Hy vọng mới từ cây bưởi

GD&TĐ - Một trong những vấn đề đặt ra đối với người dân miền núi là trồng cây gì, nuôi con gì phù hợp để mang lại hiệu quả. Sau nhiều năm tìm hiểu, nhiều nông dân ở xã Sơn Bua, huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi) đã trồng thử nghiệm cây bưởi. 

Cây bưởi phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng phát triển tốt mang lại thu nhập cho người dân Sơn Bua
Cây bưởi phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng phát triển tốt mang lại thu nhập cho người dân Sơn Bua

Nhờ phù hợp thổ nhưỡng, khí hậu đến nay, trên vùng đất này đã có những bưởi trĩu quả, mở ra triển vọng cho người dân phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Hiện nay, Sơn Bua đang bước vào mùa thu hoạch bưởi. Những mảnh vườn của người dân xưa kia bỏ hoang, cỏ dại mọc um tùm nay đã được thay thế bằng vườn bưởi xanh tốt, sai trĩu quả, mang lại thu nhập cao cho người dân.

Do có khí hậu, thổ nhưỡng đặc trương nên bưởi Sơn Bua cũng có đặc điểm rất khác, ruột màu trắng xanh, vị ngọt thanh lại có mùi thơm đặc trưng, người ta gọi là “bưởi bản địa” nên được nhiều người ưa chuộng.

Với giá bán hiện nay từ 15.000 - 17.000 đồng/kg, nhà nào có khoảng 5 cây bưởi đã thu về tiền triệu. Riêng với những vườn bưởi giống được tuyển chọn thì giá bán cũng cao hơn, khoảng 20.000 đồng/kg. Như vậy, mỗi cây bưởi giúp người dân thu về từ 700.000- 1.000.000 đồng.

Chị Nguyễn Thị Tâm, thôn Mang He, là người mạnh dạn trồng thử nghiệm cây bưởi đầu tiên ở Sơn Bua cho biết: Cách đây hơn 10 năm, có dịp được thưởng thức quả bưởi bản địa thấy ngon nên mình quyết định đầu tư trồng bưởi.

“Mình xuống tận cơ sở bán giống ở TP.Quảng Ngãi mua 65 cây giống về trồng trong vườn nhà. Khoảng 5 - 6 năm sau cho thu hoạch, quả to, chất lượng ngon không thua gì bưởi ở các vùng miền nổi tiếng trong cả nước.

Tính đến nay đã cho thu hoạch được 5 mùa, bình quân mỗi cây cho 100 quả, trọng lượng từ 1,5 - 2kg/quả, số tiền thu về mỗi mùa bưởi trên 50 triệu đồng”, chị Tâm chia sẻ thêm.

Thành công từ việc trồng bưởi, chị Tâm trồng thêm 40 cây cam sành. Hiện nay, cam sành đang cho quả lứa đầu, cây nào cũng xum xuê quả, 10 ngày nữa cho thu hoạch rộ.

Theo chị Tâm, Sơn Bua là vùng đất hợp với cả cam và bưởi. Sắp tới, gia đình sẽ mở rộng thêm diện tích. Bây giờ, người dân đã trồng bưởi khá nhiều. Nhiều nhà bán bưởi thu được hàng chục triệu đồng.

Ngoài chị Tâm, ở xã Sơn Bua hiện có hơn 20 hộ trồng bưởi da xanh và cho hiệu quả kinh tế cao. Ông Đinh Văn Canh, ở thôn Nước Tang cho biết: Tôi trồng hơn chục cây bưởi, mỗi năm thu hoạch gần 1.000 quả, thu nhập hơn chục triệu đồng. Trồng bưởi không cần chăm sóc nhiều, thương lái thu mua tận vườn, thu nhập cao hơn trồng bắp, trồng mì.

Từ những những người tiên phong như chị Tâm, nhiều người dân trong vùng đã mạnh dạn mua giống bưởi về trồng. Sau khi người dân trồng bưởi cho kết quả khả quan, chính quyền đã triển khai mô hình hỗ trợ cây giống đến những hộ dân có điều kiện canh tác.

Từ đó, hình thành vùng trồng bưởi trên vùng cao Sơn Bua... Theo Hội nông dân huyện Sơn Tây, năm 2016, huyện đã dùng kinh phí giảm nghèo mua hơn 1.100 cây bưởi da xanh cấp cho 274 hộ nghèo trồng. Mục tiêu nhằm đa dạng hóa cây trồng, hình thành vùng bưởi chuyên canh, hướng đến xây dựng thương hiệu bưởi Sơn Bua theo mô hình “Mỗi xã một sản phẩm”.

Ngoài những hộ được hỗ trợ, cấp giống cây, thời gian đến, xã Sơn Bua đang có kế hoạch tiếp tục kêu gọi, vận động bà con trồng, phát triển cây bưởi da xanh để xây dựng xã Sơn Bua trở thành một địa chỉ trồng bưởi da xanh uy tín, chất lượng ở huyện miền núi Sơn Tây, góp phần giảm nghèo bền vững ở địa phương.

Hiện tại, huyện Sơn Tây đang mở rộng vùng trồng bưởi ra địa bàn hai xã Sơn Liên, Sơn Long, nơi có khí hậu, thổ nhưỡng tương tự như Sơn Bua. Trong đó, xã Sơn Liên đã trồng thử nghiệm được hơn 1 năm, hiện cây phát triển tốt.

Cây bưởi ở xã Sơn Long phát triển có phần vượt trội hơn, tỷ lệ sống hơn 95%. Hai mô hình bưởi này hiện đang được kỳ vọng sẽ cho kết quả tốt, có thể nhân rộng mô hình này trong dân. Cách chăm sóc đối với cây bưởi của hai mô hình này được áp dụng phương thức hiện đại.

Trong đó, vườn bưởi ở Sơn Liên được tưới bằng hệ thống tự động từ nguồn nước ở suối dẫn về. Còn vườn bưởi Sơn Long canh tác bằng phương thức tưới tự động. Thông qua hệ thống điều khiển, chủ vườn có thể điều chỉnh được lượng nước, phân bón của từng cây bưởi cho phù hợp.

Ông Đinh Quang Ven, Quyền Chủ tịch huyện Sơn Tây cho biết: Cây bưởi trồng thí điểm ở Sơn Bua đã mang lại hiệu quả kinh tế và sự an tâm cho người trồng. Huyện đang triển khai trồng 100ha ở hai xã Sơn Long, Sơn Liên và áp dụng các biện pháp chăm sóc hiện đại. Phía dưới bưởi sẽ trồng ổi hoặc ớt, để “lấy ngắn nuôi dài” trong lúc chờ bưởi phát triển. Hy vọng cây bưởi sẽ trở thành cây giảm nghèo cho người dân huyện Sơn Tây.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ