WMA phản đối Hàn Quốc tăng tuyển sinh trường y

GD&TĐ - Hiện nay, tổng chỉ tiêu hàng năm của các trường y Hàn Quốc là 3.058 suất và được giới hạn từ năm 2006.

Các bác sĩ Hàn Quốc đình công phản đối chính phủ tăng chỉ tiêu trường y.
Các bác sĩ Hàn Quốc đình công phản đối chính phủ tăng chỉ tiêu trường y.

Theo TS Lujain Al-Qodmani, quyết định của Chính phủ Hàn Quốc bổ sung 2.000 chỉ tiêu trong tuyển sinh trường y không phải giải pháp nhằm giảm bớt nhu cầu trước mắt của lĩnh vực y tế.

Tờ báo Hàn Quốc The Korea Herald mới đây đã phỏng vấn độc quyền bà Lujain Al-Qodmani, Chủ tịch Hiệp hội Y khoa thế giới (WMA), về việc Chính phủ Hàn Quốc tăng chỉ tiêu tuyển sinh trường y thêm 2.000 suất.

Nhìn chung, người đứng đầu WMA đánh giá quyết định của chính phủ chưa cân nhắc đến sự phức tạp của hệ thống giáo dục y tế và dịch vụ chăm sóc sức khỏe, cũng như những rủi ro mà quyết định này mang lại.

Bà Al-Qodmani lưu ý chính phủ đã tăng chỉ tiêu tuyển sinh trường y lên hơn 60% trong vòng một năm nhưng chưa đàm phán kỹ lưỡng với các bên liên quan như Hiệp hội Y khoa Hàn Quốc, tổ chức bác sĩ lớn nhất cả nước với khoảng 140 nghìn thành viên.

“WMA bày tỏ sự dè dặt đối với quyết định của chính phủ về việc tăng chỉ tiêu mà không có bằng chứng rõ ràng để giải thích cho động thái trên”, người đứng đầu WMA nhấn mạnh.

Theo chuyên gia này, Chính phủ Hàn Quốc tin rằng nếu ngành y có thêm lực lượng lao động sẽ mở rộng phạm vi tiếp cận của các dịch vụ y tế ở khu vực nông thôn; đồng thời cứu vãn cuộc khủng hoảng nhân sự trong các lĩnh vực thiết yếu.

Nhưng bà Al-Qodmani phân tích: “Chỉ kế hoạch này thôi thì khó có thể giải quyết hiệu quả tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực và thiếu hụt y tế trong các lĩnh vực thiết yếu như nhi khoa và phẫu thuật”.

Thay vào đó, cần đưa ra những khuyến khích phù hợp và thúc đẩy môi trường làm việc an toàn, xứng đáng cho bác sĩ. Điều này là nguồn động viên dành cho đội ngũ nhân viên y tế. Do đó, theo bà Al-Qodmani, Chính phủ Hàn Quốc nên áp dụng cách tiếp cận hợp tác và hòa bình hơn trong việc giải quyết mối lo lắng của bác sĩ, những người đã và đang ủng hộ việc cải thiện hệ thống chăm sóc sức khỏe.

Bên cạnh đó, một vấn đề được chuyên gia Al-Qodmani chỉ ra là trường học chưa sẵn sàng tăng số lượng sinh viên y khoa. Bà chỉ ra tình trạng thiếu giảng viên và nguồn lực đào tạo y khoa là “những vấn đề quan trọng” ảnh hưởng đến đào tạo sinh viên trong tương lai.

Hiện nay, tổng chỉ tiêu hàng năm của các trường y Hàn Quốc là 3.058 suất và được giới hạn từ năm 2006. Bất chấp sự phản đối gay gắt của dư luận, 40 trường y đã cùng nhau yêu cầu tăng chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm lên 3.401 suất từ năm 2025.

Nhưng với số lượng sinh viên đông, nhu cầu giáo viên có trình độ sẽ tăng lên, có khả năng làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt giảng viên hiện có và ảnh hưởng đến tỷ lệ sinh viên - giáo viên. Điều này có thể dẫn đến giảm sút chất lượng đào tạo, cản trở sinh viên được thực hành để trở thành bác sĩ giỏi.

Theo bà Al-Qodmani, Chính phủ Hàn Quốc nên tổ chức đối thoại với các bên liên quan như Hiệp hội Y khoa Hàn Quốc để tìm kiếm giải pháp phù hợp với 2 bên. Nếu không có hợp tác, căng thẳng sẽ kéo dài và ảnh hưởng xấu đến hệ thống chăm sóc sức khỏe cũng như phúc lợi của người dân Hàn Quốc.

Theo dữ liệu vào tháng 11/2023 của Bộ Y tế Hàn Quốc, có hơn 11.500 giảng viên toàn thời gian tại 40 trường y. Tổng số sinh viên là hơn 18 nghìn em. Tỷ lệ giảng viên trên sinh viên là 1:1,6, một tỷ lệ không quá cao. Tuy nhiên, cần lưu ý giảng viên trường y là bác sĩ nên họ vốn đã quá tải bởi khối lượng công việc. Do đó, việc họ phản đối đề xuất trên là chính đáng.

Theo Korea Herald

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỷ lệ sinh tại Nam Á bắt đầu giảm.

Phụ nữ Nam Á ngại… sinh con

GD&TĐ - Ngày càng nhiều phụ nữ tại Nam Á không muốn sinh con vì những lý do như tài chính, trách nhiệm gia đình, thậm chí là lo sợ về ngày 'tận thế'.