Điều đó cho thấy khoảng cách đến tầm thế giới lớn như thế nào.
Khoảng cách quá lớn
Huấn luyện viên Mai Đức Chung và các học trò rời sân chơi thế giới với 3 thất bại, thủng lưới 12 bàn và không ghi được bàn nào.
Theo thông số chuyên môn, khung thành đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam đã hứng chịu 99 tình huống dứt điểm của đối thủ, trong đó có 33 cú sút trúng đích. Thủ môn Kim Thanh đã chơi xuất sắc, cản phá nhiều bàn thua trông thấy với tỷ lệ ấn tượng là 2,7 bàn/trận.
Sau 3 trận, đội tuyển Việt Nam chỉ có được 11 tình huống dứt điểm, nhưng 8 trong số đó được thực hiện ngoài vòng 16m50. Như vậy, sau 270 phút thi đấu chính thức, chúng ta chỉ 3 lần đưa được bóng vào vòng cấm địa đối phương dứt điểm.
Đội tuyển nữ Việt Nam chỉ có 497 đường chuyền chính xác trong tổng số 819 đường chuyền (tỷ lệ 60%). Tỷ lệ kiểm soát bóng trung bình của các cô gái Việt Nam chỉ là khoảng 35%...
Đáng chú ý, các tuyển thủ Việt Nam có chiều cao trung bình 1,61 m, xếp thứ… 31/32 đội tham dự World Cup 2023 (chỉ hơn Zambia). Trong tương quan của bảng đấu, chiều cao trung bình đội nữ Việt Nam kém Bồ Đào Nha 7 cm (1,69 m), Mỹ 8 cm (1,69 m), Hà Lan 10 cm (1,71 m). Hạn chế về chiều cao và thể hình khiến đội tuyển nữ Việt Nam thua thiệt trong những tình huống tranh chấp tay đôi, tốc độ và bóng bổng.
Cùng lần đầu tiên dự World Cup nhưng đội tuyển nữ Việt Nam chưa thể làm được hai điều Thái Lan và Philippines đã tạo cột mốc lịch sử, bàn thắng và chiến thắng.
Năm 2015, trong lần đầu tiên góp mặt ở sân chơi World Cup, Thái Lan thua hai đối thủ Na Uy và Đức cùng tỷ số 0 - 4, và bất ngờ đánh bại Bờ Biển Ngà với tỷ số 3 - 2. 4 năm sau, Thái Lan thua cả 3 trận vòng bảng nhưng họ vẫn có 1 bàn thắng ở thất bại 1-5 trước Thụy Điển.
Philippines cũng gây tiếng vang ở lần đầu tham dự tại World Cup 2023. Họ thua Thụy Sỹ 0 - 2, Na Uy 0 - 6 nhưng lại quật cường đánh gục chủ nhà New Zealand với thắng lợi 1 - 0.
Cựu tuyển thủ Đặng Phương Nam bình luận, những con số thống kê đã cho thấy sự khác biệt và khoảng cách rất xa giữa cầu thủ Việt Nam và cầu thủ thế giới về nền tảng sức bền chung cũng như cường độ di chuyển, khả năng vận động. Khi cường độ của trận đấu được đẩy lên cao, đối thủ áp sát và pressing với cường độ cao thì sai sót của các nữ tuyển thủ xảy ra rất nhiều.
Trận nữ Việt Nam (bên trái) thua Hà Lan 0 - 7 ở World Cup 2023. Ảnh: ITN. |
Cũng theo ông Nam, World Cup là một trường học quá lớn so với nền bóng đá đang trên đường phát triển như Việt Nam. Có quá nhiều điều để học hỏi, để tham khảo, để rút kinh nghiệm. Nhưng quan trọng là chúng ta cần phải có hội đồng kỹ thuật để tổng hợp, phân tích, so sánh và từ đó tư vấn, đề xuất với Liên đoàn Bóng đá Việt Nam xây dựng chiến lược, định hướng phát triển trong giai đoạn mới.
Còn với huấn luyện viên Mai Đức Chung, ông hài lòng về tinh thần của các học trò song điều đó không đủ giúp đội tuyển Việt Nam khi bước ra sân chơi World Cup.
“Chúng tôi thi đấu bằng tinh thần Việt Nam nhưng thua kém nhiều về thể hình, thể lực, kỹ năng chiến thuật. Rõ ràng, tinh thần cao là chưa đủ mà còn phải có trình độ. Bóng đá nữ Việt Nam còn phải làm việc nhiều hơn nữa để khỏa lấp hạn chế chuyên môn.
Sắp tới bóng đá nữ Việt Nam còn nhiều việc phải làm. Các cầu thủ khi về Việt Nam làm gương cho các cầu thủ trẻ phấn đấu tập luyện, động viên cầu thủ nâng cấp nhiều mặt như tăng cường chiều cao, tập luyện trong các môi trường như trường học. Chúng ta phải có nhiều phong trào, giải đấu hơn nữa. Tôi nghĩ chỉ có 5 - 6 CLB ở giải vô địch quốc gia như hiện nay là còn bất cập” - ông Chung cho biết.
Trên trang chủ của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam - ông Trần Quốc Tuấn cho biết: “Việc lần đầu tiên giành quyền tham dự World Cup nữ vừa là niềm tự hào nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức. Nhìn từ vòng bảng World Cup nữ 2023, chúng ta thấy được sự phát triển hết sức mạnh mẽ của các đội tuyển đến từ châu Phi hay châu Mỹ. Họ có những cầu thủ mạnh về thể hình hay thể lực, bên cạnh quá trình đầu tư bài bản. Bóng đá nữ Việt Nam còn rất nhiều việc phải làm”.
Về phương án bóng đá nữ Việt Nam cần được bổ sung các cầu thủ gốc Việt và Việt kiều, ông Tuấn nêu quan điểm: “Một mặt chúng tôi chú ý đến cầu thủ Việt kiều, mặt khác, cũng kỳ vọng sẽ có nhiều cầu thủ Việt Nam được xuất ngoại. Đặc biệt, nhiều cầu thủ trẻ ra nước ngoài chơi bóng thì thật tốt.
Trường hợp của Huỳnh Như là điểm sáng. Nhưng ở khía cạnh khác, Như cũng đã 32 tuổi. Việc xuất ngoại vẫn còn là hơi muộn. Mong muốn của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam là nhiều cầu thủ nữ Việt Nam có thể xuất ngoại với bến đỗ là các câu lạc bộ châu Âu hoặc Nhật Bản. Đây là môi trường lý tưởng để phát triển bóng đá đỉnh cao”.
Ngoài ra, người đứng đầu Liên đoàn Bóng đá Việt Nam cho rằng, cần phải chú trọng hơn nữa vào việc nâng cao chất lượng giải vô địch quốc gia nữ. Từ năm 2015, hệ thống thi đấu của bóng đá nữ từng bước được cải thiện, với sự xuất hiện của giải U16 và U19 nữ quốc gia, cúp quốc gia bên cạnh giải vô địch quốc gia.
Đặc biệt, theo ông Tuấn, các địa phương cần hoạch định bóng đá nữ như một môn trọng điểm và bóng đá nữ Việt Nam cần có giải pháp nghiên cứu để ổn định, duy trì và phát triển. Và ông Tuấn bày tỏ hy vọng rằng, đội tuyển nữ quốc gia sẽ góp mặt ở World Cup nữ 2027.
Trận nữ Việt Nam (áo sẫm) thua Mỹ 0 - 3 ở World Cup 2023. Ảnh: INT. |
Tham vọng ASIAD 19
Sau khi tham dự World Cup nữ 2023, bóng đá nữ Việt Nam còn rất nhiều nhiệm vụ quan trọng, cả ngắn hạn và lâu dài. Trước hết, ở vị trí huấn luyện viên trưởng, đội tuyển nữ Việt Nam sẽ đi theo hướng nào? Bởi hợp đồng giữa huấn luyện viên Mai Đức Chung và Liên đoàn Bóng đá Việt Nam sẽ kết thúc vào ngày 31/12/2023. Việc ông Chung đi hay ở còn phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó có quan điểm dùng người của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam.
Huấn luyện viên Mai Đức Chung sẽ tiếp tục gia hạn hợp đồng, hay Liên đoàn Bóng đá Việt Nam sẽ sử dụng người mới, trẻ trung và năng động, thích hợp với thời đại của công nghệ? Thậm chí phương án thầy ngoại cho bóng đá nữ cũng được đặt ra như là cách để nâng cao chất lượng đội tuyển quốc gia. Khi được hỏi về tương lai, ông Chung cho biết rằng, “việc gia hạn hợp đồng tính toán sau, lúc này cứ làm hết việc trong năm nay đã”.
Theo kế hoạch, ngày 10/8, huấn luyện viên Mai Đức Chung và các học trò tập trung trở lại chuẩn bị cho hành trình mới, với điểm nhấn là ASIAD 19, tổ chức tại Hàng Châu, Trung Quốc. Tại giải đấu châu lục, đội tuyển nữ Việt Nam rơi vào bảng đấu có Nhật Bản, Bangladesh và Nepal. Để vượt vòng bảng, đội nữ Việt Nam cần giành ngôi đầu hoặc nằm trong nhóm 3 đội nhì xuất sắc nhất (trên tổng số 5 đội nhì ở 5 bảng đấu).
Ngôi đầu bảng gần như không thể với đội nữ Việt Nam, bởi Nhật Bản quá mạnh. Đội bóng này gây tiếng vang ở World Cup 2023 khi đè bẹp Tây Ban Nha 4 bàn không gỡ để chiếm ngôi đầu bảng, sau đó đánh bại cựu vô địch thế giới Na Uy để giành vé vào tứ kết. Nhưng 2 đội bóng còn lại đều không phải đối thủ quá khó. Đội tuyển Việt Nam từng thắng Nepal ở vòng loại thứ nhất Olympic Paris 2024, lần lượt với tỷ số 5 - 1 và 2 - 0 trên sân khách.
Tham vọng của nữ Việt Nam năm nay là tái lặp thành tích lọt vào bán kết ASIAD 17 (năm 2014). Năm đó, bóng đá nữ Việt Nam chìm trong thất vọng sau khi thất bại trước Thái Lan ở trận tranh suất tham dự World Cup 2015. Đội tuyển nữ Việt Nam sau đó có nhiều biến động với sự ra đi của huấn luyện viên người Trung Quốc Trần Vân Phát. Nhưng chỉ trong thời gian ngắn ngồi ghế nóng, bằng kinh nghiệm và chiến thuật hợp lý, huấn luyện viên Mai Đức Chung đã tạo dấu ấn lịch sử khi đưa đội tuyển nữ Việt Nam vào tới tận trận bán kết của kỳ đại hội thể thao lớn nhất châu Á.
Sau ASIAD 19, đội tuyển nữ Việt Nam sẽ thi đấu vòng loại thứ hai Olympic Paris 2024 vào cuối năm nay, diễn ra tại Uzbekistan từ ngày 23/10 đến 1/11. Kết quả bốc thăm đã đưa thầy trò huấn luyện viên Mai Đức Chung vào bảng C, với sự hiện diện của Nhật Bản, Uzbekistan và Ấn Độ. Để lọt vào vòng loại ba, đội tuyển nữ Việt Nam phải giành ngôi đầu bảng, hoặc là đội nhì bảng xuất sắc nhất trong số 3 đội nhì bảng ở vòng loại này.
3 đội bóng nhất bảng cùng đội nhì bảng xuất sắc nhất sẽ lọt tiếp vào vòng ba. Ở vòng này, 4 đội bóng được chia thành 2 cặp đấu với thể thức lượt đi - lượt về để chọn ra 2 đại diện châu Á góp mặt tại Olympic Paris. Với những đội bóng rất mạnh như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc hay Australia, cơ hội để đội tuyển nữ Việt Nam dự Olympic còn khó hơn là dự World Cup bởi số suất hạn chế.
Tuy nhiên, điều huấn luyện viên Mai Đức Chung đề cao nhất lúc này là tiếp tục trẻ hóa lực lượng. Ở World Cup 2023, trung vệ trẻ Thu Thương (sinh năm 2000) đá chính đủ 3 trận, là trụ cột trong hàng phòng ngự 5 người. Tiền vệ Hải Linh (sinh năm 2001) đá chính 2 trận, vào sân từ ghế dự bị 1 trận. Tiền vệ Nguyễn Thị Thanh Nhã (sinh năm 2001) đá chính 2 trận, chơi trọn vẹn 180 phút. Nếu cô không bị ốm có lẽ sẽ đá chính cả 3 trận vòng bảng.
Một số cầu thủ sinh năm 2000, 2001 được đưa lên tuyển đã trưởng thành và đang đóng vai trò quan trọng ở SEA Games 31, 32, World Cup 2023. Ngoài ra, ông Chung có nhiều lựa chọn tiềm năng, đặc biệt ở đội U20 Việt Nam vừa giành vé dự vòng chung kết U20 châu Á 2024.
Thế nên, ở ASIAD 19 và vòng loại Olympic Paris 2024, nhiều khả năng đội tuyển nữ Việt Nam ra sân với nhiều cầu thủ trẻ. Đây được coi là bước đi cần thiết cho đường dài, tránh nguy cơ tỏa sáng một lần với kỳ tích World Cup rồi chìm trong khủng hoảng lực lượng.
Liên đoàn Bóng đá thế giới quy định, mỗi cầu thủ của 16 đội bóng dừng bước ở vòng bảng nhận 30 nghìn USD. 8 đội dừng bước ở vòng 1/8, mỗi cầu thủ nhận 60 nghìn USD. Tương tự là 90 nghìn USD cho tứ kết, hạng tư là 165 nghìn USD, hạng ba là 180 nghìn USD, á quân là 195 nghìn USD và đội vô địch là 270 nghìn USD.
16 Liên đoàn Bóng đá quốc gia nhận 1.560.000 USD/liên đoàn khi đội tuyển quốc gia dừng bước ở vòng bảng. Như vậy, bóng đá nữ Việt Nam nhận khoản tiền lên đến 2.250.000 USD, tương đương 52 tỷ đồng.
Cụ thể, 23 cầu thủ nhận 690 nghìn USD, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam nhận 1.560.000 USD. Ngoài ra, thầy trò huấn luyện viên Mai Đức Chung nhận thêm 1,8 tỷ đồng từ Liên đoàn Bóng đá Việt Nam. Cụ thể, trận thua Mỹ được thưởng 800 triệu đồng, hai trận thua Bồ Đào Nha và Hà Lan, mỗi trận được thưởng 500 triệu đồng.