Xác rùa hồ Gươm vẫn được bảo quản trong phòng lạnh

Một tháng sau khi rùa hồ Gươm chết, xác vẫn được bảo quản trong phòng lạnh âm 15 độ C và chờ phương án xử lý từ phía UBND Hà Nội.

Rùa hồ Gươm lúc còn sống trong một lần nổi lên phơi nắng.
Rùa hồ Gươm lúc còn sống trong một lần nổi lên phơi nắng.

Tiến sĩ Nguyễn Trung Minh - Giám đốc Bảo tàng thiên nhiên khẳng định âm 15 độ C là môi trường tốt nhất cho việc bảo quản xác rùa, khi các điều kiện sinh hóa không còn. Việc chế tác tiêu bản không đơn giản nên cần bàn bạc thật kỹ lưỡng.

Bảo tàng Thiên nhiên, Sở Khoa học và Công nghệ đã gửi UBND Hà Nội một số phương án xử lý xác rùa làm tiêu bản và chờ thành phố quyết định. 3 phương án được đưa ra là: bảo quản ướt, làm khô và nhựa hóa.

Bảo quản ướt là ngâm xác rùa trong hóa chất hoặc cồn. Bảo quản khô cách làm như với rùa trong đền Ngọc Sơn, tức là làm cốt rùa sau đó phủ lớp da lên, với các diềm thịt ở mai dễ bị teo thì sẽ có vật liệu nhân tạo thay thế. Với phương pháp nhựa hóa, Việt Nam sẽ mời các nhà khoa học nước ngoài để bàn bạc.

Trao đổi với VnExpress, tiến sĩ Vũ Ngọc Thành - Chuyên gia động vật cho rằng nên bảo quản khô. Do cồn và bể chứa có chiết xuất chất làm biến màu, lại phải thay cồn và làm sạch bể thường xuyên nên phương pháp làm ướt nên được xem xét lại. Với cách nhựa hóa thì giá thành cao, trong khi đây là lần đầu tiên Việt Nam thực hiện nên chuyên gia cảnh báo cẩn thận trọng.

Phó giáo sư Hà Đình Đức, người có hơn 20 năm gắn bó với rùa hồ Gươm cũng đồng tình quan điểm trên. Ông đề nghị nên đặt mẫu vật trong đền Ngọc Sơn, cạnh rùa chết năm 2010 trước đó.

Tiêu bản cụ rùa trong đền Ngọc Sơn được bảo quản khô. Ảnh do Giáo sư Hà Đình Đức cung cấp.

Tiêu bản rùa trong đền Ngọc Sơn được bảo quản khô. Ảnh do Phó giáo sư Hà Đình Đức cung cấp.

Trước đó, Chương trình bảo tồn rùa châu Á (ATP) cho rằng cần nhân bản rùa hồ Gươm. Để làm điều này, giới chức cần thu thập và bảo quản mẫu mô sống của động vật ngay khi chết.

Mẫu mô có thể thu từ cơ quan như khí quản, tim, mô liên kết dưới xương mai và cơ quan sinh sản. Tuy nhiên, cách làm này gây nhiều lo lắng khi kinh phí đắt và trên thế giới ít thực hiện.

Rùa hồ Gươm chết chiều 19/1. Năm 2011 rùa được đưa lên bờ để chữa trị các vết lở loét trong hơn 3 tháng, sau đó được trả về hồ, nơi người ta đã thả nhiều cá để làm thức ăn. Khi đó, chiều dài toàn thân rùa là 185 cm, chiều rộng mai 100 cm, chiều dài đuôi là 35 cm, nặng 169 kg.

Nguyên nhân rùa chết được cho là già yếu, bởi con rùa sống lâu nhất thế giới 180 năm, trong khi rùa hồ Gươm ước tính 200 tuổi.

Theo vnexpress.net

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ