Theo chân Bí thư Đảng ủy xã, chúng tôi đến bản Tả Kố Khừ khi bà con trong bản đang tập trung, chuẩn bị cho việc nhận hỗ trợ cây sa nhân, niên vụ 2019. Chị Lỳ Hừ De, người dân bản Tả Kố Khừ hồ hởi: Cách đây mấy hôm, gia đình tôi được Trưởng bản thông báo đã có cây sa nhân của Nhà nước hỗ trợ cho vụ trồng 2019 nên tập trung ra đây để nhận. Năm nay nhà tôi được hỗ trợ 1.900 cây sa nhân.
Gia đình chị De là một trong số chín hộ nghèo của bản Tả Kố Khừ được Nhà nước hỗ trợ cây sa nhân để trồng trong năm 2019. Cùng với bản Tả Kố Khừ, 36 hộ dân thuộc 4 bản trong xã đã được nhận hỗ trợ cây sa nhân. Trước đó, năm 2018, 18 hộ dân bản A Pa Chải, Lỳ Mà Tá cũng đã được hỗ trợ cây sa nhân (mỗi hộ nhận 1.900 cây). Bà Pờ Mỳ Lế cho biết: Sa nhân là cây dược liệu quý được trồng dưới tán rừng già, sau 3 năm có thể cho thu hoạch.
Năng suất trung bình của cây sa nhân đạt từ 100 - 200 kg quả khô/ha/năm. Với giá bán từ 100.000 - 200.000 đồng/kg quả khô, cây sa nhân mang lại thu nhập khoảng 40 triệu đồng/ha. “Cây sa nhân có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, được kỳ vọng sẽ trở thành cây xóa đói, giảm nghèo cho người dân” - bà Pờ Mỳ Lế khẳng định.
Bà Pờ Mỳ Lế (bìa phải) trò chuyện với chị Lỳ Hừ De về kế hoạch phát triển kinh tế hộ gia đình. |
Bà Pờ Mỳ Lế, Bí thư Đàng ủy xã Sín Thầu cho biết: Hiện còn 01 tiêu chí cuối cùng của Chương trình NTM là tiêu chí về hộ nghèo, Đảng ủy, UBND xã Sín Thầu đang quyết liệt chỉ đạo các bản tập trung thực hiện phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Thực hiện Chương trình NTM, từ năm 2017 đến nay, xã Sín Thầu đã xây dựng 8 mô hình trồng cây sa nhân dưới tán rừng (tổng diện tích trên 30ha với 294 hộ tham gia).
Cùng với cây sa nhân, chăn nuôi đại gia súc đang là một hướng đi được Sín Thầu chú trọng. Theo thống kê từ Ban Chỉ đạo xây dựng NTM xã Sín Thầu: Toàn xã hiện có trên 10.000 con gia súc (trâu, bò, dê, tăng gần 1.000 còn so năm 2017), hộ nuôi ít có từ hai đến ba con, trung bình thì vài chục con, hộ nuôi nhiều lên tới hàng trăm con.
Nhà văn hóa bản Tả Kố Khừ mới được hoàn thiện đầu năm 2019. |
Một trong những điển hình thoát nghèo từ chăn nuôi đại gia súc trên địa bàn là hộ ông Sùng Phì Sinh, bản Tả Kố Khừ. Ông Sinh cho biết: Trước đây, gia đình tôi thuộc hộ nghèo, thấy một số hộ trong bản, trong xã chăn nuôi gia súc thoát được nghèo, tôi bàn với vợ vay tiền họ hàng, bạn bè và Ngân hàng Chính sách xã hội huyện mua 2 con bò sinh sản về nuôi. Từ 2 con bò mẹ, đàn gia súc tăng dần qua từng năm. Có ít vốn tôi mua thêm trâu sinh sản về nuôi. Bây giờ gia đình tôi có hơn 200 con trâu, bò; thu nhập từ chăn nuôi gia súc khoảng 200 triệu đồng/năm.
Theo bà Pờ Mỳ Lế, chăn nuôi đại gia súc đã thành truyền thống, góp phần xóa đói giảm nghèo cho đồng bào DTTS ở Sín Thầu từ nhiều năm qua. Nhiều gia đình đầu tư nuôi trâu, bò đã thoát nghèo, thậm chí làm giàu. Phát huy thế mạnh đó, những năm qua, Ðảng bộ xã đã xây dựng và ban hành nghị quyết chuyên đề về lãnh đạo nhân dân phát triển chăn nuôi đại gia súc.
Ðây là cơ sở để chính quyền và nhân dân phát triển chăn nuôi theo mô hình gia trại, trang trại để xóa đói giảm nghèo. Hiện, số hộ có từ 10 - 20 con trâu, bò chiếm khoảng 50% tổng số hộ dân trong xã (toàn xã Sín Thầu có 335 hộ dân). Nuôi trâu, bò đã mở ra hướng xóa nghèo của Sín Thầu khi tỷ lệ hộ nghèo của xã hiện giảm xuống còn khoảng 39% (mỗi năm xã giảm được 7-8% hộ nghèo).
Một góc xã Sín Thầu. |
Với nguồn lực đầu tư của Trung ương, sự vào cuộc có trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và người dân, Sín Thầu đã khoác lên mình chiếc áo mới. Những ngôi nhà mái ngói đỏ tươi đã thay thế cho những căn nhà tạm, lụp xụp trước đây. Đời sống đại bộ phận đồng bào đã có nét khởi sắc. Tổng lương thực bình quân đầu người của xã đạt hơn 400kg/người; thu nhập bình quân của bà con đạt 33 triệu đồng/năm 2018.
Nhiều năm qua, Sín Thầu tự hào bởi có thành tích “bốn không” khác mà khó xã nào trong huyện Mường Nhé có được: Xã duy nhất trong toàn huyện không có người nghiện, không có tình trạng phá rừng, không di dịch cư tự do và không có truyền đạo trái pháp luật.
“Để về đích NTM, Sín Thầu cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa trong việc thúc đẩy kinh tế phát triển, trước mắt là việc đẩy mạnh chăn nuôi đại gia súc và phát triển cây sa nhân. Ðây không phải là việc một sớm, một chiều mà đòi hỏi phải có sự gắn kết hài hòa giữa chính quyền và nhân dân. Nhưng với quyết tâm cao nhất, chúng tôi đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ về đích NTM sau khi hoàn thành tiêu chí về thu nhập” - bà Pờ Mỳ Lế khẳng định.