Con giả vờ đau bụng vì sợ đi học lớp 1

GD&TĐ - 2 ngày hôm nay, vì sợ đi học lớp 1 nên vào buổi sáng, bé Bông (con chị Đặng Thùy Anh, ở Kim Liên, Hà Nội) luôn ôm bụng kêu đau và nằng nặc không muốn đến lớp.

Con giả vờ đau bụng vì sợ đi học lớp 1

Chị Thùy Anh bối rối không biết làm thế nào khi 2 ngày hôm nay, đến giờ chuẩn bị đi học thì bé Bông lại ôm bụng kêu đau. Tưởng con lạnh bụng, chị lấy dầu xoa cho con. Đưa con đến cổng trường, bé Bông lại ôm bụng kêu đau và đòi mẹ đưa về.

Lo con có chuyện gì nên chị Thùy Anh quyết định đưa con về để bà nội trông. Từ lúc về nhà, bé Bông chơi đùa bình thường và quên hẳn cơn đau bụng trước đó.

con-chuan-bi-vao-lop-1.jpg
Thay đổi môi trường từ chơi sang học khiến nhiều trẻ sợ đi học lớp 1. Ảnh minh họa

Sáng nay, khi chuẩn bị đi học, bé Bông lại ôm bụng kêu đau. Để ý thấy mức độ đau của con không quá nặng nên chị Thùy Anh vẫn quyết định đưa con đến lớp dù con nằng nặc đòi ở nhà. Mang con đến lớp, chị Thùy Anh không quên nhờ cô giáo để ý đến con. Khi đón con về, cô giáo cho biết, bé Bông học bình thường và không có dấu hiệu gì đau bụng.

Việc giở “chiêu trò” để không phải đến lớp được không ít trẻ bắt đầu bước vào lớp 1 sử dụng. Bởi, đang quen với môi trường mầm non, nơi các con chủ yếu được vui chơi, được cô giáo dỗ dành, cưng nựng, thế nhưng, bước vào lớp 1, các con phải học bài. Hết tập đọc rồi đến viết chữ, lại phải ngồi ngay ngắn một chỗ, cô giáo lại nghiêm khắc… Sự thay đổi chóng mặt này khiến không ít trẻ “sốc”. Có một số trẻ sợ đi học từ ngay những ngày đi học đầu tiên nhưng có những trẻ sợ đi học sau vài tuần nhập học.

Trẻ sẽ có những biểu hiện như không còn tích cực chuẩn bị bài vở, không chịu làm bài ở nhà, không đưa vở bài tập về nhà cho bố mẹ xem, tìm cách nằm nán lại trên giường, cố tình trì hoãn để đi học trễ, giả vờ đau bụng, nhức đầu, nôn ói... để từ chối đi học.

Chị Ngô Thị Việt Anh (quận Đống Đa, Hà Nội) kể, sau vài buổi làm quen với lớp 1, con trai chị nước mắt lưng tròng về gào thét với mẹ: Con nghĩ rồi, con không cần đi làm kiếm tiền. Sau này, con kiếm cái lọ, con đứng đấy, người ta khắc cho tiền vào, đi học thế này thì khốn khổ quá… Con đi học chữ toàn phải nói mỏi mồm, con không ngủ được. Con ghét ăn uống, con cực kỳ mệt mỏi, con không muốn đi học nữa…

_dsc6998.JPG
Cha mẹ cần dạy con cách ứng xử từng bước một để con có đủ sức “đề kháng” với sự nghiêm khắc của giáo viên. Ảnh minh họa: T.H

Theo chuyên gia tâm lý Lê Khanh, chuyên khoa tâm lý lâm sàng trẻ em, trong trường hợp này, cha mẹ cần phải xem xét kỹ các nguyên nhân khiến trẻ không muốn đi học, chứ không nên la mắng vì tội giả bộ đau để trốn học của trẻ hay buộc trẻ phải đi học trong tình trạng đau bụng, nhức đầu thực sự.

Chuyên gia tâm lý Phạm Hiền (Học viện Nghiên cứu và Phát triển năng lực tư duy Wedo - wegood) tư vấn, cha mẹ nên chuẩn bị tâm lý cho con biết trước về áp lực của cô giáo. Nhiều cha mẹ cho rằng, nếu cho con biết trước sự nghiêm khắc của cô giáo thì con sẽ sợ hãi. Tuy nhiên, cha mẹ cần dạy con cách ứng xử từng bước một để con có đủ sức “đề kháng” với sự nghiêm khắc của cô.

Ví như, cha mẹ cùng con đóng vai giáo viên - học sinh để con biết nếu con ứng xử thế này thì cô sẽ phê bình con thế kia; con nên phát biểu thế nào khi ở lớp... Như vậy, con sẽ không bị hẫng bụt khi chính thức học lớp 1. 

Theo http://phunuvietnam.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.