Mới đây, các nhà thiên văn học đã phát hiện thêm một trường hợp lạ kỳ về hiệu ứng thấu kính hấp dẫn: Ngôi sao dường như “nhảy cóc” trước mắt chúng ta. Qua đó, tính đúng đắn của thuyết tương đối rộng lại một lần nữa được xác nhận.
Thấu kính hấp dẫn dựa trên hiện tượng các thiên thể có khối lượng lớn, tức là có trường hấp dẫn đủ mạnh, có thể làm cong không - thời gian mà qua đó ánh sáng đi xuyên qua để tới Trái đất. Đôi khi hiệu ứng đó diễn ra giống như qua kính phóng đại lớn: Hội tụ ánh sáng, đồng thời cho phép chúng ta quan sát những chi tiết lớn của vật thể.
Trường hợp hoàn hảo nhất là khi một vật thể nằm trực tiếp ngay sau vật thể thứ hai (tính từ người quan sát) – khi đó chúng ta có thể quan sát xem một đối tượng di chuyển ngang qua (transit) trên nền bề mặt của vật thể thứ hai – trường hấp dẫn sẽ làm cong ánh sáng khiến cho vật thể gần người quan sát hơn trông như thể bị bao quanh bởi một khoảng không gian trống rỗng, còn vật thể ở phía sau trông như một vành đai. Chính vì lẽ đó mà hiện tượng này có tên là vòng tròn Einstein.
Tuy nhiên rất khó duy trì tính đối xứng như trên – nhất là khi những vật thể nằm cách nhau hàng ngàn năm ánh sáng. Chính vì vậy, bản thân Einstein cũng từng khẳng định rằng chưa bao giờ chúng ta có thể quan sát được hiện tượng như đã miêu tả ở trên.
Tuy nhiên, nhờ khả năng quan sát ngày càng lớn, chúng ta đang tiến dần đến trường hợp đó. Gần đây nhất, một nhóm các nhà thiên văn học sử dụng Kính thiên văn vũ trụ Hubble đã phát hiện một ngôi sao dường như “nhảy cóc” trong không gian vũ trụ. Đây là trường hợp vi thấu kính hấp dẫn rất hiếm gặp. Phát hiện còn có tính bước ngoặt bởi lẽ lần đầu tiên các nhà khoa học sử dụng công nghệ đo khối lượng tiên tiến đối với ngôi sao thực hiện transit trên cơ sở biến dạng quang học của đối tượng nền ở phía sau.