Vượt qua thương tật, truyền cảm hứng “gặt vàng” cho học trò quê lúa

GD&TĐ - Sau khi làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia, anh Trần Thế Hùng rời quân ngũ với thương tật 60%.

Anh Trần Thế Hùng cùng đội Đá cầu TP Mỹ Tho (Tiền Giang).
Anh Trần Thế Hùng cùng đội Đá cầu TP Mỹ Tho (Tiền Giang).

Về địa phương làm bảo vệ trường học, anh đã truyền cảm hứng cho các em môn đá cầu. Nhiều năm liền học sinh do anh huấn luyện đoạt giải vàng.

Huấn luyện viên bất đắc dĩ

Anh Trần Thế Hùng là bảo vệ Trường THCS Học Lạc, kiêm Huấn luyện viên môn Đá cầu học sinh TP Mỹ Tho (Tiền Giang). Qua 4 kỳ Hội khỏe Phù Đổng và các kỳ Đại hội Thể dục thể thao cấp tỉnh hơn 20 năm qua, bộ môn Đá cầu TP Mỹ Tho luôn khẳng định vị thế đứng đầu tỉnh Tiền Giang. Đặc biệt, trong Hội khỏe Phù Đổng lần thứ X vừa qua, TP Mỹ Tho đoạt toàn bộ Huy chương Vàng các nội dung của bộ môn Đá cầu.

Đóng góp vào thành tích vàng này là sự nhiệt huyết, tận tâm của anh Trần Thế Hùng. Là thương binh, khi rời quân ngũ, năm 1987 anh xin vào làm bảo vệ Trường THCS Học Lạc. Năm 1989 anh được biên chế vào ngành Giáo dục. Không nhà cửa, anh tạm tá túc tại trường.

Khó khăn chồng chất khó khăn, nhưng với bản tính của người lính bộ đội Cụ Hồ, anh Hùng bắt đầu làm thêm một số công việc như sửa chữa bàn ghế cho trường, giữ xe, trồng hoa lan, chăm sóc cây kiểng thuê…

Ngoài giờ làm việc, anh Hùng thường xuyên rèn luyện sức khỏe bằng việc luyện tập thể dục, thể thao. Mỗi ngày, anh dành khoảng 1 giờ đồng hồ để luyện tập thể thao cùng học sinh, bạn bè. Một trong những môn anh thường xuyên luyện tập là đá cầu. Trong trường, thấy các em học sinh chơi đá cầu, anh dừng lại xem và chỉ dẫn các em thêm.

Nhận thấy bộ môn này không đòi hỏi nhiều về điều kiện, chỉ cần đôi giày, khoảng sân nho nhỏ là đủ để chơi. Anh lập đội đá cầu cho học sinh yêu thích bộ môn này tại Trường THCS Học Lạc. Góc sân trường Học Lạc những năm ấy vào những buổi chiều tan học hay những ngày nghỉ luôn rộn ràng những tiếng nói cười của học sinh tham gia tập đá cầu.

Tiếng lành đồn xa, nhiều học sinh Mỹ Tho cũng kéo đến đây để học hỏi và giao lưu đá cầu. Thấy các em yêu thích bộ môn này và bộ môn được tranh tài ở Hội khỏe Phù Đổng, anh Hùng tự tìm các tài liệu, học hỏi các “cao thủ” để biết cách huấn luyện và hướng dẫn các em kỹ thuật đá cầu… Cách đây hơn 20 năm, lần đầu đội đá cầu của Trường THCS Học Lạc giành kết quả cao trong các kỳ Hội khỏe Phù Đổng TP Mỹ Tho.

Phòng GD&ĐT TP Mỹ Tho mạnh dạn giao cho anh Hùng huấn luyện môn Đá cầu cho TP Mỹ Tho. Từ đó đội tuyển TP Mỹ Tho tham dự các kỳ Hội khỏe Phù Đổng tỉnh (4 năm/lần) và các kỳ Đại hội Thể dục thể thao cấp tỉnh (5 năm/lần) đều dẫn đầu. Thế là từ năm 2006, bảo vệ Trần Thế Hùng có thêm nhiệm vụ mới: Huấn luyện viên đá cầu.

Tạo sân chơi, rèn kỹ năng sống cho HS

Chứng kiến đội đá cầu TP Mỹ Tho tham gia thi đấu, người xem bị thu hút bởi những cú bay người, móc ngược trái cầu hay những pha tấn công tung người đạp cầu khiến đối phương rất khó đỡ…

Anh Hùng cho biết, tất cả những động tác đó không quá khó. Sở dĩ các em thực hiện được là do luyện tập thường xuyên và bản thân cũng có một ít năng khiếu. Lứa tuổi thích hợp phải ít nhất từ lớp 6, 7 trở lên.

“Đá cầu khá đơn giản, mọi người chỉ cần rèn luyện một thời gian là có thể biến đá cầu thành thú vui để rèn luyện sức khỏe. Tuy nhiên để có thể đá cầu và thi đấu đạt trình độ, cần phải có niềm đam mê, không ngừng học hỏi, rèn luyện. Ngoài ra, tố chất cũng là một điểm cộng. Mỗi người đều có sở trường đá cầu riêng vì thế người huấn luyện cần biết để phát huy sở trường của từng cá nhân”, anh Hùng cho biết.

Anh Hùng và một số người yêu thích bộ môn còn lập ra Câu lạc bộ Đá cầu. Câu lạc bộ quy tụ đa số học sinh yêu thích đá cầu. Hàng tháng vào Chủ nhật hay những ngày nghỉ lễ, anh thường tổ chức thi đấu giao hữu với các câu lạc bộ đá cầu trong và ngoài tỉnh. Đối với anh, luyện tập thể thao nhằm có nhiều sức khỏe để học tốt hơn. Anh thường nhắc nhở các em không vì mê đá cầu mà sao lãng việc học.

Phải cố gắng học để có nghề nghiệp ổn định nuôi sống bản thân... Em Huỳnh Hữu Trí, thành viên của đội đá cầu cho biết: “Em không sao quên được những buổi tập đá cầu ướt đẫm mồ hôi cùng thầy Hùng và các bạn. Chúng em được thầy hướng dẫn rất tận tình, thỉnh thoảng còn được bồi dưỡng bằng những bữa ăn nhẹ”.

Theo ông Quách Thanh Văn, phụ trách mảng Giáo dục thể chất (Phòng GD&ĐT TP Mỹ Tho), anh Hùng huấn luyện các em năm nào cũng mang thành tích cao cho TP Mỹ Tho nói riêng và tỉnh Tiền Giang nói chung. Đặc biệt, các em không chỉ trình diễn kỹ thuật tốt còn rất ấn tượng khiến đối thủ phải nể phục.

Thầy Nguyễn Thái Phước, Hiệu trưởng Trường THCS Học Lạc cho biết thêm: “Anh Hùng không chỉ làm tốt công việc bảo vệ ở trường, huấn luyện đá cầu đem về thành tích cho đội tuyển học sinh của TP Mỹ Tho mà còn huấn luyện bóng chuyền hơi cho giáo viên nữ. Làm gì anh cũng đặt hết tâm huyết. Nhờ đó mà các học sinh nhà trường có sân chơi bổ ích, rèn kỹ năng sống cần thiết…”.

Với những nỗ lực của bản thân, anh Trần Thế Hùng được tặng thưởng nhiều giấy khen về huấn luyện thể thao, bảo vệ an ninh trật tự. Anh được tặng 4 Kỷ niệm chương: Cựu chiến binh, Vì sự nghiệp Giáo dục, vì An ninh Tổ quốc, Vì sự nghiệp Thể thao.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.