Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình nhấn mạnh điều này khi báo cáo "Thẩm tra sơ bộ đề xuất của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa, không sử dụng ngân sách nhà nước trong triển khai, thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông" - tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội – chiều 16/5.
Không sử dụng ngân sách Nhà nước để biên soạn SGK
Về thực trạng triển khai việc biên soạn SGK lớp 1, báo cáo nêu rõ: Từ tình hình thực tế của quá trình triển khai biên soạn SGK theo chủ trương xã hội hóa (XHH), các chuyên gia có kinh nghiệm đã tham gia các nhóm biên soạn của các nhà xuất bản, nên sau 2 lần tổ chức đấu thầu, Bộ GD&ĐT vẫn không đạt kết quả theo mục đích đặt ra. Theo đó, Bộ GD&ĐT chưa thể xây dựng bộ SGK theo yêu cầu của Nghị quyết 88.
Trong khi đó, với chủ trương xã hội hóa, đến nay đã có 5 bộ sách lớp 1 của 3 nhà xuất bản uy tín trong ngành giáo dục được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt ban hành sử dụng phục vụ cho năm học 2020-2021 sau khi đã được thẩm định bởi Hội đồng quốc gia thẩm định SGK.
Thường trực Ủy ban (TTUB) cho rằng mặt tích cực là Bộ GD&ĐT đã phê duyệt được SGK lớp 1 phục vụ năm học theo lộ trình và đảm bảo chất lượng quốc gia theo luật định.
Liên quan đến đề nghị của Chính phủ tiếp tục thực hiện XHH biên soạn sách giáo khoa, không sử dụng ngân sách Nhà nước, báo cáo thẩm tra nêu rõ:
Với SGK lớp 1 phục vụ cho năm học 2020-2021, đã có 5 bộ SGK lớp 1 của 3 nhà xuất bản (thực hiện theo chủ trương xã hội hóa) được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt ban hành; các tác giả biên soạn SGK đều là các nhà khoa học có uy tín, thậm chí là thành viên Ban xây dựng Chương trình giáo dục phổ thông (CT GDPT) của Bộ GD&ĐT; các bộ SGK đều được thẩm định bởi Hội đồng quốc gia thẩm định SGK do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT thành lập theo luật định;
Cả 3 nhà xuất bản tham gia biên soạn SGK đều thuộc ngành giáo dục, trong đó Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam là đơn vị trực thuộc Bộ GD&ĐT.
Từ thực tế trên, TTUB cho rằng, cần cân nhắc việc Bộ GD&ĐT tiếp tục chủ trì biên soạn SGK lớp 1 vì những lý do sau:
Thời gian từ nay đến khai giảng năm học 2020-2021 còn rất ngắn để triển khai biên soạn, thực nghiệm và thẩm định một bộ SGK lớp 1 mới;
Việc tập hợp các chuyên gia sẽ khó khăn khi các nhà khoa học có kinh nghiệm đã tham gia các nhóm biên soạn của 3 nhà xuất bản; Việc XHH biên soạn SGK đã huy động được nguồn lực, các tổ chức, cá nhân tham gia trực tiếp vào công tác giáo dục;
Tạo điều kiện cho Bộ GD&ĐT tập trung vào nhiệm vụ quản lý nhà nước, kiểm tra, giám sát và chịu trách nhiệm về chất lượng SGK theo quy định của Luật Giáo dục 2019.
Với những phân tích như trên, TTUB thống nhất với đề nghị của Chính phủ tiếp tục thực hiện xã hội hóa biên soạn SGK, không sử dụng ngân sách Nhà nước.
Những vấn đề cần lưu ý
Tuy nhiên, để chủ động, TTUB đề nghị giao Thủ tướng Chính phủ quyết định cụ thể trong trường hợp cần thiết. Đồng thời, TTUB đề nghị Chính phủ lưu ý các vấn đề sau:
Đối với SGK lớp 1 năm 2020-2021, cần quan tâm bảo đảm giá SGK phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và Luật Giáo dục 2019 (Giáo dục tiểu học là bắt buộc).
Chỉ đạo tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm trong việc triển khai biên soạn SGK lớp 1 theo chủ trương xã hội hóa, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trình Quốc hội theo quy định Nghị quyết 88.
Rà soát, ban hành các văn bản đảm bảo chất lượng SGK, trong đó cần tập trung: Quy trình biên soạn đảm bảo chất lượng SGK; việc giảng dạy thực nghiệm SGK theo quy định Luật Giáo dục 2019; quy trình thẩm định SGK của Hội đồng quốc gia thẩm định SGK,…
Ban hành chính sách tài chính: Giá SGK phù hợp điều kiện kinh tế - xã hội; chính sách hỗ trợ SGK đối với học sinh khó khăn, vùng cao, dân tộc thiểu số,…Điều chỉnh các nguồn vốn và Dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông được tài trợ bởi Ngân hàng thế giới dự kiến để biên soạn SGK.