Xây dựng bằng robot và in 3D làm thay đổi tư duy nhà ở

GD&TĐ - Theo một nghiên cứu mới, thợ xây robot, kĩ thuật in 3D và đồ nội thất tiết kiệm diện tích đều có thể giúp giải quyết tình trạng thiếu hụt nhà ở giá rẻ trên toàn cầu.

Máy in 3D dùng trong lĩnh vực xây dựng nhà ở tại Mỹ
Máy in 3D dùng trong lĩnh vực xây dựng nhà ở tại Mỹ

Gần 90% các thành phố trên thế giới không thể cung cấp nhà ở giá rẻ cho công dân của họ và thế hệ millenial (tức những người sinh ra trong khoảng từ 1980 - 2000) đang chi tiêu nhiều hơn cho nhà ở so với bất kỳ thế hệ nào trước đây, theo báo cáo do Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) và các chuyên gia tư vấn từ PwC biên soạn.

Điều này không bền vững. Tác giả chính của báo cáo Alice Charles cho rằng, thực tiễn quản lý đất đai tốt hơn và cải thiện hiệu quả trong ngành xây dựng có thể làm cho nhà ở đô thị có giá phải chăng hơn.

“Cách thức xây dựng thực sự không thay đổi nhiều trong vòng 100 năm qua”, Charles, người đứng đầu chương trình thành phố của WEF trao đổi với truyền thông, đồng thời xây dựng là một trong những lĩnh vực đầu tư ít nhất vào nghiên cứu và phát triển.

Charles cho biết, chi phí xây dựng có thể được giảm đáng kể bởi công nghệ mới như thợ xây robot đang được sử dụng tại Mỹ với khả năng xây một bức tường nhanh hơn gấp 10 lần so với con người. In 3D quy mô lớn đã phát triển đến mức các công ty ở Mỹ, Trung Quốc và Hà Lan đang đưa vào các dự án nhà ở, cô Charles cho biết thêm.

Có những công ty có thể sản xuất ra một ngôi nhà trong vòng 24 giờ với chi phí vài nghìn đô la.

Nhiều trong số các công nghệ này có thể sẽ được áp dụng dễ dàng hơn ở các nước phát triển, nhưng một số cũng hứa hẹn có thể sử dụng ở các nước nghèo, theo cô Charles phát biểu tại Diễn đàn Pritzker về các thành phố trên toàn cầu.

Sử dụng một loạt vật liệu xây dựng thay thế, bao gồm cả những thứ được thu thập và tái chế tại địa phương có thể tiết kiệm đến hơn 25% chi phí xây dựng, theo nhóm nghiên cứu của Charles công bố. Các ý tưởng khác bao gồm việc tìm cách tối ưu hóa không gian nhỏ hoặc cung cấp các bộ dụng cụ hỗ trợ cho phép mọi người tự xây dựng nhà riêng của họ.

Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ) đã phát triển một căn hộ nguyên mẫu sử dụng đồ nội thất có thể biến đổi, di chuyển và cất gọn lại chỉ bằng cử chỉ tay và khẩu lệnh, về cơ bản mở rộng không gian hoạt động gấp 3 lần.

Ở Ấn Độ, nơi gần 2/3 số căn nhà mới có chi phí thấp được tự xây dựng, một hệ thống flat-pack (đóng hộp phẳng) đang được thí điểm. Đổi mới này đặc biệt thú vị đối với Patrick Kelley, Phó Chủ tịch của Trung tâm Đổi mới về Nơi trú ẩn Terwilliger thuộc Tổ chức cư trú ổn định.

“Hầu hết mọi người phải là tổng thầu của chính họ, vì vậy chúng tôi cho rằng có nhiều công nghệ hứa hẹn có thể làm quá trình xây được chủ nhà đưa ý tưởng dễ dàng hơn, giá rẻ và rất hiệu quả”, ông Kelley cho biết.

Kelley cho biết, ông khá lạc quan về việc công nghệ sẽ đóng vai trò quan trọng đến khả năng chi trả cho nhà ở, mặc dù vậy ông cũng cảnh báo rằng tỷ lệ thất bại cũng không phải là nhỏ. “Nhưng điều đó cũng không sao vì một hoặc hai câu chuyện thành công là đủ xứng đáng với thời gian của chúng ta rồi”, ông nhìn nhận.

Theo Reuters

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi. Ảnh: BVCC

Gia tăng bệnh sởi ở người lớn

GD&TĐ - Gần đây, số ca mắc sởi có xu hướng gia tăng trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt ở những nơi đông dân cư.