Xây dựng bài khảo sát tổng hợp nhiều môn tránh luyện thi vào lớp 6

GD&TĐ - Ủng hộ việc một số trường THCS có số học sinh đăng ký vào học lớp 6 nhiều hơn so với chỉ tiêu tuyển sinh được kết hợp xét tuyển với kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh, cô Lê Kim Anh - Hiệu trưởng Trường THCS Cầu Giấy (Hà Nội) cũng chia sẻ một số suy nghĩ về giải pháp thực hiện nếu quy định này đi vào thực tiễn.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Ủng hộ thay đổi

Cô Lê Kim Anh - Hiệu trưởng Trường THCS Cầu Giấy (Hà Nội) - cho biết: 3 năm gần đây, Trường THCS Cầu Giấy thực hiện tuyển sinh đầu vào lớp 6 bằng xét tuyển dựa trên kết quả học bạ 5 năm của học sinh ở tiểu học.

Cách làm này có khó khăn là số học bạ đạt tuyệt đối luôn nhiều hơn chỉ tiêu trường được tuyển. Do đó, nhà trường phải xét thêm đến điểm ưu tiên của các cuộc thi. Tất cả điểm trong học bạ, điểm ưu tiên được quy ra một hệ số điểm, sau đó lấy từ cao xuống thấp cho đến khi đủ chỉ tiêu.

Trên thực tế, việc lấy điểm ưu tiên từ các cuộc thi đã vô hình trung biến những cuộc thi này đáng lẽ là sân chơi lành mạnh của học sinh thành cuộc chạy đua của học sinh, phụ huynh để giành giấy khen, giải thưởng, thành tích để làm đẹp hồ sơ xét tuyển; bởi vậy tạo ra sức ép lớn cho học sinh.

Trong hoàn cảnh Bộ GD&ĐT năm nay tinh giản các cuộc thi, dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trung học cơ sở và tuyển sinh trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 11/2014/TT-BGDĐT ngày 18/4 /2014 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho phép một số trường có số học sinh đăng ký vào học lớp 6 nhiều hơn so với chỉ tiêu tuyển sinh được kết hợp xét tuyển với kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh, theo quan điểm của cô Lê Kim Anh là cần thiết và phù hợp, đáp ứng được nhu cầu của thực tiễn giáo dục.

“Tôi rất ủng hộ và đồng tình với chủ trương này của Bộ GD&ĐT. Bản thân tôi hết sức vui mừng, giải tỏa được băn khoăn rất lớn vì từ đầu năm đến giờ, chúng tôi luôn suy nghĩ phải tuyển sinh ra sao đây, khi Bộ GD&ĐT đã tinh giản các cuộc thi. Nếu được phép sử dụng khảo sát, đánh giá năng lực, các trường hoàn toàn có thể chủ động tuyển được học sinh phù hợp với mình” – Hiệu trưởng Trường THCS Cầu Giấy cho hay.

Nên xây dựng bài khảo sát tổng hợp nhiều môn

Nếu quy định trên chính thức đi vào thực tiễn, cô Lê Kim Anh cho rằng, các trường, địa phương cần căn cứ vào tình hình thực tiễn, sớm xây dựng phương án tuyển sinh, báo cáo các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Từ đó, sớm thông báo cho phụ huynh, học sinh biết tuyển sinh theo hình thức nào, cách thức ra sao… để định hướng, tránh gây hoang mang cho phụ huynh, học sinh.

Cùng với đó, phương án tuyển sinh nên xây dựng bài khảo sát tổng hợp nhiều môn, nhiều lĩnh vực, dưới hình thức trắc nghiệm hoặc trắc nghiệm kết hợp với tự luận để tránh việc phụ huynh đổ xô cho con đi học thêm tại các lò luyện. Mỗi nhà trường cần tự xây dựng cho mình một ngân hàng đề khảo sát riêng, để có chọn được học sinh phù hợp.

Cô Lê Kim Anh cũng bày tỏ băn khoăn với từ “kiểm tra” trong cụm từ “kiểm tra, đánh giá năng lực” tại dự thảo (khoản 2 Điều 4) và cho rằng nên thay từ “kiểm tra” bằng từ “khảo sát”.

“Cần tránh dùng từ “kiểm tra”, vì một số địa phương, nhà trường sẽ biến kiểm tra thành thi cử, tạo áp lực cho phụ huynh và học sinh” – cô Lê Kim Anh nêu lý do.

Liên quan đến Điều 7: Tuyển thẳng, chế độ ưu tiên: “Học sinh đạt giải cấp quốc gia và quốc tế về văn hóa; văn nghệ; thể dục thể thao; Cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông.” – cô Lê Kim Anh cho rằng: giải quốc gia nên ghi rõ do Bộ GD&ĐT tổ chức hoặc Bộ GD&ĐT phối hợp tổ chức. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nam Định FC thua đáng tiếc Thể Công Viettel trên sân Hàng Đẫy.

Nam Định thua sốc Thể Công Viettel

GD&TĐ - Xuất sắc đánh bại Nam Định trên sân nhà, Thể Công Viettel cải thiện đáng kể vị trí trên bảng xếp hạng sau vòng đấu thứ 19.