Vượt vũ môn bằng nghị lực thép

Vượt vũ môn bằng nghị lực thép

(GD&TĐ) - Vượt lên số phận, với tinh thần ham học hỏi và cầu tiến, một số thí sinh đặc biệt của kỳ thi đại học năm nay đã tạo nên những hình ảnh đẹp về khát vọng chinh phục tri thức bằng ý chí, nghị lực và tinh thần thép.

CÔ BÉ XƯƠNG THỦY TINH MƠ LÀM HỌA SỸ

Cô học trò Võ Thị Thanh Thảo cùng mẹ tại khu ký túc xá Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng)
Cô học trò Võ Thị Thanh Thảo cùng mẹ tại KTX Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng)

Chỉ cao gần 1 mét, lại mang căn bệnh xương thủy tinh quái ác, nhưng cô học trò Võ Thị Thanh Thảo (quê tỉnh Kon Tum) với nghị lực phi thường vượt qua 12 năm học phổ thông, tự tin bước vào kỳ thi đại học, để thực hiện ước mơi trở thành một họa sĩ.

Trong căn phòng sạch sẽ, thoáng mát của khu ký túc xã Trường Đh Bách khoa (ĐH Đà Nẵng), chị Trần Thị Liên (42 tuổi, quê ở Kon Tum) và con gái Võ Thị Thanh Thảo vừa mới tranh thủ nghỉ ngơi sau buổi thi môn Toán chuẩn bị sức lực và tâm lý cho buổi thi môn Hóa.

Chị Trần Thị Liên bày tỏ: “Do sức khỏe của cháu không được như chúng bạn bình thường, việc đi lại của cháu cũng gặp rất nhiều khó khăn. Đi cùng cháu xuống đây dự thi nhưng tôi cảm thấy lo lắm, mong sao hai mẹ con đảm bảo được sức khỏe trong suốt kỳ thi này”.

Nói về chuyện đi thi của mình, Võ Thị Thanh Thảo bộc bạch: “Em dự thi vào ngành Kiến trúc của Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) với mong muốn sau này trở thành một họa sĩ, bởi ngành này không chỉ phù hợp với sức khỏe của em mà còn là niềm yêu thích, đam mê từ nhỏ của em”.

Sinh ra trong một gia đình nghèo khó, ngoài bản thân Võ Thị Thanh Thảo mang căn bệnh xương thủy tinh thì 2 em của Thảo và mẹ em cũng mắc phải căn bệnh quái ác này. Bởi vậy, hành trang đi thi của Võ Thị Thanh Thảo cùng mẹ chỉ đôi ba bộ áo quần cũ, vài tờ giấy vẽ A3, hai ba ngòi bút…và đôi dép trệt sờn quai.

Chị Trần Thị Liên tâm sự: Chị bị bệnh xương thủy tinh từ nhỏ nên sau khi lập gia đình sinh được 3 người con thì tất cả đều bị di truyền. Cả 4 mẹ con đều có chiều cao chỉ gần 1m.  Do chị bị bệnh tật nên tất cả thu nhập đều dựa vào nghề phụ hồ của chồng nên rất bấp bênh, gia cảnh hết sức khó khăn.

Trước ngày lên đường đi thi, hai mẹ con chị Liên được bà con thương tình cho ít tiền làm lộ phí đón xe từ Kon Tum về Đà Nẵng dự thi. Vừa xuống bến xe Trung tâm thành phố Đà Nẵng, hai mẹ con chị được các tình nguyện viên hướng dẫn, giúp đỡ đưa về khu ký túc xá của Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng để ở.

Tại đây, biết hoàn cảnh của hai mẹ con chị bị bệnh, lại thuộc diện hộ nghèo nên Ban quản lý KTX hết sức tạo điều kiện giúp đỡ, bố trí chỗ ở miễn phí.

Cảm động vì những tình cảm của mọi người dành cho hai mẹ con, chị Trần Thị Liên xúc động nói: “Lúc lên xe đưa con xuống Đà Nẵng dự thi hai mẹ con lo lắm vì chưa bao giờ đi xa cả, sợ “lạ nước, lạ cái” nếu xảy ra chuyện gì thì không biết xoay xở ra sao. Xuống đây được mọi người hết lòng giúp đỡ, hai mẹ con yên tâm hơn hẳn”. (Đại Thắng)

NỨT XƯƠNG CHÂN VẪN QUYẾT ĐẾN TRƯỜNG THI

b
Phạm Ngọc Nhất đang chống đôi nạn gỗ vào trường thi 

Hình ảnh cậu học trò có dáng cao gầy hai tay chống đôi nạn gỗ và nhấc chân từng bước vào Hội đồng thi trường THCS Lương Thế Vinh (TPCần Thơ) làm cho nhiều thí sinh, phụ huynh và cán bộ coi thi cảm động.

Đó là thí sinh Phạm Ngọc Nhất, nhà ở quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ, Nhất không may bị tai nạn giao thông, bị nứt xương chân khi chỉ còn 3 ngày nữa là đến kỳ thi ĐH. 

Mang đôi chân bó bột nặng nề, vẫn còn bị sưng tấy nên mọi việc di chuyển của Nhất hết sức khó khăn. Sáng nay, bước vào ngày thi đầu tiên, từ sáng sớm mẹ của Nhất thức dậy chuẩn bị mọi thứ đưa em đến trường thi. Dù bị đau nhưng em Nhất vẫn tỏ ra rất quyết tâm, em cho biết năm nay em thi vào ngành Kỹ thuật cơ khí trường ĐH Cần Thơ (khối A) và ngành Dược, Trường ĐH Y Dược Cần Thơ (khối B).  

Nhờ đôi nạng gỗ, nhấc từng bước nhẹ để vào trường thi nhưng Nhất vẫn cười tươi chia sẻ: “Đau nhưng em sẽ tập trung lo cho việc làm bài thi thật tốt, xong rồi có thể nghỉ ngơi và dưỡng thương. Bác sĩ nói em phải nghỉ dưỡng khoảng 4 tháng mới bình phục và hạn chế cử động, nhưng em vẫn quyết đi thi…”. (Quốc Ngữ)

HỌC TRÒ KHIẾM THỊ TỪ CHỐI ĐẶC CÁCH, QUYẾT THI ĐẠI HỌC

123
Thí sinh khiếm thị Võ Văn Nhật được mẹ dẫn đến làm thủ tục dự thi trong sáng ngày 3/7
Sau buổi làm thủ tục sáng 3/7, Hội đồng thi tại Trường ĐH Đông Á đã tiến hành sắp xếp, bố trí phòng thi riêng cho Võ Văn Nhật. Trong các buổi thi hôm nay và ngày mai (5/7), Hội đồng tuyển sinh sẽ bố trí giáo viên đọc đề thi và theo dõi chặt chẽ quá trình làm bài thi của Võ Văn Nhật như các thí sinh khác.

Tại buổi nhập phòng thi và làm thủ tục dự thi tại Hội đồng thi trường ĐH Đông Á, nhiều người đã tỏ ra bất ngờ khi chứng kiến có một thí sinh khiếm thị được mẹ và thầy giáo đưa đến dự thi. Đó là thí sinh Võ Văn Nhật (sinh năm 1995) học sinh khiếm thị Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng).

Với thành tích học tập xuất sắc và hoàn cảnh đặc biệt, Võ Văn Nhật thuộc đối tượng ưu tiên xét tuyển thẳng vào đại học. Tuy nhiên, muốn khẳng định nghị lực của bản thân, cậu học trò khiếm thị  đã “khước từ” nộp đơn xét tuyển thẳng vào ĐH Đà Nẵng để “đọ sức” với những thí sinh bình thường khác. Võ Văn Nhật đăng kí dự thi khối A, vào ngành Quản trị kinh doanh tổng hợp, Trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng). 
Bà Nguyễn Thị Anh  - mẹ của thí sinh Võ Văn Nhật - cho biết: “Nhật là con trai đầu lòng, lúc sinh ra có đôi mắt bình thường nhưng bị mù từ năm lên 2 tuổi. Lúc đó, gia cảnh nghèo khó nhưng chúng tôi vẫn đưa Nhật đi khắp các bệnh viện trong cả nước tìm cách cứu chữa, tuy nhiên không có nơi nào chữa khỏi”. 
Để con không bị thiệt thòi so với những đứa trẻ khác, gia đình đã cho cậu học chữ nổi. Võ Văn Nhật nó rất ham học và sáng dạ. “Ngoài việc học kiến thức văn hóa, Võ Văn Nhật còn tự học đánh đàn organ, đến nay có thể đệm đàn rất hay” - mẹ của em tự hào nói.
Trong suốt 3 năm học THPT tại Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, Nhật luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi và đứng đầu lớp. Đặc biệt, Nhật rất có năng khiếu về các môn Toán, Lý, Hóa.  Năm 2013, Nhật đã xuất sắc đạt giải 3 môn Hóa trong kì thi học sinh giỏi của TP Đà Nẵng. 
Thầy Nguyễn Duy Quy - giáo viên Trường phổ thông chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu - cho hay: “Em rất thích học 3 môn đó và tiếp thu rất nhanh. Ở trường, Nhật cũng rất nhiệt tình giúp đỡ các bạn khác học tập nên được bạn bè quý mến. Trong đợt đăng ký hồ sơ vừa rồi, Nhật thuộc diện xét đặc cách nhưng em không đồng ý mà tự mình đi thi để chứng tỏ khả năng”.
Em Võ Văn Nhật có ước mơ đỗ đại học bằng thực học của mình, phấn đấu học tập và rèn luyện thật tốt trong môi trường đại học để thành lập được một doanh nghiệp, có cơ hội giúp đỡ, tạo công ăn việc làm cho những người có chung hoàn cảnh với mình. (Đại Thắng)
GIÁM THỊ CÕNG THÍ SINH VÀO PHÒNG THI
123
Giám thị cõng thí sinh K"Hoàng lên phòng thi
Sáng nay (4/7), do không thể tự đi lại bằng đôi chân của mình, thí sinh K’Hoàng (23 tuổi), dân tộc K’Ho, sống tại xã Phan Sơn, huyện Bắc Bình (BìnhThuận) đã được các giám thị cõng từ tầng trệt lên phòng thi ở tầng 3 của khu giảng đường A27 Trường Đại học Đà Lạt.
K’ Hoàng là thí sinh có hoàn cảnh đặc biệt dự thi vào khoa Công nghệ thông tin Trường Đại học Đà Lạt. 
Khi vừa chào đời, K’Hoàng vốn là một cậu bé khỏe mạnh, tròn trĩnh. Thế nhưng, năm lên 2 tuổi, bị một trận sốt kéo dài nhiều ngày, đôi chân của K’Hoàng yếu dần rồi không thể cử động được nữa. Kể từ đó, K’ Hoàng trở thành người tàn tật, không thể tự mình đi lại. Gia đình đã đưa K’ Hoàng đi nhiều nơi chữa trị nhưng không đem lại kết quả.
Không chịu đầu hàng số phận, năm 11 tuổi, K’ Hoàng đòi cha mẹ cho đến trường học. Đối với K’ Hoàng, để có ngày dự thi vào Trường Đại học Đà Lạt hôm nay là cả một quá trình nỗ lực không ngừng suốt 12 năm qua. Bất kể nắng hay mưa, hằng ngày K’ Hoàng vẫn đều đặn lăn xe tới trường đi tìm con chữ. Kể từ năm học cấp 3, K’Hoàng đã ở trọ trên thị trấn theo học, mọi sinh hoạt hằng ngày đều do em tự lập. 
Mong muốn lớn nhất của K’ Hoàng là trở thành một kỹ sư công nghệ thông tin. Tin rằng với nghị lực và quyết tâm của mình, ước mơ của chàng trai tật nguyền người K’Ho sẽ sớm thành hiện thực. (Quang Ngọc)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Truyện ngắn: Mở trái tim yêu

GD&TĐ - Hạnh phúc của người đàn bà chính là có người đàn ông để nương tựa, nhưng Hiền thấy, đàn ông chỉ đem đến sự khổ đau...