Xã hội đồng hành cho một kỳ thi nhẹ nhàng

GD&TĐ - Công tác chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 đã sẵn sàng, chu đáo. 

Thí sinh cùng cán bộ làm công tác thi tại Điểm thi Trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội) chiều 27/6. Ảnh: Thế Đại
Thí sinh cùng cán bộ làm công tác thi tại Điểm thi Trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội) chiều 27/6. Ảnh: Thế Đại

Nhân, vật lực cùng những tình huống bất thường với thí sinh cũng được tính toán kĩ càng. Tất cả hướng tới kỳ thi với phương châm không để thí sinh nào phải bỏ thi, không thể thi vì hoàn cảnh khó khăn.

Rà soát, hỗ trợ thí sinh khó khăn

Thông tin từ ông Đỗ Văn Lợi, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng, Hội đồng thi đã xây dựng phương án hỗ trợ đối với trường hợp thí sinh không may bị tai nạn hoặc các trường hợp khác (không thể viết bài). Đối với học sinh cần sử dụng thiết bị y tế hỗ trợ cá nhân (máy trợ thính…) trong quá trình thi, Hội đồng thi sẽ phối hợp công an thành phố, kiểm tra rà soát thiết bị, niêm phong trước khi cho thí sinh sử dụng tại phòng thi.

Trước đó, Sở GD&ĐT Hải Phòng thông tin, trên địa bàn có 1 học sinh (Trường THPT Trần Nguyên Hãn) mắc bệnh “ngón tay lò xò” ở bàn tay phải. Nhà trường đã có tờ trình gửi Sở GD&ĐT và bệnh án của bệnh viện kèm theo. Lãnh đạo Hội đồng thi Sở GD&ĐT Hải Phòng xây dựng phương án phối hợp công an thành phố, lãnh đạo điểm thi, nhà trường và gia đình để hỗ trợ học sinh, bảo đảm điều kiện cơ sở vật chất, ổn định tâm lý giúp học sinh yên tâm tham gia kỳ thi.

Rà soát đến chiều 27/6, ông Phan Văn Đức, Trưởng phòng Quản lý chất lượng, Sở GD&ĐT Thái Bình cho biết, chưa có thí sinh nào trên địa bàn cần hỗ trợ liên quan đến hoàn cảnh kinh tế, đi lại khó khăn, hay do bị chấn thương… Dù tình huống thí sinh tai nạn không thể viết bài rất ít xảy ra nhưng Sở GD&ĐT cũng tính đến sẵn sàng phương án.

Theo thông tin nhanh từ Thường trực Ban Chỉ đạo cấp quốc gia về ngày làm thủ tục dự thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, toàn quốc có 63 Hội đồng thi, gồm 2.272 điểm thi và 43.032 phòng thi. Tổng số thí sinh đăng ký dự thi là 1.024.063 thí sinh. Tổng số thí sinh đến làm thủ tục dự thi: 1.012.398 thí sinh, chiếm tỷ lệ 98,86% so với số đăng ký dự thi. Có 11.665 thí sinh chưa làm thủ tục dự thi, chiếm tỷ lệ 1,14% so với số đăng ký dự thi.

Các Hội đồng thi đã thực hiện tốt các giải pháp hỗ trợ thí sinh làm thủ tục dự thi thuận lợi; phổ biến quy chế đầy đủ; báo cáo Ban Chỉ đạo các cấp các trường hợp cần phải điều chỉnh thông tin thí sinh; giúp đỡ thí sinh sửa chữa các sai sót trong quá trình đăng ký dự thi, tạo tâm lý tốt để thí sinh an tâm sẵn sàng tham gia kỳ thi.

Các điểm thi tại Thái Bình đều bố trí phòng thi dự phòng với sự chuẩn bị về cơ sở vật chất, nhân lực như phòng thi chính thức. Nếu có thí sinh cần hỗ trợ như trên sẽ bố trí thi ở phòng riêng, có 2 cán bộ coi thi, 1 cán bộ giám sát và một cán bộ chép bài giúp thí sinh. Bố trí một điện thoại (không sim, không kết nối mạng) để ghi âm lời đọc của thí sinh. Hoàn thành bài thi, cán bộ làm nhiệm vụ chép bài thi hộ sẽ đọc lại cho thí sinh nghe và các bên (người coi thi, người giám sát, người giúp và thí sinh) cùng ký biên bản.

Một trong những công việc được địa phương chú trọng thực hiện khi chuẩn bị Kỳ thi tốt nghiệp THPT là rà soát các học sinh có nhu cầu được hỗ trợ; từ đó lên phương án, tạo điều kiện thuận lợi về đi lại, ăn, nghỉ cho thí sinh, thậm chí cả người thân của thí sinh ở các điểm thi.

Thông tin từ ông Phùng Quốc Lập, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Phú Thọ, theo rà soát, toàn tỉnh có khoảng 180 thí sinh cần được hỗ trợ, chủ yếu là con em người dân tộc thiểu số. Các thí sinh này tập trung ở 4 huyện: Thanh Sơn, Tân Sơn, Yên Lập và Đoan Hùng, nhà xa điểm thi và đường đi lại khó khăn, thường xảy ra mưa lũ. Nhà trường phối hợp với tổ dân phố thôn, bản vừa bố trí chỗ ở miễn phí gần điểm thi; vừa tổ chức nấu ăn miễn phí cho các em trong những ngày thi. Các thí sinh có nhu cầu đã được bố trí chỗ ở ổn định từ 27/6. Ngoài ra, 18 thí sinh có hoàn cảnh khó khăn được các trường hỗ trợ 500 nghìn đồng/người.

Sở GD&ĐT đồng thời chỉ đạo các điểm thi xây dựng các phương án tổ chức kỳ thi trong điều kiện mưa to, lũ lụt... Đặc biệt tình huống có học sinh tai nạn giao thông không viết được bài nhưng vẫn có nhu cầu thi, Sở GD&ĐT cũng có hướng dẫn cụ thể để vừa bảo đảm đúng Quy chế thi, vừa đáp ứng nguyện vọng thí sinh.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Hà, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Long cho biết, địa phương đặc biệt quan tâm đến công tác hỗ trợ thí sinh dự thi, nhất là các em có hoàn cảnh khó khăn, nhà ở cách xa điểm thi. Các giáo viên ở xa đến làm nhiệm vụ coi thi cũng được quan tâm, hỗ trợ. Riêng thí sinh đặc biệt, Vĩnh Long đã rà soát và đến thời điểm này chưa có em nào cần có sự hỗ trợ trong khi làm bài thi. Tuy vậy, địa phương cũng đã sẵn sàng phương án nếu xuất hiện trường hợp này.

CSGT huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) hỗ trợ thí sinh ra vào điểm thi tại Trường THPT Phương Xá. Ảnh: Long Anh

CSGT huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) hỗ trợ thí sinh ra vào điểm thi tại Trường THPT Phương Xá. Ảnh: Long Anh

Chuẩn bị chu đáo các điểm thi đặc biệt

Để giảm sự vất vả cho thí sinh khi phải di chuyển đến điểm thi, từ Trường THPT Cát Hải sang THPT Cát Bà phải di chuyển bằng phà, Sở GD&ĐT Hải Phòng thành lập 2 điểm thi tại 2 trường. Thầy Nguyễn Trung Thành - Hiệu trưởng Trường THPT Cát Bà (Cát Hải) cho hay, điểm thi Trường THPT Cát Bà có tổng số 184 thí sinh, 8 phòng thi, 1 phòng chờ và 1 phòng dự phòng. Trường có nhiều thí sinh xa nhà, xa nhất 25km ở xã Phù Long, Xuân Đám. Với những thí sinh này, thầy cô đã tư vấn nghỉ lại nhà người thân gần trường để thuận lợi đi lại khi thi. Điểm thi Trường THPT Cát Bà có 29 cán bộ làm thi.

Thầy Nguyễn Trung Thành cho biết thêm, nếu thời tiết đặc biệt không thể vận chuyển bài thi về điểm chấm thì bài thi được lưu lại tại phòng bảo quản đề, bài thi có niêm phong và giám sát của công an, lãnh đạo điểm thi.

Tại Quảng Ninh, chiều 27/6, ông Đỗ Văn Quang, Trưởng phòng GD&ĐT, Phó Trưởng ban Thường trực thi tốt nghiệp THPT năm 2023 huyện Cô Tô cho biết, công tác cho kỳ thi đã được chuẩn bị tốt. Điểm thi Trường THPT Cô Tô có 70 thí sinh đăng ký dự thi, trong đó có 6 thí sinh tự do với 4 phòng thi và 1 phòng thi dự phòng. Hội đồng thi có 25 thầy, cô, 4 phục vụ, 2 thanh tra của Bộ GD&ĐT, 2 thanh tra của Sở GD&ĐT Quảng Ninh.

Tại huyện miền núi Ba Chẽ (Quảng Ninh), thầy Nguyễn Thế Phương, Trưởng điểm thi Trường THPT Ba Chẽ cho biết, toàn huyện có 176 thí sinh tham gia dự thi tốt nghiệp. Trong đó 161 học sinh Trường THPT Ba Chẽ, 11 học sinh thuộc Trung tâm GDNN & GDTX huyện và 4 thí sinh tự do. Công tác từ cơ sở vật chất đến an ninh, y tế tại điểm thi đã được chuẩn bị xong. Thanh niên tình nguyện đã sẵn sàng hỗ trợ các thí sinh. Huyện đội đã chuẩn bị sẵn xuồng trong trường hợp mưa lũ. UBND huyện cũng chỉ đạo có phương án chuẩn bị xe đỗ ở cổng trường, trong trường hợp học sinh vắng là có thể đến nhà đón ngay.

Cô Hoàng Thị Thu Hà, Bí thư Đoàn Trường THPT Ba Chẽ cho biết, đội thanh niên tình nguyện gồm 30 người sẽ làm nhiệm vụ hỗ trợ các thí sinh như hướng dẫn người nhà của các thí sinh, phát nước miễn phí và đồ dùng cho các thí sinh. Hướng dẫn thí sinh những đồ dùng không được mang vào phòng thi. “Sau khi thí sinh thi xong, chúng tôi sẽ tiến hành dọn vệ sinh tại các phòng thi như lau bảng và các số báo danh trên bàn”, cô Hà nói.

Tại Cà Mau, những thí sinh cuối trời Tổ quốc cũng được nhà trường, thầy cô, gia đình lo lắng chu đáo khi lên đường dự thi tốt nghiệp THPT. Trường THPT Viên An nằm ở mũi Cà Mau - là một trong những trường xa và khó khăn nhất của tỉnh. Việc đi lại của học sinh khó khăn; có em phải ở trọ đi học hoặc đi xuồng máy hằng ngày để đến trường.

Học sinh huyện Ngọc Hiển (Cà Mau) được hỗ trợ cơm miễn phí khi đến huyện Năm Căn dự thi.
Học sinh huyện Ngọc Hiển (Cà Mau) được hỗ trợ cơm miễn phí khi đến huyện Năm Căn dự thi.

Thầy Trịnh Huỳnh Thịnh, Hiệu trưởng Trường THPT Viên An cho biết: Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, trường có 115 học sinh đi thi. Sáng 27/6, thầy trò nhà trường lên đường sang huyện Năm Căn tham dự kỳ thi. Tổng cộng có 6 cán bộ, giáo viên của trường đi cùng học sinh để chăm lo, quản lý các em trong suốt kỳ thi.

Hành trình từ Trường THPT Viên An đến điểm thi Trường THPT Phan Ngọc Hiển (huyện Năm Căn) khoảng 20km; trong đó có khoảng 14km đường cấp 6 đã xuống cấp, việc đi lại hết sức khó khăn. Nhà trường bố trí xe 16 chỗ chở toàn bộ học sinh và giáo viên đi thi.

“Điều khiến thầy trò vui nhất là việc hỗ trợ thí sinh đi thi nhận được sự quan tâm của xã hội. Những ngày thi học sinh của trường được hỗ trợ ăn miễn phí. Học sinh nghèo, cận nghèo, hoàn cảnh khó khăn được địa phương, ngành Giáo dục hỗ trợ”, thầy Thịnh cho biết.

Sáng 27/6, 146 học sinh cùng 4 cán bộ, giáo viên Trường THPT Ngọc Hiển (huyện Ngọc Hiển) cũng lên đường sang huyện Năm Căn dự thi tốt nghiệp THPT. Thầy Lâm Quốc Toản, Phó Hiệu trưởng phụ trách trường cho biết: Nhà trường thuê xe đưa đón học sinh, giáo viên trong kỳ thi để bảo đảm an toàn; Cùng đó, thuê 4 nhà trọ cho học sinh nghỉ, các giáo viên chia nhau cùng ăn ở với học trò để chăm sóc, hỗ trợ.

Đặc biệt, một số phụ huynh cũng tháp tùng đoàn để chăm lo cho con em và hỗ trợ các học sinh khác. Để hỗ trợ thí sinh đi thi, UBND huyện Ngọc Hiển, mạnh thường quân, các đơn vị hỗ trợ học sinh nghèo, cận nghèo, hoàn cảnh khó khăn. Việc đi lại, ăn ở trong suốt những ngày thi được bảo đảm nên nhiều học sinh, phụ huynh yên tâm.

Tại các điểm thi vùng biên giới Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn (Thanh Hóa), thí sinh làm thủ tục dự thi tốt nghiệp THPT năm 2023 đầy đủ, đúng giờ. Nhiều thí sinh là con em đồng bào dân tộc Mông ở các bản xa xôi, cách trường gần trăm km đã có mặt đúng giờ.

Thí sinh Sùng A Tồng, học sinh Trường THPT Mường Lát, nhà ở bản Tà Cóm, xã Trung Lý (Mường Lát), cách trường gần 100 km đã chủ động đến điểm thi từ sáng 27/6, để chờ làm thủ tục dự thi.

“Nhà em ở nếu đi đường bộ khá xa và quanh co nên bố em đưa qua sông Mã, rồi sang xã Mường Lý để đi lên thị trấn Mường Lát. Con đường này khoảng gần 70km. Em phải chủ động đến sớm hơn các bạn để tránh không may xảy ra trên đường. Trong những ngày thi, em được các thầy, cô giáo nhà trường tạo điều kiện cho ở trong Làng học sinh Mường Lát. Em cũng được các anh, chị và các bạn thanh niên tình nguyện ‘Tiếp sức mùa thi’ hỗ trợ nước uống”, Sùng A Tồng tâm sự:

Thầy Vũ Ngọc Liêm - Hiệu trưởng Trường THPT Ngọc Lặc, Trưởng Điểm thi THPT Mường Lát (Thanh Hóa) cho biết, điểm thi có 301 thí sinh. Trong số thí sinh tham dự kỳ thi năm nay tại Trường THPT Mường Lát, có 90 thí sinh người dân tộc Mông, còn lại là Thái, Mường, Dao và dân tộc Kinh.

“Năm nay, tại điểm thi có lực lượng 9 cơ quan, đơn vị đến tham gia làm công tác phục kỳ thi. Nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho thí sinh, nhà trường đã chuẩn bị nơi ăn, nghỉ cho các em ở làng học sinh. Đồng thời, vận động các gia đình người dân ở vị trí gần điểm thi cho thí sinh nơi xa đến ăn, nghỉ trong những ngày diễn ra kỳ thi…”, thầy Nguyễn Nam Sơn - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Mường Lát, Phó Trưởng điểm thi cho hay.

Tại điểm thi Trường THPT Quan Hóa, có 394 thí sinh đăng ký dự thi. Cô Cao Thị Minh - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Quan Hóa, Phó Trưởng điểm thi, cho biết: Một số thí sinh ở xa đến thi phải tự tìm nhà trọ ở xung quanh khu vực thị trấn Hồi Xuân, vì điều kiện của Trường PTDTNT - THCS huyện đang tu sửa, nên không thể tiếp nhận các em vào ở miễn phí như mọi năm. Ngoài ra, một số học sinh của Trường THPT Quan Hóa ở lại khu bán trú của nhà trường.

Thầy Nguyễn Minh Đạo - Hiệu trưởng Trường THPT Quan Sơn (Thanh Hóa) Trưởng điểm thi THPT Quan Hóa cho biết “Trong buổi làm thủ tục dự thi, tại điểm thi THPT Quan Hóa có đủ 100% thí sinh đến đúng giờ. Nhằm giúp các em an tâm trong kỳ thi, lực lượng thanh niên tình nguyện “Tiếp sức mùa thi” cũng tham gia khá đông. Công tác bảo đảm an ninh kỳ thi cũng được cấp ủy, chính quyền sở tại chỉ đạo sát sao, nhằm tránh xảy ra tình huống xấu”, ông Đạo thông tin.

Thí sinh nhận phòng thi và làm thủ tục dự thi tại điểm thi Trường THPT Ba Chẽ chiều 27/6. Ảnh: Minh Cương

Thí sinh nhận phòng thi và làm thủ tục dự thi tại điểm thi Trường THPT Ba Chẽ chiều 27/6. Ảnh: Minh Cương

Đồng hành cùng thí sinh

Trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023, nhiều tỉnh, thành phố có các phương thức hỗ trợ thí sinh, không để bất cứ thí sinh nào vì điều kiện khó khăn mà không dự thi được. Chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, Sở GD&ĐT Lào Cai đã phối hợp chặt chẽ với UBND các huyện, thị xã, thành phố và các sở, ngành, đơn vị liên quan bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối cho kỳ thi, đặc biệt quan tâm các đối tượng học sinh thuộc diện gia đình chính sách, hoàn cảnh khó khăn, không để thí sinh phải bỏ thi vì điều kiện khó khăn hoặc do thiên tai, mưa lũ.

Tại huyện Si Ma Cai, sáng 27/6, tất cả các thí sinh nhà xa điểm thi đều được nhà trường phối hợp với chính quyền địa phương đón về gần điểm thi. Tại đây, các thí sinh được sắp xếp chỗ ăn, ở tại các khu bán trú, ký túc xá gần điểm thi, được nhà bếp chuẩn bị 3 bữa ăn/ngày.

Anh Phạm Đức Minh - Bí thư Huyện đoàn Si Ma Cai cho biết: Để hỗ trợ các thí sinh, Huyện đoàn đã bố trí các tình nguyện viên ở các điểm thi, phối hợp các trường nấu ăn cho thí sinh ngày hai bữa từ ngày 27 - 29/6. Đồng thời, khẩu phần ăn của các học sinh cũng sẽ được tăng thêm so với ngày thường, giúp các em bảo đảm sức khỏe trong suốt kỳ thi.

Bên cạnh đó, đồng hành với chương trình “Tiếp sức mùa thi” năm 2023, Viettel Lào Cai hỗ trợ 1.667 suất ăn với tổng trị giá 50 triệu đồng cho các thí sinh có hoàn cảnh khó khăn tại 15 điểm thi toàn tỉnh. Trong đó, Bắc Hà 300 suất; Si Ma Cai 300 suất; Bát Xát 300 suất, Văn Bàn 267 suất, Mường Khương 200 suất... Những suất ăn này là món quà ý nghĩa dành cho các sĩ tử.

Tại Yên Bái, các địa phương, nhà trường cũng đã chủ động phương án hỗ trợ học sinh ở xa, có hoàn cảnh khó khăn. Trước kỳ thi, lãnh đạo thành phố Yên Bái đã kịp thời động viên và hỗ trợ 98 thí sinh có hoàn cảnh khó khăn tham dự kỳ thi với số tiền trên 19 triệu đồng. Như ở huyện Văn Yên, để tạo điều kiện cho các thí sinh có đủ nơi ăn, nghỉ trong các ngày thi, lãnh đạo xã An Bình đã chỉ đạo sát sao các đoàn thể chính trị xã hội quan tâm đến những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để giúp đỡ các em phương tiện đến điểm thi, chỗ nghỉ trưa miễn phí.

Đặc biệt, nhiều trường vùng cao tại Yên Bái đã phát động phong trào ủng hộ học sinh lớp 12 ôn thi và thi tốt nghiệp THPT. Cụ thể, tại Trường THPT Trạm Tấu đã hỗ trợ cho 132/140 thí sinh có hoàn cảnh khó khăn, trong đó 116 em được hỗ trợ trong những ngày thi, mỗi thí sinh 200.000 đồng và 1,5kg gạo; 16 em được hỗ trợ tiền gạo trong những ngày ôn thi và thi tốt nghiệp với tổng số tiền 16.560.000 đồng.

Tại Gia Lai, các đội hình tình nguyện “Tư vấn - Tiếp sức mùa thi” tập trung hỗ trợ thí sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tham gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT như tổ chức tìm kiếm, giới thiệu nhà trọ miễn phí, nhà trọ giá rẻ, địa điểm ăn uống bình dân, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Cùng với đó, Đoàn Thanh niên các cấp vận động các tập thể, cá nhân hỗ trợ cung cấp nước uống miễn phí cho thí sinh và người nhà thí sinh; tổ chức đón thí sinh tại các điểm thi, hỗ trợ tư vấn, hướng dẫn đường đi; hỗ trợ di chuyển đối với thí sinh và người nhà thí sinh.

Còn tại Đắk Lắk, để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh dự thi, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh chỉ đạo các cơ sở Đoàn triển khai các chương trình “Sinh viên tình nguyện”, “Tiếp sức mùa thi”, hỗ trợ các địa phương bảo đảm trật tự, an toàn cho kỳ thi và hỗ trợ thí sinh khó khăn dự thi. Đồng thời, tăng cường công tác vận động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ, giúp đỡ các thí sinh thuộc gia đình chính sách, hộ nghèo, cư trú ở vùng sâu, vùng xa, không để thí sinh nào phải bỏ thi vì gặp khó khăn về điều kiện kinh tế hay đi lại.

Sở GD&ĐT Kon Tum cho biết đã chỉ đạo các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch để hỗ trợ chỗ ăn, nghỉ, đưa đón cán bộ coi thi cũng như các thí sinh ở xa, kịp thời động viên, hỗ trợ kinh phí cho các thí sinh thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, thí sinh dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn tham gia kỳ thi.

Tổng số tiền hỗ trợ của các huyện, thành phố trong tỉnh cho thí sinh tham gia kỳ thi tốt nghiệp gần 547 triệu đồng, từ ngân sách Nhà nước và huy động từ các tổ chức hảo tâm. Trong đó, huyện khó khăn, biên giới Đăk Glei đã trích kinh phí 108,6 triệu đồng để hỗ trợ các em học sinh dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, cận nghèo tham gia kỳ thi. Còn huyện biên giới Ia H’Drai đã trích kinh phí 12,47 triệu đồng để hỗ trợ tiền xe cho 64 thí sinh về tỉnh dự thi...

Tại điểm thi Trường THCS Tân Túc (huyện Bình Chánh, TPHCM), thí sinh Nguyễn Quách Phú Tài, học sinh lớp 12 Trường THPT Tân Túc (huyện Bình Chánh) là một thí sinh đặc biệt tham gia kỳ thi. Phú Tài bị gãy cả hai tay trong một vụ va chạm giao thông, đến nay dù đã được xuất viện nhưng tay vẫn chưa lành, không thể viết bài được. Theo thầy Hoàng Công Phú, Trưởng điểm thi tại Trường THCS Tân Túc, để hỗ trợ thí sinh, ngành Giáo dục thành phố đã bố trí giám thị viết giùm Tài bài thi. Đồng thời, Phú Tài cũng được thi ở phòng riêng biệt, có các thiết bị ghi âm, ghi hình. Phòng thi này cũng như những phòng thi thông thường khác, vẫn có giám thị hành lang, giám thị trong phòng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ