Vượt núi mang công nghệ số đến với đồng bào vùng cao ở Thanh Hoá

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Các cán bộ, chiến sĩ công an ở miền núi Thanh Hóa ăn ở cả tháng trong bản xa xôi để thực hiện Đề án 06, mang công nghệ số đến với đồng bào vùng cao.

Để kích hoạt tài khoản định danh điện tử cho người dân ở các bản vùng sâu, vùng xa, cán bộ phải đi bộ nhiều km đường đồi núi.
Để kích hoạt tài khoản định danh điện tử cho người dân ở các bản vùng sâu, vùng xa, cán bộ phải đi bộ nhiều km đường đồi núi.

Đi bộ 6 km đường rừng làm định danh cho 2 công dân

Là nữ cán bộ cảnh sát, thế nhưng gần 3 năm qua, từ khi thực hiện chiến dịch cấp CCCD gắn chip điện tử, kích hoạt định danh điện tử cho công dân, Đại úy Bùi Ngọc Hà, cán bộ Đội Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an huyện Quan Hóa (tỉnh Thanh Hóa) đã “chinh chiến” khắp các bản làng.

Có thời điểm chị phải di chuyển cả trăm km trong 1 ngày, hay đi bộ cả chục km đường rừng để mang công nghệ số đến với người dân.

Quan Hóa là địa bàn miền núi, chủ yếu là đồng bào dân tộc ở xa trung tâm. Muốn cho người dân ở các bản xa xôi tiếp cận công nghệ số, bắt buộc những cán bộ như Đại úy Hà đều phải đến tận nơi dân ở.

“Vào đến nơi mới cảm thấy người dân họ không ra trung tâm làm cũng là điều dễ hiểu vì đặc thù người đồng bào trên này họ không ở nhà mà thường ở trên những quả đồi, những thung lũng để làm rẫy, chỉ khi có việc họ mới trở về nhà.

Muốn ra trung tâm, phải đi bộ nhiều giờ đồng hồ, có nơi đi được xe nhưng bản thân họ cũng không có phương tiện”, Đại úy Bùi Ngọc Hà chia sẻ.

Đại uý Bùi Ngọc Hà.

Đại uý Bùi Ngọc Hà.

Với nữ cảnh sát, mỗi hành trình đến với người dân là một ký ức không thể quên, không chỉ khó khăn ở những cung đường mà ngay cả tuyên truyền, vận động để dân đồng ý làm cũng là điều không đơn giản.

“Có lần, chúng tôi phải đi lên bản Suối Tôn - bản xa nhất của xã Phú Sơn để làm định danh cho 2 công dân, 1 người bị mù và 1 người tâm thần.

Bản này có đặc thù là người dân là đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Để lên được quả đồi, phải đi bộ 6km đường dốc dựng đứng trong lúc trời mưa tầm tã.

Đất đồi núi quyện với nước mưa tạo nên một thứ hỗn hợp sền sệt, dính bết, nhầy nhụa, trơn trượt, giày dép như được nhào nặn, bồi thêm nhiều kg bùn đất. Anh em phải vào nhà dân xin túi bóng, bọc hết thiết bị lại, xác định người có thể ướt nhưng máy móc không thể ướt.

Lên đến đỉnh đồi trời cũng tối, người nhà lại đi vắng, không có điện thoại liên lạc. Nhưng mọi người đã đặt ra mục tiêu bằng mọi giá phải thu nhận được, cuối cùng cũng thuyết phục được người dân và trở về nhà lúc nửa đêm”, Đại úy Hà nhớ lại.

Ngoài những khó khăn chung tại các huyện vùng cao như: Không điện, không sóng điện thoại, đường đi khó khăn, xa xôi, dân cư phân bố thưa thớt... mà đa số người dân còn chưa hiểu hết về ý nghĩa và sự cần thiết của việc cài đặt định danh điện tử; quá trình tuyên truyền còn gặp trở ngại khi nhiều người còn không hiểu hết tiếng phổ thông.

Thượng úy Nguyễn Văn Đông, Phó Đội trưởng Đội Quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an huyện Lang Chánh), chia sẻ, dù cung đường xa hàng chục km đường rừng núi hay phải đi qua sông, lội qua suối… thế nhưng có trường hợp, cán bộ đến nơi còn bị người dân “hắt hủi” đuổi đi, phải 2 - 3 lần sau đó mới thuyết phục được họ.

Thượng úy Đông vẫn nhớ câu chuyện cán bộ phải lội ruộng xuống cấy cùng người dân cho xong, bà con mới đồng ý lên bờ làm định danh.

Cán bộ Công an huyện Quan Hóa đến tận nhà cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử cho người dân.

Cán bộ Công an huyện Quan Hóa đến tận nhà cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử cho người dân.

Giải bài toán khó khăn

Theo Thượng úy Nguyễn Văn Đông, xác định công tác tuyên truyền là phải “đi từng ngõ, gõ từng nhà” nên phải chia nhỏ lực lượng để đến từng nhà tuyên truyền.

Địa bàn Lang Chánh phải chia thành 78 tổ cho 78 thôn bản. 1 người sẽ tuyên truyền cho 10 người, 10 người sẽ tuyên truyền cho 100 người để đẩy lên 1 làn sóng.

“Chúng tôi huy động rất nhiều người dân như: Học sinh, sinh viên, người buôn bán hàng quán có kỹ năng sử dụng điện thoại, kết hợp cùng chúng tôi để tuyên truyền.

Cán bộ không có ngày nghỉ, ngày lễ hay cuối tuần cũng như ngày thường, hết xử lý công việc ở đơn vị lại chia nhau xuống bản.

Đồng bào nơi đây là người dân tộc thiểu số, do vậy rất nhiều người chưa biết tiếng phổ thông. Nắm bắt được khó khăn đó, anh em xác định dùng tiếng đồng bào để tuyên truyền, bà con cũng thấy gần gũi hơn”, Thượng úy Đông kể lại.

Tại địa bàn huyện Quan Hóa, để kích hoạt định danh điện tử cho người dân ở những nơi không có mạng, cán bộ công an cùng chính quyền địa phương đã tới từng hộ dân mượn lại điện thoại hoặc sim của họ, mang ra nhà văn hóa thôn để thực hiện kích hoạt.

Cán bộ Công an huyện Lang Chánh hướng dẫn người dân cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử.
Cán bộ Công an huyện Lang Chánh hướng dẫn người dân cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử.

Cách làm này vừa tiết kiệm được nhân lực, thời gian, hạn chế việc di chuyển của người dân và cán bộ thực hiện nhiệm vụ và được nhân rộng thực hiện ở những khu vực đặc biệt khó khăn của huyện Quan Hóa.

Trung tá Hà Ngân Hùng, Đội trưởng Đội Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an huyện Quan Hóa, cho biết: “Đối với địa bàn xã khó khăn, chúng tôi hướng dẫn bà con thực hiện 1 hộ dân cử đại diện 1 người về địa điểm UBND xã để cài đặt cho cả hộ. Không nhất thiết cả hộ phải lên địa điểm để cài đặt mức 1, mức 2. Sau đó, cán bộ sẽ phải thức làm suốt đêm, từ khoảng 21h đến 4h sáng, lúc đó mạng mới mạnh để kích hoạt được”.

“Cuộc sống của đồng bào dân tộc miền núi Thanh Hóa vẫn còn rất nhiều khó khăn, thử thách. Chiến dịch cấp CCCD, kích hoạt định danh điện tử được triển khai, thực hiện đã giúp cán bộ chiến sĩ chúng tôi có được cơ hội về với dân, được gần dân hơn, được thực tế chứng kiến tận mắt và hiểu thêm những khó khăn, vất vả mà những người dân nơi biên cương đang phải từng ngày vật lộn, đối mặt.

Từ đó thấy mình phải có trách nhiệm làm tròn bổn phận hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ Nhân dân”, Trung tá Hà Ngân Hùng chia sẻ.

Thanh Hóa đặt mục tiêu đến trước năm 2025 sẽ hoàn thành cấp hơn 3 triệu tài khoản định danh điện tử cho công dân. Với cách làm linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với tình hình thực tế địa phương, các huyện miền núi như Mường Lát, Quan Hóa, Bá Thước, Lang Chánh… đã có thể khắc phục được những khó khăn, vượt chỉ tiêu được giao.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

“Yêu chay” không có nghĩa là mối quan hệ thiếu tình yêu. (Ảnh: ITN)

Vì sao 'yêu chay' ngày càng phổ biến?

GD&TĐ - Có tới 40 triệu người Mỹ đang trong các mối quan hệ lãng mạn không quan hệ tình dục. Đáng nói,phần lớn những người này hoàn toàn hài lòng với điều đó.