Chất lượng tốt hơn
Ông Trần Tuấn Khanh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT An Giang cho rằng: Xã hội hóa việc biên soạn và xuất bản SGK là hướng đi đúng. Chắc chắn chủ trương này sẽ mang lại lợi ích lớn cho xã hội, mà trước hết, Nhà nước sẽ tiết kiệm được một khoản ngân sách rất lớn. Thực hiện xã hội hóa biên soạn, xuất bản SGK còn tránh được tình trạng độc quyền trong xuất bản SGK, chất lượng sách sẽ tốt hơn cả về hình thức, nội dung; Góp phần kêu gọi, khuyến khích các tổ chức, cá nhân cống hiến trí tuệ, tâm huyết cho bộ sách. Ngoài ra, nếu giá cả cạnh tranh, người dân (học sinh và cha mẹ học sinh) cũng được hưởng lợi, nhất là đối tượng học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng dân thiểu số, miền núi, biên giới…
“Ngành Giáo dục An Giang đã triển khai hướng dẫn của Bộ GD&ĐT về việc lựa chọn SGK lớp 1 để chuẩn bị cho năm học 2020 - 2021. Tuy nhiên, để thực hiện có hiệu quả chủ trương này, Sở GD&ĐT cũng đã ban hành văn bản hướng dẫn tới từng đơn vị trường học, thực hiện đúng quy trình theo hướng dẫn, bảo đảm minh bạch, khách quan, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng vận động hành lang trong việc lựa chọn sách ở các địa phương và trường học” – ông Trần Tuấn Khanh chia sẻ.
Về chuyên môn, chủ trương xã hội hóa biên soạn và xuất bản SGK giúp cho các địa phương chọn được bộ SGK có nội dung phù hợp với đặc điểm văn hóa, phong tục, ngôn ngữ... Đồng thời, giáo viên và học sinh có thể tham khảo nhiều nguồn học liệu khác nhau, hỗ trợ việc giảng dạy, học tập.
Đưa kiến nghị, theo ông Trần Tuấn Khanh, sau năm học đầu tiên triển khai thực hiện chủ trương này, nhất là sau khi các bộ sách được đưa vào sử dụng ở nhà trường, chúng ta cần tiến hành rút kinh nghiệm, tổng kết đánh giá hiệu quả tích cực của chủ trương; cũng như cần có biện pháp để khắc phục những tồn tại, hạn chế để từ đó hoàn thiện tốt hơn chủ trương này ở các cơ sở giáo dục. Thêm nữa, Bộ GD&ĐT cần tăng cường tuyên truyền để làm rõ quan điểm ra đề thi không dựa vào một bộ sách nào, mà căn cứ vào chuẩn đầu ra của chương trình. Trên cơ sở đó, giáo viên - học sinh dạy và học sách nào cũng có thể đáp ứng được yêu cầu.
Nên tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Minh Tường, Bí thư Huyện ủy Thanh Thủy (Phú Thọ), nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT Phú Thọ khẳng định: Một chương trình thống nhất, mỗi môn học có một số SGK; khuyến khích xã hội hóa biên soạn, xuất bản sách là chủ trương đúng đắn, bảo đảm tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Hiện nay, nguồn ngân sách Nhà nước còn hạn hẹp và cần dành nguồn lực vào đầu tư cơ sở vật chất, nên thực hiện xã hội hóa càng quan trọng.
Thực tế triển khai biên soạn, thẩm định và lựa chọn các bộ SGK lớp 1 trong thời gian qua bước đầu cho thấy sự phù hợp và nhiều điểm tích cực: Xóa bỏ độc quyền trong việc biên soạn, in ấn và phát hành; giảm chi phí từ nguồn ngân sách đầu tư cho biên soạn SGK; tạo sự cạnh tranh trong quá trình biên soạn, phát hành. Từ đó, học sinh sẽ được sử dụng bộ SGK chất lượng tốt hơn, phù hợp với vùng miền… Đối với những vùng khó khăn, Nhà nước có thể hỗ trợ giá cho học sinh mua SGK.
Bộ GD&ĐT đã đảm nhiệm tốt vai trò thẩm định, giúp kiểm soát được chuẩn chất lượng theo mục tiêu, yêu cầu đồng thời thể hiện rõ vai trò điều tiết, hướng dẫn, tổ chức thực hiện. Hầu hết giáo viên, học sinh, phụ huynh đánh giá cao chất lượng SGK mới, cả về nội dung lẫn hình thức. Có thể quá trình triển khai thực hiện còn khó khăn do chưa có kinh nghiệm triển khai, nhưng với chủ trương đúng đắn và những tín hiệu tích cực vừa qua, theo ông Nguyễn Minh Tường, chúng ta nên tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa biên soạn SGK.
Nếu chúng ta chủ động và kịp thời trong triển khai chủ trương xã hội hóa biên soạn SGK như hiện nay. Các bộ SGK xã hội hóa đều được Bộ GD&ĐT thẩm định, phê duyệt, không nhất thiết có thêm SGK do Bộ GD&ĐT tổ chức biên soạn để tránh gây lãng phí. Nên để Bộ GD&ĐT tập trung thực hiện tốt vai trò thẩm định SGK. - Ông Nguyễn Minh Tường