Xã hội hóa giáo dục giữa lòng Trường Sơn Tây

GD&TĐ - Một trong những công việc chuẩn bị cơ sở vật chất cho năm học mới ở Trường Tiểu học Hướng Phùng (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) là tu bổ lại mô hình mô phỏng địa đạo Vịnh Mốc trong khuôn viên nhà trường.

Lễ tưởng niệm sự kiện Gạc Ma tại mô hình mô phỏng sự kiện Gạc Ma của thầy và trò trường Tiểu học Hướng Phùng
Lễ tưởng niệm sự kiện Gạc Ma tại mô hình mô phỏng sự kiện Gạc Ma của thầy và trò trường Tiểu học Hướng Phùng

Nhiều năm nay, từ sự hỗ trợ của các cá nhân, tổ chức và cả những nỗ lực của tập thể GV, Trường Tiểu học Hướng Phùng đã cải thiện được nhiều điều kiện dạy – học như trang bị thêm trang thiết bị, xây dựng được nhiều mô hình hỗ trợ giảng dạy…

Nghĩ chuyện dài lâu…

Dù nằm cách thị trấn Khe Sanh 30km, nhưng Trường Tiểu học Hướng Phùng (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) đã có 6 phòng học được trang bị tivi, một phòng tin học với 17 máy tính được trang bị từ nguồn cho - tặng. HS trường Tiểu học Hướng Phùng có thể tham gia thi giải Toán, thi tiếng Anh qua internet ở ngay tại trường.

“Để tất cả HS có thể tiếp cận được CNTT, tiến kịp các bạn miền xuôi, tôi vận động từ các mạnh thường quân và phụ huynh” – thầy Nguyễn Mai Trọng – Hiệu trưởng nhà trường cho biết.

Ngay như việc tổ chức bán trú cho HS, dù không ít khó khăn, trở ngại, nhà trường cũng quyết tâm mở lớp bán trú. Năm đầu tiên, nhà trường được Dự án Tầm nhìn thế giới hỗ trợ 25 triệu đồng để mua sắm các dụng cụ nhà bếp cần thiết. Với lớp bán trú ở điểm trường lẻ, không có điều kiện tổ chức bếp ăn, nhà trường vận động các nhà hảo tâm tặng cặp lồng cơm giữ ấm để HS ở lại buổi trưa tại trường.

Lễ tiếp nhận quà tặng cho HS từ các nhà hảo tâm của trường Tiểu học Hướng Phùng

Lễ tiếp nhận quà tặng cho HS từ các nhà hảo tâm của trường Tiểu học Hướng Phùng

Trong khuôn viên Trường Tiểu học Hướng Phùng, ngoài mô hình mô phỏng địa đạo Vịnh Mốc (Vĩnh Linh, Quảng Trị) còn có một mô hình bản đồ Việt Nam với đầy đủ các quần đảo, cạnh đó là bức tranh Thánh Gióng và nhà sàn Bác Hồ và mới đây nhất là mô hình mô phỏng sự kiện Gạc Ma.

Một hòn đảo được dựng lên trong một hồ nước nhỏ, phía trên gắn những bức tượng chiến sĩ hải quân đang cắm lá cờ đỏ sao vàng. Hỏi chuyện thầy Trọng, sao hằng năm không tổ chức cho HS đi tham quan thực tế tại địa đạo Vịnh Mốc mà phải xây dựng mô hình; thầy Trọng lý giải, không phải năm nào nhà trường cũng có kinh phí để thuê xe cho HS hoạt động ngoại khóa, chưa kể là nếu tổ chức thì cũng chỉ có một vài lớp hoặc khối lớp chứ rất khó để 100% HS của trường cùng tham gia.

Bởi thế, việc mô phỏng mô hình sẽ giúp cho những giờ học lịch sử của HS thêm sinh động.

Phải từ sự quan tâm học tập của các con

Hằng năm, trước khai giảng năm học mới, trường đều nhận được sự ủng hộ, chia sẻ của các tổ chức, cá nhân giúp trang bị những phương tiện học tập tối thiểu cho HS.

Có được như vậy, theo như thầy Nguyễn Mai Trọng, là nhà trường luôn công khai, sử dụng có hiệu quả những hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân và “tất cả đều ưu tiên phục vụ cho HS và nâng cao chất lượng dạy học”.

Ở địa bàn vùng khó, việc xã hội hóa nhận thức thành công sẽ góp phần xã hội hóa các nguồn lực đóng góp. Như với mô hình bán trú, thầy Trọng cho biết, qua thời gian thí điểm, phụ huynh thấy có lợi vì giảm quãng đường di chuyển cho các em HS, đảm bảo tỷ lệ chuyên cần, hạn chế bỏ học, nghỉ học.

Đồng thời, lớp học bán trú cũng góp phần đáng kể trong việc nâng cao chất lượng dạy học, tạo thói quen tự học cho HS. Giáo viên có điều kiện phụ đạo, giúp các em ôn bài, nhắc nhở, theo dõi quá trình học tập. Mặt khác, việc HS ở lại bán trú giúp phụ huynh giảm gánh nặng về thời gian trong việc đưa đón con em, tập trung lao động sản xuất để nâng cao kinh tế.

Thầy Trọng cho rằng, xã hội hóa không chỉ là kêu gọi phụ huynh đóng góp mà phải làm sao để phụ huynh quan tâm hơn đến việc học của con và cùng nhà trường bàn cách xây dựng trường phát triển.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ