Xăng dầu 'ngóng' Nghị định mới

GD&TĐ - Đến nay, đã hết quý II/2023, Nghị định sửa đổi Nghị định số 95/2021/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu (Nghị định 95) vẫn chưa được ban hành.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Đại diện các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu cho biết vừa gửi đơn kiến nghị lên Thủ tướng liên quan việc đến nay vẫn chưa ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định số 95/2021/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu (Nghị định 95).

Trong đơn, các doanh nghiệp này cho biết hiện luôn trong trạng thái hoạt động bấp bênh, thua lỗ rất nặng nề. Nguyên nhân chính bởi Nghị định 95 và các Thông tư liên quan không có lợi cho doanh nghiệp bán lẻ, nhất là không nhận được chi phí kinh doanh định mức và lợi nhuận định mức được quy định tại Nghị định 95 và Thông tư 104/2021/TT-BTC.

Chính bởi quy định không ghi rõ tỷ lệ phân chia các khoản này ở các khâu nên doanh nghiệp đầu mối đã gom hết khi lỗ và khi lời thì bù các khoản lỗ còn thiếu của kỳ trước, thậm chí là bù cho các khoản lỗ do đầu tư kinh doanh ngoài ngành.

Bên cạnh đó, Nghị định 95 cũng không ghi rõ giá bán buôn tối đa, không quy định chi phí định mức, không quy định chiết khấu tối thiểu cho doanh nghiệp bán lẻ để duy trì chi phí tối thiểu hoạt động xuyên suốt. Vì vậy, chiết khấu có thời điểm rất lâu duy trì ở mức tiệm cận 0 đồng hoặc âm, dẫn đến doanh nghiệp bán lẻ thua lỗ kéo dài, phải cầm cố, bán tài sản để bù lỗ.

Trước thực tế như vậy, các doanh nghiệp bán lẻ hoan nghênh Chính phủ, Thủ tướng đã chỉ đạo phải sửa đổi Nghị định 95. Các doanh nghiệp cũng gửi rất nhiều góp ý đối với dự thảo Nghị định như: Cần quy định rõ chi phí định mức, tỷ lệ phân chia chi phí kinh doanh định mức và lợi nhuận định mức ở các khâu, cho phép doanh nghiệp được tự định giá bán…

Tuy nhiên, đến nay, đã hết quý II/2023, Nghị định sửa đổi vẫn chưa được ban hành. Vì thế, các doanh nghiệp bán lẻ vẫn tiếp tục nhận mức chiết khấu “ban phát” từ thương nhân đầu mối và thương nhân phân phối, tiếp tục chuỗi ngày kinh doanh thua lỗ đã kéo dài suốt hơn một năm qua, đại diện doanh nghiệp cho biết.

Trước đó, vào giữa tháng 5, nhóm các doanh nghiệp bán lẻ cũng gửi văn bản kiến nghị Chính phủ ban hành Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu chậm nhất là trong tháng 6/2023. Lần này, quá sốt ruột, đại diện các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu đề nghị được gặp và đối thoại trực tiếp với Thủ tướng để báo cáo về tình hình khó khăn hiện nay.

Theo chỉ đạo của Chính phủ, từ tháng 11/2022 Bộ Công Thương bắt đầu xây dựng dự thảo sửa đổi Nghị định 95 và Nghị định 83 để đưa ra lấy ý kiến. Rất nhiều hội thảo góp ý vào dự thảo Nghị định sửa đổi đã được tổ chức.

Trao đổi với báo chí, lãnh đạo Bộ cho biết đã tiếp thu ý kiến đóng góp, hoàn chỉnh dự thảo và gửi hồ sơ sang Bộ Tư pháp thẩm định từ tháng 5/2023. Mặc dù vậy đến nay, doanh nghiệp vẫn mòn mỏi ngóng đợi Nghị định mới.

Những bất cập của Nghị định 95 đã được mổ xẻ kỹ lưỡng trong thời gian qua. Nhiều giải pháp tháo gỡ cũng được chuyên gia, doanh nghiệp đề xuất để ban soạn thảo cân nhắc. Thiết nghĩ, Nghị định mới cần sớm được ban hành để giúp ngành xăng dầu hoạt động ổn định, hiệu quả, công bằng, giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp bán lẻ nói riêng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam đã có bước phát triển đáng kể những năm gần đây. Ảnh minh họa: INT

Tích hợp hệ thống năng lượng hỗn hợp

GD&TĐ - Kết hợp năng lượng mặt trời và gió giúp hệ thống điện ổn định hơn, hiệu suất cao hơn. Hệ thống phù hợp để ứng dụng vào điện mặt trời mái nhà.