Tuy nhiên các bậc phụ huynh lại quên rằng trang bị cho trẻ kĩ năng sống, một tâm lý sức khỏe tốt mới thực sự cần thiết và quan trọng hơn mang tới những áp lực học tập.
Đọc, viết… không thể thay tất cả
Trong khi nhiều đồng nghiệp ở cơ quan chỉ lo cho con học đọc, viết trước chương trình nhưng khi vào năm học đầu cấp các bé vẫn loay hoay, thiếu tự tin hòa nhập. Chị Mai Hồng (Ba Đình, Hà Nội) lại nghĩ nếu không thông thạo những kỹ năng sống cơ bản như tự đi vệ sinh, rửa tay trước khi ăn, tự chăm sóc bản thân, tự bảo vệ mình, tự lập trong suy nghĩ và hành động… thì trẻ sẽ khó mà hòa đồng, thân thiện, chủ động với môi trường học tập mới.
Chính vì vậy, việc dạy cho con những kĩ năng cần thiết quan trọng hơn cả. Bên cạnh việc tự dạy kỹ năng sống cho con, chị còn cho bé tham gia khóa học kỹ năng sống tại các trung tâm. Con chị tỏ ra rất hứng thú vì cháu được vui chơi, trò chuyện với các bạn cùng độ tuổi. Trải nghiệm và học hỏi thông qua các tình huống thực tế, các chương trình dã ngoại, hoạt động ngoại khóa. Khóa học kỹ năng sống chỉ kéo dài trong vòng 2 - 3 tuần nhưng cũng đủ giúp con chị vững vàng, tự tin bước vào chặng đường mới.
Nhiều nguyên nhân được cha mẹ đưa ra để bắt con học chương trình lớp 1 trước khi bước vào năm học mới. Thế nhưng ít người hiểu hết lợi ích hay thiệt hại mà con trẻ phải gánh chịu từ quyết định thiếu khoa học này.
Không cho trẻ học trước từ lâu đã được ngành Giáo dục khẳng định và khuyến cáo tới các bậc phụ huynh. Khi học trước vô hình trung gia đình, bố mẹ đã đặt lên vai con áp lực học tập không đáng có.
Mặt khác, trẻ bắt đầu học lớp 1 là thời điểm bước vào tuổi thứ 6, như vậy quy định này của ngành Giáo dục đã có sự nghiên cứu khoa học, căn cứ vào sự phát triển tâm sinh lý, khả năng tiếp nhận kiến thức… Chính vì vậy, khi trẻ 5 tuổi đã tiếp cận với học như trẻ 6 tuổi sẽ gây ra những hiệu ứng ngược, ảnh hưởng tới quá trình hình thành và phát triển của trẻ.
Đáng nói, khi chính thức đi học trẻ tiếp xúc lại những bài học đã học qua sẽ gây ra tâm lý chủ quan biết rồi và hạn chế tới hứng thú học tập, tập trung. Học trước cũng có thể ảnh hưởng tới sự sáng tạo, tư duy trong quá trình học lại, và không loại trừ cảm thấy thiếu tự tin khi không được khen vì viết đẹp, làm toán nhanh… Từ những yếu tố đó, nhiều học sinh dễ rơi vào tình trạng chán học, không có hứng thú với việc tới trường lớp và học lại những điều đã biết.
Để trẻ nhanh chóng hòa nhập với học tập
Tự tin bước vào năm học mới. Ảnh: Thanh Long |
Chương trình tiểu học không hề nặng, không đòi hỏi vượt sức của trẻ. Kết thúc lớp 1 mới yêu cầu trẻ biết đọc, biết viết, biết làm tính chứ không phải là trước khi vào lớp 1 như phụ huynh lo lắng. Cùng đó, hầu hết học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày, sẽ tạo điều kiện thuận lợi về thời gian cho giáo viên kèm cặp, uốn nắn học sinh. Điều quan trọng của học sinh lớp Một là đạt chuẩn kiến thức kỹ năng và các năng lực cần thiết. Cụ thể, học sinh biết hòa đồng với bạn bè cùng lớp, giao tiếp với bạn bè, thầy cô, thực hiện những yêu cầu, nề nếp của nhà trường và giáo viên… Như vậy việc học trước không cần thiết.
Trẻ từ bậc mầm non chuẩn lên lớp 1 sẽ có sự chuyển biến lớn từ mặt tâm lý đến thể chất. Phần lớn những phản ứng của trẻ khi bước vào lớp 1 do thay đổi môi trường, cô giáo mới, cách học mới, bạn bè mới. Trẻ thường có tâm lý bỡ ngỡ, rụt rè, khó ngồi im lặng, lắng nghe cô giảng bài…
Chính vì vậy, bên cạnh rèn luyện các kĩ năng thích nghi cơ bản ở trường lớp mới, cha mẹ cần giúp trẻ rèn luyện khả năng nắm bắt kiến thức từ thầy cô, tự làm, tự học… đồng thời nên có thời gian ngồi học ít nhất là 30 phút/ngày. Tuy nhiên, tránh tạo ra những áp lực không cần thiết. Trong trường hợp nhận thấy trẻ tỏ ra bị ức chế, không thích nghi kịp chuyển biến cần có giải pháp phù hợp.
Chuẩn bị tốt các bước sức khỏe, tâm lý, kĩ năng sống… cho trẻ vào lớp 1 là cần thiết nhất. Làm tốt vấn đề này sẽ giúp trẻ chuyển tiếp giai đoạn thành công. Khi trẻ không bị xáo trộn về tâm lý, khả năng học tập, giao tiếp, nếp sinh hoạt, ăn ở… thì việc hòa nhập thầy cô, môi trường mới không khó khăn và việc học tập sẽ đạt hiệu quả cao.