị tự đánh giá xếp loại thì nó không phù hợp hay không? Tiêu chí cần đo được và đánh giá được.

GS.TS Phạm Tất Dong phát biểu tại phiên họp
GS.TS Phạm Tất Dong phát biểu tại phiên họp 

Đồng ý với sự cần thiết của việc ban hành thông tư, PGS.TS Lưu Bích Ngọc, Chánh văn phòng Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực cho rằng, khi xây dựng thông tư cần có tính khái quát. Nếu ban hành thông tư mà không có chế tài thì không có ý nghĩa thực tiễn. Đây là tiền đề chúng ta lồng ghép vào thi đua. Cần có sự rà soát lại các tiêu chí đánh giá thi đua để gắn với tiêu chí công dân học tập, đơn vị học tập hiệu quả hơn.

Phát biểu kết luận phiên họp, GS Phạm Tất Dong cho biết: Chúng ta muốn đơn giản hóa phải làm cho nó thành phong trào. Sự ban hành thông tư Quy định về đánh giá, xếp loại “Đơn vị học tập” là cần thiết. Nếu muốn nhanh phải nghiên cứu 2 văn bản và ý kiến của ban bí thư (kết luận 49). Vụ GDTX sẽ báo cáo với Bộ GD&ĐT để hoàn thiện Thông tư.

Phó Vụ trưởng Vụ GDTX Vũ Tú Anh cho biết, các ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, các chuyên gia đã chỉ ra tương đối rõ cách làm, hướng đi trong việc xây dựng thông tư. Các ý kiến đều đánh giá về sự ban hành thông tư là cần thiết. Vụ GDTX sẽ tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học để hoàn thiện thông tư trong thời gian tới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.