Đà Nẵng đầu tư rất đúng hướng cho giáo dục

GD&TĐ - Đó là ghi nhận của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc – đại diện đoàn công tác liên ngành của Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ GD&ĐT khảo sát kết quả thực hiện Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo vào chiều 9/8.

GD Đà Nẵng có nhiều đổi mới về lượng và chất. Ảnh minh họa
GD Đà Nẵng có nhiều đổi mới về lượng và chất. Ảnh minh họa

Nhiều đổi mới mang tính đột phá

Ông Vũ Hùng – Phó Ban tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng đánh giá, sau 5 năm triển khai thực hện Nghị quyết 29 và Chương trình hành động của Thành ủy, các yếu tố cơ bản của GD&ĐT theo hướng coi trọng sự phát triển phẩm chất, năng lực của người học được đổi mới mạnh mẽ; đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên trong toàn ngành có nhiều chuyển biến về số lượng và chất lượng. Chất lượng giáo dục và đào tạo ngày một nâng lên; nhiều chủ trương mới của ngành giáo dục và đào tạo thành phố đưa vào thực hiện, tạo sự đồng thuận, phấn khởi trong phụ huynh, học sinh.

Phương pháp dạy - học có nhiều đổi mới đã phát huy tính chủ động, tích cực, sáng tạo, phát triển năng lực của học sinh; giáo dục kỹ năng sống, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện được thực hiện tốt. Số lượng, chất lượng dạy học tiếng Anh, Tin học, học 2 buổi/ngày đều tăng qua các năm học; sĩ số học sinh/lớp ở các cấp học đảm bảo theo quy định. Chất lượng giáo dục ổn định, tương đối đồng đều giữa các đơn vị trường học.

Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được đầu tư, đáp ứng yêu cầu đổi mới. Công tác quản lý giáo dục được cải tiến... 

Ông Nguyễn Đình Vĩnh – Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng cho biết, ngành GD Đà Nẵng thực hiện một số chủ trương mang tính đột phá như: Việc mở cổng trường, mở thư viện, khu vui chơi phục vụ học sinh và nhân dân trong hè đã tạo được sự đồng thuận, gắn kết chặt chẽ giữa nhân dân với trường học. Với chủ trương mới của ngành, học sinh nghỉ hè trọn vẹn 3 tháng, tựu trường đầu tháng 9 và đồng loạt tổ chức Khai giảng năm học mới đúng ngày toàn dân đưa trẻ đến trường (5/9).

Chương trình dạy học môn Thể dục theo năng lực học sinh và điều kiện của nhà trường đối với cấp THPT đã được đưa vào dạy học thí điểm thay cho chương trình dạy học môn Thể dục hiện hành tại các trường THPT trên địa bàn thành phố. Số môn thể thao được chọn tùy vào điều kiện của nhà trường nhưng cũng khá phong phú, học sinh được tập luyện môn thể thao yêu thích với thời lượng dài hơn, kỹ thuật, kỹ năng được hình thành, thể chất được cải thiện tốt hơn. Đà Nẵng rất quyết liệt trong việc thực hiện phổ cập bơi và chống đuối nước cho học sinh Tiểu học với số lượng bể bơi rộng khắp từ nguồn đầu tư của ngân sách và nguồn xã hội hóa giáo dục.

Đà Nẵng cũng đẩy mạnh phân luồng sau THCS, tỉ lệ tuyển sinh của các trường THPT công lập chỉ chiếm khoảng 72% số HS THCS, Sở GD&ĐT đẩy mạnh chia sẻ các dữ liệu HS sau THCS không đậu vào các trường THPT công lập với các trường ngoài công lập, TT GDT và hệ thống các trường CĐ, trung tâm dạy nghề…

Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc (ngồi giữa) và đoàn công tác liên ngành khảo sát kết quả thực hiện Nghị quyết 29 tại Đà Nẵng.

Từ trường học thông minh đến thành phố thông minh

Ông Đặng Việt Dũng – Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đánh giá, NQ 29 đã thực sự đem lại sinh khí mới cho ngành GD&ĐT, từ cách học cho đến cách dạy, quan tâm đến đội ngũ giáo viên và người quản lý. “Những hoạt động trong ngành GD như đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng dạy – học thì không có NQ thì chúng ta cũng làm, nhưng rõ ràng là có NQ thì làm đúng hơn.

Bản thân ngành GD có những thay đổi quan trọng sau 5 năm triển khai thực hiện NQ 29. Tuy nhiên, GD Đà Nẵng vẫn còn nhiều khó khăn như diện tích trường học không đủ so với tiêu chuẩn của trường chuẩn quốc gia; và mặc dù thành phố đã tập trung nguồn lực xây dựng trường lớp nhưng vẫn không đủ cho 100% HS Tiểu học học 2 buổi/ngày do tăng dân số cơ học.

Hiện thành phố đang đẩy mạnh ứng dụng CNTT để xây dựng mô hình trường học thông minh, lớp học thông minh; các trường mầm non cũng sẽ mở rộng nhận chăm sóc trẻ từ 6 -36 tháng tuổi; nâng cao chất lượng dạy – học ngoại ngữ. Đặc biệt là Đà Nẵng đã xóa bỏ được tình trạng chạy trường điểm, lớp điểm, ứng dụng tuyển sinh trực tuyển cho các lớp đầu cấp”.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc nhìn nhận, nếu so với nhưng mục tiêu, giải pháp của NQ 29 thì Đà Nẵng là địa phương đi tiên phong với những đổi mới mang tính đột phá và sáng tạo. “Đà Nẵng đã tập trung rất tốt nguồn lực cho phát triển giáo dục khi chi ngân sách 20% cho chi thường xuyên và hầu như mỗi năm đều có tăng lên, chưa kể là một nguồn lực rất lớn cho chi đầu tư. Đây là điều không phải địa phương nào cũng thực hiện được. Bố trí nguồn lực được sẽ giúp giáo dục giải quyết nhiều vấn đề như đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đồng bộ, hiện đại, đảm bảo đời sống cho giáo viên…”.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh: Đà Nẵng đã đầu tư rất đúng hướng khi tập trung đầu tư giáo dục theo hướng trường học thông minh, lớp học thông minh. “Muốn xây dựng thành phố thông minh thì tập trung cho giáo dục, y tế là một hướng đầu tư bền vững và nếu quan tâm tốt thì sẽ tạo được những thế hệ công dân có nền tảng rất tốt, phù hợp với xu thế hội nhập.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cũng cho rằng, Đà Năng nên thực hiện tốt việc quy hoạch trường lớp, cần quan tâm thỏa đáng quỹ đất dự phòng dành cho giáo dục.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ