Đã 3 năm nay anh Nguyễn Đức Long (SN 1976, phường Quốc Tử Giám, Hà Nội) vừa phải chịu cảnh “gà trống nuôi con”, vừa tốn bao công sức lo làm thủ tục xác nhận cha cho đứa trẻ. Nhưng xem ra hi vọng rất mong manh.
Người mẹ vô trách nhiệm
Đi đón con ở trường mầm non Hoa Mai về, anh Long tranh thủ vừa đặt nồi cơm, vừa tắm rửa cho cô con gái nhỏ. Trong lúc chờ cơm chín, anh bật ti vi cho bé xem hoạt hình, còn mình tất tả dọn dẹp lau chùi nhà cửa. Anh Long làm những công việc này còn thành thạo hơn bất kỳ người phụ nữ nào bởi đã hơn 3 năm nay vợ anh bỏ nhà vào Sài Gòn làm ăn sinh sống. Mặc cho bé Phương Anh khát khao mong nhớ, nhưng bà mẹ này không vấn vương, không một lời thăm hỏi đứa con mình từng dứt ruột đẻ ra. Thương con, bố và bà nội cứ phải nói dối bé: đi lớp phải thật ngoan thì mẹ sẽ về…
![]() |
Từ ngày vợ bỏ đi, anh Long vừa phải làm mẹ, vừa làm cha |
Ôm con vào lòng, anh Long ngậm ngùi nhớ lại khoảnh khắc hạnh phúc ngắn ngủi của 2 vợ chồng. Cưới nhau đầu năm 2005, đến tháng 9/2005 vợ anh- chị Nguyễn Thị Thu Thủy ( SN 1977) sinh bé Phương Anh. Trước khi cưới vợ, Long nghe loáng thoáng năm 2000 vợ mình từng đăng ký kết hôn (diện hợp đồng) với một người nước ngoài đang sinh sống ở Đức để được xuất ngoại và nhập cư hợp pháp. Song do gặp nhiều trục trặc nên chị Thủy phải chờ đợi một thời gian dài và không thể thực hiện mơ ước của mình. Cho đến khi gặp anh Long, cảm thấy tâm đầu ý hợp, 2 bên đã tình nguyện đi đến hôn nhân. Lúc đó, tình yêu mạnh hơn tất cả nên dù biết rõ chị Thủy chưa làm thủ tục ly hôn với người chồng “hờ”, anh Long vẫn tặc lưỡi cho qua vì nghĩ rằng cưới nhau xong, giải quyết ba thứ giấy tờ “lẻ tẻ” ấy, rồi đăng ký kết hôn với chị Thủy cũng chưa muộn.
Nghị định 158/2005/NĐ-CP ngày 27.12.2005 của Chính Phủ có quy định về thủ tục ĐKKS cho con như sau: Người đi ĐKKS phải nộp Giấy chứng sinh và xuất trình Giấy chứng nhận kết hôn của cha, mẹ trẻ em (nếu có). Trong trường hợp khai sinh cho con ngoài giá thú, nếu không xác định được người cha thì phần ghi về người cha trong Giấy khai sinh và Sổ ĐKKS để trống. Nếu vào thời điểm ĐKKS có người nhận con thì UBND cấp xã kết hợp giải quyết nhận con và ĐKKS". |
Nhưng ở đời, không ai học được chữ ngờ. Sau khi cưới, chị Thủy không những lần khất việc đi làm thủ tục đăng ký kết hôn mà còn cùng với gia đình nhà ngoại giấu anh Long đi làm khai sinh cho con ở UBND phường Nam Đồng, bỏ trống phần khai về người cha. Khi anh Long phát hiện và yêu cầu phải bổ sung tên cha vào giấy khai sinh, chị Thủy đã thẳng thừng từ chối. Mâu thuẫn, lục đục giữa 2 vợ chồng cũng phát sinh từ đó và chị Thủy thường xuyên bỏ chồng con về ở nhà ngoại. Anh Long nhớ chính xác ngày 19/7/2006 khi anh sang ông bà ngoại tìm vợ để nói chuyện, chị Thủy không thèm tiếp và bỏ ra ngoài. Ngồi đợi đến khuya không thấy vợ quay trở lại, bị gia đình vợ “đuổi khéo” nên anh Long ôm con trở về nhà. Cũng kể từ buổi tối đó vợ anh bặt vô âm tín, gia đình nhà ngoại không cho biết vợ anh đi đâu. Qua thông tin từ bạn bè của vợ, anh nghe loáng thoáng chị Thủy đã vào làm ăn sinh sống ở đất Sài Gòn.
Hành trình khổ ải
Giận người vợ đang tâm bỏ lại con khi đứa trẻ đang còn khát sữa mẹ, anh Long không muốn đi tìm. Anh cứ hi vọng vì tình mẫu tử, thế nào vợ cũng quay trở lại, song vợ anh đã nhẫn tâm không thèm nhìn mặt con. Nghĩ đến tương lai của bé, nghĩ đến quyền lợi của cả 2 cha con, anh ra phường xin làm lại giấy khai sinh để bổ sung phần khai về người cha. Theo qui định của pháp luật, trong trường hợp không có giấy kết hôn, muốn ghi tên cha trong giấy khai sinh, bắt buộc phải có sự đồng ý của người mẹ. Anh Long đã tìm mọi cách để liên lạc với chị Thủy qua điện thoại, nhưng anh luôn bị né tránh và không nhận được sự hợp tác từ vợ. Cực chẳng đã, anh phải tới “gõ cửa” TAND quận Đống Đa, tại đây anh được cán bộ tòa giải thích, cần phải có mặt của người vợ và sự can thiệp của UBND địa phương nơi vợ anh đang sinh sống hoăc đang đăng ký tạm trú tạm vắng. Lại mất hơn 1 năm thuyết phục vợ không thành, anh đành quay trở lại tòa để trình bày rõ ngọn ngành.
Theo yêu cầu và hướng dẫn của TAND quận, anh phải đi làm xét nghiệm ADN để chứng nhận mình đúng là cha của đứa trẻ. Kèm theo đó là các loại giấy tờ như Bản sao giấy khai sinh (cũ) của bé Phương Anh, bản sao CTMND, bản sao hộ khẩu thường trú, giấy xác nhận của Công an phường…Theo đúng hẹn, ngày 6/10 vừa qua anh quay trở lại tòa để được xem xét, giải quyết. Pháp phỏng, hồi hộp, hi vọng tràn trề, nhưng anh chỉ nhận được những câu hỏi lạnh lùng từ phía cán bộ tòa án: “anh lấy gì để xét nghiệm ADN cho con?” khi anh Long nói xét nghiệm ADN bằng cuống rốn của bé Phương Anh còn giữ lại, vị này tỏ ra nghi ngờ và “vặn” lại: “nhỡ đó không phải cuống rốn của con anh thì sao?”. Sau một hồi lật giở hồ sơ, vị cán bộ TAND quận Đống Đa cho biết tòa sẽ phải nghiên cứu và hẹn anh khi khác quay lại.
Thất vọng, nhưng anh Long bảo vì quyền lợi của con, anh sẽ cố để làm cho cháu tấm giấy khai sinh hoàn thiện. Lo lắng lớn nhấy của anh là con bị mang tiếng không có bố, vì vậy, dù gia đình chẳng còn “cơm lành canh ngọt”, nhưng con anh là đứa trẻ vô tội, nó phải có quyền được có cha có mẹ như bao đứa trẻ khác.
Minh Quang
Theo bà Ninh Thị Hồng, Trưởng ban kiểm tra Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, chỉ ngoại trừ trường hợp người vợ có tranh chấp về đứa bé thì thủ tục khai sinh cho con mới phức tạp. Trong trường hợp của anh Nguyễn Đức Long, khi đã có đầy đủ giấy tờ cần thiết, cũng như đã minh chứng được là cha đẻ của đứa trẻ thì việc làm giấy khai sinh cho con sẽ không có gì là khó khăn. Ngay trong tuần này, Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam sẽ gửi công văn đề nghị TAND quận Đống Đa tạo mọi điều kiện giúp đỡ cha con anh Long. |