Xã hội mong mỏi những chính sách 'rộng cửa' cho nghề giáo

GD&TĐ - Trong bối cảnh đổi mới giáo dục, phụ huynh học sinh, giáo viên mong mỏi chính sách mới để thu hút, phát triển đội ngũ nhà giáo.

Giáo viên tham gia hoạt động văn nghệ chào năm mới. Ảnh: Tất Đạt
Giáo viên tham gia hoạt động văn nghệ chào năm mới. Ảnh: Tất Đạt

Nhà nước đã có nhiều lần điều chỉnh tăng lương, đổi mới chính sách đãi ngộ đối với giáo viên. Tuy nhiên áp lực của kinh tế thị trường đối với nghề vẫn còn là câu chuyện khiến xã hội trăn trở. Các giáo viên, phụ huynh học sinh đặt nhiều kỳ vọng vào Luật Nhà giáo thời gian tới sẽ bảo về quyền và lợi ích của giáo viên, nhân viên trong ngành giáo dục tốt hơn.

Phụ huynh mong cơ chế cho giáo viên

Đồng cảm trước những vất vả của nghề giáo, anh Nguyễn Thanh Phong (sinh năm 1982, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) có 2 con trong độ tuổi đến trường, cho biết: Trong bối cảnh xã hội hiện nay, để thu hút đội ngũ giáo viên, cán bộ giáo dục trẻ phục vụ cho ngành giáo dục, cần có cơ chế đãi ngộ xứng đáng hơn. “Thời gian qua, ngành giáo dục có rất nhiều đổi mới về chương trình giáo dục nâng cao chuyên môn, đòi hỏi giáo viên cũng phải luôn đổi mới mình, sáng tạo hơn, cống hiến nhiều hơn, nên rất cần có chính sách phù hợp hơn”, anh Phong nói.

Giáo viên nước ngoài giao tiếp với học sinh trong giờ học. Ảnh: Thanh Di.

Giáo viên nước ngoài giao tiếp với học sinh trong giờ học. Ảnh: Thanh Di.

Chia sẻ thêm về giáo dục, anh Phong cho rằng, các cơ sở giáo dục cần có những cơ chế quy định quan tâm đảm bảo an toàn tốt hơn nữa cho học sinh; nhất là đối với bậc mầm non, tiểu học. Giáo viên cần quan tâm tương tác, gần gũi với học sinh hơn nữa. Tăng cường giảng dạy các kỹ năng sống cho học sinh; đừng đặt nặng thành tích, tạo áp lực thi cử đối với các em… Phụ huynh sẵn sàng phối hợp hỗ trợ nhà trường, tạo điều kiện cho môi trường giáo dục an toàn cho học sinh.

Tương tự, chị Nguyễn Ánh Tuyết (sinh năm 1987, huyện Giồng Riềng, Kiên Giang) có con đang tuổi đến trường, cho biết: "Tôi rất yêu thích nghề giáo! Có con đang học THPT, tôi càng hiểu hơn về những khó khăn của các thầy cô. Với thu nhập mức lương hiện tại giáo viên khá vất vả để có đủ chi phí cuộc sống, chăm lo cho bản thân và gia đình.

Mong rằng sắp tới sẽ có những chính sách tốt hơn cho giáo viên. Luật Nhà giáo sắp tới sẽ có những quy định thay đổi lương, đảm bảo cuộc sống của giáo viên tốt hơn. Có những quy định cụ thể hóa việc tạo môi trường giáo dục thật thân thiện và hạnh phúc, mang lại giá trị tinh thần cao nhất để người dạy. Đồng thời, có những chương trình tập huấn, hỗ trợ tốt hơn cho môi trường giáo dục; giúp cho giáo viên và học sinh tương tác tốt hơn”.

Kỳ vọng cơ chế mở

Gắn bó với nghề hơn 4 năm, cô giáo Triệu Việt Trinh (sinh năm 1995, hiện đang là giáo viên dạy Tiếng Anh (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) cho biết, với thu nhập mức lương hiện tại đã phần nào chăm lo cho bản thân. Nhưng để lo cho gia đình có cha mẹ già thì với mức lương hiện tại khá vất vả.

Cô Trinh chia sẻ, để đảm bảo đời sống, ngoài việc thực hiện tốt nhiệm vụ ở trường, cô còn tranh thủ thời gian ban đêm để giảng dạy cho một trung tâm trên địa bàn TP Cần Thơ để kiếm thêm thu nhập. “Mong muốn trong đợt điều chỉnh lương sắp tới, cùng với chính sách đãi ngộ theo Luật Nhà giáo sẽ giúp các giáo viên, viên chức giáo dục có mức thay đổi phù hợp đảm bảo cuộc sống tốt hơn”, cô Trinh bày tỏ.

Học sinh hứng thú trải nghiệm với STEM - Robotics với sự hướng dẫn của giáo viên. Ảnh: Thanh Di.

Học sinh hứng thú trải nghiệm với STEM - Robotics với sự hướng dẫn của giáo viên. Ảnh: Thanh Di.

Cùng với đó, cô Việt Trinh mong mỏi: Luật Nhà giáo sắp được ban hành tới cần quy định rõ việc trao cho giáo viên nhiều quyền tự do và kiểm soát hơn trong quá trình giảng dạy và giáo dục. Cụ thể, đạo luật quy định rõ ba trách nhiệm của giáo viên gồm: Nội dung giáo dục, cách học sinh tiếp thu nội dung đó và môi trường học tập trong nhà trường. Ngoài ra, giáo viên chịu trách nhiệm độc lập trong việc đánh giá kết quả học tập của học sinh. Giáo viên cũng phải đáp ứng các yêu cầu về năng lực được đặt ra.

“Cần có những chính sách cụ thể quy định về việc lấy nhà giáo làm trung tâm, coi giáo viên là nguồn lực quan trọng nhất của giáo dục cần được phát triển để đảm bảo thực hiện sứ mệnh và mục tiêu của giáo dục”, cô Việt Trinh bộc bạch.

Yêu thích nghề giáo, anh Nguyễn Thái Duy (sinh năm 1996, huyện Long Mỹ, Hậu Giang) đã tốt nghiệp thạc sĩ Văn học Việt Nam từ năm 2021, mong muốn có mức lương đảm bảo cuộc sống gia đình. Thế nhưng, với cơ chế đãi ngộ hiện tại rất khó để anh theo đuổi cống hiến với nghề.

Anh Duy chia sẻ, để đảm bảo đời sống cho giáo viên trong giai đoạn hiện nay, rất cần những chính sách hỗ trợ tốt hơn cho nghề giáo. Nhất là cần những chính sách ưu đãi để người trẻ có trình độ cao về vùng sâu, vùng xa giảng dạy.

“Tôi mong rằng, sắp tới đây khi Luật Nhà giáo được thông qua sẽ có những chính sách mới cho nhà giáo. Trong đó, có quy định rõ cơ chế đãi ngộ đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tốt hơn; áp dụng cho tất cả các cơ sở giáo dục dân lập và tư thục. Cùng với đó, cần có cơ chế tuyển dụng, sử dụng và chế độ làm việc, tôn vinh của nhà giáo một cách chặt chẽ hơn”, anh Duy nói.

Ngoài lương, anh Duy cũng mong muốn môi trường giáo dục sẽ thật thân thiện và hạnh phúc hơn. Để thầy và trò thỏa mái tương tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ dạy và học của mình, anh Duy bày tỏ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ