Theo số liệu chính thức, đảng cầm quyền Giấc mơ Georgia (Georgian Dream) đã nhận được gần 54% số phiếu bầu, trong khi nhiều đảng đối lập khác nhận được từ 11% đến 3%.
Chiến thắng này dự kiến sẽ mang lại cho Georgian Dream ít nhất 90 ghế trong quốc hội gồm 150 thành viên. Điều này sẽ cho phép đảng này thành lập chính phủ tiếp theo vì cần có đa số 76 ghế để bầu thủ tướng và nội các.
Bốn đảng đối lập thân phương Tây đã từ chối công nhận kết quả của cuộc bầu cử, và tuyên bố sẽ không tham gia vào công việc của cơ quan lập pháp mới.
Tổng thống Georgia Salome Zourabichvili cũng không công nhận kết quả và kêu gọi biểu tình.
Một cuộc biểu tình lớn đã được tổ chức bên ngoài tòa nhà quốc hội Tbilisi vào tối 28/10.
Trong một cuộc họp báo vào ngày 28/10, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller lập luận rằng, cuộc bầu cử được tổ chức trong một "môi trường được định hình bởi các chính sách của đảng cầm quyền bao gồm việc sử dụng sai mục đích các nguồn lực công, mua phiếu bầu và đe dọa cử tri".
"Chúng tôi khuyến khích các quan chức chính phủ Georgia xem xét mối quan hệ mà họ muốn với cộng đồng Euro-Atlantic thay vì củng cố các chính sách được những người theo chủ nghĩa độc tài ca ngợi", ông Miller nói.
"Chúng tôi không loại trừ những hậu quả tiếp theo nếu định hướng của chính phủ Georgia không thay đổi", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cảnh báo, đồng thời thúc giục Tbilisi bắt đầu "rút lại và bãi bỏ luật chống dân chủ".
Trước đó cùng ngày, 13 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã ra tuyên bố, bày tỏ "mối quan ngại sâu sắc về tình hình hiện tại ở Georgia", và yêu cầu "một cuộc điều tra công bằng về các khiếu nại và khắc phục các hành vi vi phạm đã được xác lập".
Các chính phủ phương Tây đã cáo buộc Georgia thoái lui về dân chủ, và cảnh báo rằng, các chính sách gần đây của Tbilisi có thể cản trở nguyện vọng gia nhập EU của nước này.
Năm 2024, quốc hội Georgia đã thông qua các luật gây tranh cãi cho phép dán nhãn các tổ chức phi chính phủ là "tác nhân nước ngoài" và cấm "tuyên truyền" về LGBT cho trẻ vị thành niên, cả hai đều gây ra các cuộc biểu tình.
Chính phủ Georgia đã nhấn mạnh rằng, họ muốn cuối cùng gia nhập EU nhưng theo các điều khoản của riêng mình.
Thủ tướng Georgia Irakli Kobakhidze lập luận rằng, các luật này được thiết kế để đảm bảo chủ quyền của đất nước và lợi ích của người dân.
"Phe đối lập không thể vượt qua thất bại của họ trong cuộc bầu cử", Thủ tướng Georgia nhấn mạnh, cáo buộc những người đối lập của ông phá hoại luật.
"Không ai có thể phá hoại hệ thống hiến pháp của đất nước chúng ta", ông Kobakhidze khẳng định.