Chính vì tâm lý học để ra trường, học để xin được công việc theo yêu cầu của công ty, mà không ít các bạn sinh viên đã đổ xô đi học tiếng Anh chỉ để lấy bằng.
Đây không phải là một trường hợp hiếm gặp khi bạn hỏi về mục đích học tiếng Anh của sinh viên ngày nay. Rất nhiều sinh viên đều xác nhận việc có được tấm bằng tiếng Anh và bằng Tin học kha khá sau khi ra trường, sẽ thuận lợi hơn rất nhiều khi đi xin việc.
Bạn Nguyễn Thị Thu Thảo (cựu sinh viên trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng) cho biết: “Trước khi ra trường mình cũng có học bằng B tiếng Anh, nhưng sau khi đi làm chỉ sử dụng nó một lần là nộp kèm theo hồ sơ xin việc.
Nhưng vì công việc không cần dùng đến, nên cái bằng của mình cũng nằm yên một xó, kiến thức về tiếng Anh thì mình cũng chẳng nhớ”.
Nếu bạn vào Đại học, Cao đẳng hay Trung cấp, dù bạn chọn bất cứ ngành nào đi chăng nữa thì tiếng Anh cũng là môn không thể thiếu trong chương trình học của bạn. Nhiều sinh viên lắc đầu ngao ngán vì phải học môn này đến ba học kỳ và cũng không ít sinh viên phải nộp tiền cho học phần này không ít lần.
Không chỉ sinh viên, tiếng Anh còn là nỗi ám ảnh của nhiều người đi làm. Quan sát ở các trung tâm tiếng Anh, nhiều người đi làm quay trở lại trung tâm để học lại tiếng Anh sơ cấp vì công việc của mình cần sử dụng, trong khi trong tay vẫn có bằng tiếng Anh này nọ.
Vậy cần xác định lại “học tiếng Anh để làm gì?”
Đặc biệt khi có được mục đích một cách rõ ràng, bản thân bạn cũng nhận ra được con đường phía trước một cách chính xác, hiểu bản thân cần học gì, cần có phương pháp như thế nào là hợp lý. Khi như thế, việc tiếp thu kiến thức của bạn cũng nhanh hơn, dễ dàng hơn rất nhiều và sẽ tránh việc phí phạm thời gian, công sức lẫn tiền bạc.