Xây chắc kiến thức, vững tâm thế cho học sinh thi vào 10

GD&TĐ - Trước lịch thi và thời gian thi mới, giáo viên các trường THCS trên địa bàn Hà Nội đã gấp rút thay đổi kế hoạch ôn tập và chuẩn bị tâm lý cho học sinh lớp 9. Đến nay, công tác ôn luyện cơ bản đã hoàn tất.

Học sinh ôn thi trong điều kiện dịch bệnh (Ảnh chụp trước khi Hà Nội thực hiện giãn cách)
Học sinh ôn thi trong điều kiện dịch bệnh (Ảnh chụp trước khi Hà Nội thực hiện giãn cách)

Thay đổi kế hoạch ôn tập

Sau khi Hà Nội quyết định lùi lịch thi từ 10-11/6 sang 12-13/6 và rút ngắn thời gian làm bài thi, cô Nguyễn Thị Thu Trang, giáo viên môn Ngữ Văn tại Trường Phổ thông Song ngữ liên cấp Wellspring, quận Long Biên, đã thay đổi chiến thuật ôn tập cho học sinh lớp 9. Ở môn Ngữ Văn, thời gian thi giảm từ 120 phút xuống còn 90 phút. Cô Trang nhận xét cấu trúc tổng thể của đề sẽ không biến động đáng kể, số lượng câu hỏi có thể giảm đi. Yêu cầu kiểm tra toàn diện kiến thức, dung lượng các đoạn văn nghị luận và độ khó của đề sẽ thay đổi phù hợp với yêu cầu thời gian.

Để tối ưu hóa điểm số, cô Trang chuyển sang dạy tập trung vào kiến thức trọng tâm tác phẩm và rèn kĩ năng viết đoạn văn nghị luận văn học, đoạn văn nghị luận xã hội. Đồng thời, nhắc nhở học sinh luyện đề trong 90 phút phải đọc kĩ đề bài, xác định đúng trọng tâm, tránh viết thừa hay lan man. Cô hướng dẫn học sinh luyện đề kết hợp phân bổ thời gian hợp lý gồm 3 phút đọc đề, 5 phút tìm ý, 80 phút làm bài và ít nhất 2 phút để đọc lại bài, soát lỗi trước khi nộp.

Tại Trường THCS Vân Hồ, quận Hai Bà Trưng, sau khi có thông báo về kế hoạch thi vào lớp 10, ban giám hiệu, giáo viên chủ nhiệm, thầy cô bộ môn và học sinh các lớp 9 đã họp trực tuyến. Thầy cô ôn tập theo hướng rà soát lại kiến thức cũ, luyện đề theo thời gian mới để học sinh biết cách cân chỉnh thời gian.

Sau một vài buổi ôn tập, trường đã tổ chức thi thử bốn môn. Mục tiêu của nhà trường trong đợt thi thử này là tập dượt cho thí sinh làm quen với áp lực thời gian mới vì kiến thức các em đã nắm vững.

Cô Lê Thị Lâm, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, điểm thi của học sinh nhà trường tương đối ổn so với điểm thi theo thời gian cũ. Điểm số không chênh lệch khiến học sinh phần nào ổn định tâm lý. Song thầy cô vẫn tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn cách thức làm bài và nhắc nhở thí sinh giữ tâm thế cho kỳ thi sắp tới.

Cô Thu Trang hướng dẫn học sinh ôn tập trước khi dịch Covid-19 bùng phát.
Cô Thu Trang hướng dẫn học sinh ôn tập trước khi dịch Covid-19 bùng phát.

Ổn định tâm lý

Không chỉ thay đổi chiến thuật ôn luyện, việc ổn định tâm lý cho thí sinh cũng được giáo viên và các trường THCS quan tâm. Cô Thu Trang nhận xét, trước tình hình dịch bệnh như hiện nay, học sinh ít nhiều gặp áp lực tâm lý, lo lắng hoang mang trước kỳ thi.

Ở môn Văn, cô Trang gợi ý học sinh “cụ thể hóa” nỗi lo, như lo về kĩ năng viết nghị luận xã hội hay lo lắng không đưa được dẫn chứng trong bài nghị luận xã hội; từ đó tìm hướng giải quyết. Bên cạnh đó, nhiều em có tâm lý sợ hãi chung chung như “em sợ quên kiến thức khi vào phòng thi”, “em sợ vào đề lệch tủ thì làm thế nào”, ”em sợ mình không viết kịp”, “sợ đề khó”…

Vì thế, giai đoạn này, cô Trang nhắc nhở học sinh đảm bảo giờ giấc ăn, ngủ, ôn thi điều độ khoa học, giữ tinh thần “thấy đề khó không nản, dễ không chủ quan”. Cô còn gợi ý phụ huynh cách động viên, khích lệ con cái thay vì so sánh, thúc giục, áp đặt suy nghĩ chủ quan.

Lịch thi lùi 2 ngày nên Trường THCS Bồ Đề, quận Long Biên, tiếp tục ôn tập trực tuyến cho học sinh khối 9 đến ngày 9/6. Các em học online 5 buổi sáng và 4 buổi chiều từ thứ hai đến thứ bảy.

Cô Trịnh Hoàng Hoa, Hiệu trưởng nhà trường, đánh giá việc thay đổi lịch thi và thời gian làm bài thi không gây nhiều xáo trộn cho công tác ôn tập của giáo viên nhà trường. Các thầy cô đã họp trực tuyến và xây dựng đề thi thử và đề ôn luyện theo điều chỉnh thời gian của thành phố.

Tuần vừa qua, nhà trường đã tổ chức thi thử  trực tuyến cho học sinh khối 9 theo thời lượng mới vào các buổi tối trong tuần để phụ huynh hỗ trợ giáo viên giám sát con cái. Thầy cô bộ môn đã nhắc nhở, động viên học sinh giữ bình tĩnh, làm chủ thời gian để không mắc sai lầm trong phòng thi. Cô Hoa cho biết nhìn chung, qua các kỳ thi thử, học sinh được rèn tâm lý trong phòng thi, đồng thời điểm số cũng tăng dần.

Do học trực tuyến, học sinh có thể cảm thấy buồn chán, mất động lực hoặc cô đơn. Trường dự kiến sẽ tổ chức buổi gặp mặt trực tuyến với phụ huynh, học sinh vào tối ngày 10/6 để phổ biến lịch thi, kỹ năng làm thủ tục dự thi online. Từ đó, học sinh tự nâng cao kỹ năng làm chủ trong kỳ thi sắp tới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.