Vượt khó vào đại học

GD&TĐ - Cầm giấy trúng tuyển đại học, Trần Thị Thanh Thúy và Nguyễn Văn Hoàng (đều ngụ ở Bến Tre) vừa mừng vừa lo; mừng vì được bước vào giảng đường đại học thực hiện ước mơ đổi đời nghèo khó, lo vì không biết kiếm đâu ra tiền để đến TPHCM ăn học trong khi cả nhà bươn chải từng bữa ăn mà chưa đủ. Thúy và Hoàng đều mồ côi cha từ nhỏ, cùng là hộ nghèo ở nhà tình thương và cũng là hai tấm gương vượt khó vươn lên trong học tập.

Trần Thị Thanh Thúy đan ghế kiếm tiền lên TPHCM đi học
Trần Thị Thanh Thúy đan ghế kiếm tiền lên TPHCM đi học

Chuốt cọng dừa, đan ghế kiếm tiền ăn học

Gia đình Trần Thị Thanh Thúy (ấp Tân Phú 2, xã Phước Hiệp, Mỏ Cày Nam, Bến Tre) thuộc hộ nghèo mà hiếm có nhà nào nghèo hơn nữa. Căn nhà tình thương được tặng theo chương trình 167 và Quỹ vì người nghèo vào năm 2010 trống huơ trống hoác. Gần 8 năm rồi mà gia đình này chưa tô nổi các vách tường, lắp cửa cái và cửa sổ (nhà tình thương khi trao tặng, không có cửa cái và cửa sổ).

Cửa cái ngăn tạm bằng các thanh sống dừa nước kết lại. Cửa sổ che bằng vải bao thức ăn gia súc. Bà Lê Thị Lưu Ly, mẹ của Thúy cho biết, đến nay bà vẫn chưa trả được 8 triệu đồng vốn vay đối ứng của ngân hàng xây nhà tình thương, mà chỉ cố gắng trả lãi hàng năm.

Gia đình này trở nên thiếu khó khi người cha là lao động chính mất đi lúc Thúy mới 4 tuổi. Từ đó gánh nặng gia đình đè nặng lên vai bà mẹ. Một mình bà phải bươn chải làm thuê đánh lá mía, làm cỏ kiếm tiền nuôi hai con ăn học.

Ở quê, việc làm thuê không được thường xuyên, thỉnh thoảng mới có người thuê làm cỏ, bình quân mỗi tháng mẹ của Thúy có được 10 ngày làm cỏ hoặc đánh lá mía mướn, ngày công 60.000-100.000 đồng theo thời giá làm công. Nhiều ngày không có việc, bà phải mua gạo chịu, khi nào có việc làm thuê mới có tiền trả.

Thu nhập của mẹ ít ỏi nên anh của Thúy phải nghỉ học từ năm lớp sáu để làm thuê phụ mẹ nuôi em. Anh của Thúy làm ở cơ sở sơ chế dừa như lột dừa, bào dừa…, công việc chỉ thường xuyên vào mùa vụ, nay dừa treo, ít việc để làm.

Thương mẹ và anh vất vả lo cho gia đình, từ năm học lớp 7, Thúy đã tranh thủ sau giờ học, làm nhiều việc như chuốt cọng lá dừa bán cho cơ sở làm chổi quét nhà; đan ghế cho cơ sở gia công xuất khẩu. Ngày hè, Thúy theo anh đến cơ sở sơ chế dừa nhận làm công từ 2 giờ sáng đến trưa, số tiền kiếm được từ 30.000-35.000 đồng phụ mẹ lo chi phí hàng ngày.

Thúy đến trường không được đủ đầy như các bạn. Quần áo, sách học là của nhà hảo tâm và bà con lối xóm có con em học trước cho. Thiếu khó đủ bề nhưng Thúy luôn là học sinh giỏi từ năm lớp 1-12, hai lần đoạt giải học sinh giỏi môn sinh vào lớp 9 và 12 và một lần đoạt giải Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia vào năm lớp 9. Trong kỳ thi THPT quốc gia vừa qua, Thúy đạt 24,5 điểm và trúng tuyển Đại học Y dược TPHCM ngành Y tế dự phòng. 

Học Y làm bác sĩ là ước mơ của Thúy nhưng với 6 năm học, tiền đâu đóng học phí khi mà cả nhà còn thiếu khó trăm bề. Nhiều ngày suy tính, Thúy đành gác lại ước mơ làm bác sĩ và chọn nguyện vọng 2 là học Trường Cao đẳng Dược, thời gian học 3 năm cho nhẹ gánh gia đình. Lên TPHCM Thúy sẽ cố gắng làm thêm để có tiền ăn học, còn trong những ngày này, Thúy vẫn miệt mài chuốt cọng dừa nước và đan ghế xuất khẩu.

Vượt qua mặc cảm

Giới thiệu với chúng tôi về Nguyễn Văn Hoàng, học sinh lớp 12A5 lớp chọn của Trường THPT Trần Trường Sinh ở xã Giao Thạnh, Thạnh Phú, Bến Tre, thầy Huỳnh Văn Út, hiệu phó cho biết: “Em Hoàng ngoan hiền, là học sinh giỏi 12 năm liền, em học giỏi đều các môn. Tuy vậy, em thụ động, ít nói.

Có thể do hoàn cảnh gia đình nghèo, em mặc cảm với mọi người”. Chúng tôi tìm đến nhà Hoàng ở ấp An Hòa, xã An Nhơn, đây là căn nhà tình thương do Vietinbank tặng. Hoàng có cùng hoàn cảnh như Thúy, sống trong cảnh hộ nghèo, mẹ góa con côi.

Cha của Hoàng mất lúc em 11 tuổi và em gái mới 5 tuổi, mẹ của Hoàng lam lũ tần tảo nuôi hai con ăn học. Lúc còn khỏe mạnh ai mướn làm thuê việc gì bà cũng nhận.

Những năm gần đây, sức khỏe không được tốt, hay bệnh, nên bà ít đi làm thuê. Bây giờ bà chỉ làm công chẻ dây dừa nước dùng trói cua biển, tiền công ngày được 70.000 đồng. Cả nhà sống nhờ vào tiền trợ cấp hộ nghèo 200 ngàn đồng/tháng mua gạo cho ba người. Đồng tiền ít ỏi như vậy nên thức ăn thường là tương chao, nước mắm ớt cho qua bữa.

Hàng ngày Nguyễn Văn Hoàng gánh nhờ nước giếng về cho gia đình sinh hoạt
 Hàng ngày Nguyễn Văn Hoàng gánh nhờ nước giếng về cho gia đình sinh hoạt

Là con trai lớn, từ nhỏ Hoàng gánh vác mọi việc nặng nhọc của gia đình. Nhà nghèo không có tiền khoan cây nước (đây là vùng nước mặn) nên hàng ngày sau giờ học, em gánh nhờ nước giếng khoan của nhà hàng xóm cho gia đình sinh hoạt.

Những hôm không có giờ học, em thường đi mò bắt cá ở sông rạch cải thiện bữa ăn cho gia đình. Cá, tép những năm gần đây ngày một ít đi, những con cá, tép bắt được, Hoàng nhường cho mẹ và em. Hoàng tâm sự: Nhìn mẹ lam lũ làm thuê, ăn uống kham khổ nhiều lúc nghẹn cả lòng!

Điều kiện đi học của Hoàng thiếu thốn. Áo quần đồng phục là của trường tặng qua phong trào “Chiếc áo vui xuân, tặng bạn nghèo vui Tết”. Sách học là của anh chị học lớp trước tặng lại. Trường xa nhà gần 7km nhưng mỗi ngày đi học, em không có tiền mang theo để uống nước, ăn trưa khi học hai buổi. Thương trò nghèo, phấn đấu học tập, thầy cô dạy luyện thi cho Hoàng không nhận tiền công.  

Phấn đấu trong học tập là mục tiêu chính của cậu học trò nghèo này. Hoàng thi tốt nghiệp THPT đạt 24,75 điểm, trúng tuyển vào Đại học Xây dựng. Hoàng rất vui, có vẻ bớt đi mặc cảm con nhà nghèo.

Ngày chúng tôi đến là lúc Hoàng đang chạy mượn tiền hàng xóm lên trường đóng học phí, nộp hồ sơ nhập học. Hoàng nói là: “Đậu đại học là ước mơ đổi đời của em. Đến TPHCM đi học, em sẽ tìm việc làm thêm để có tiền trang trải việc học. Em học để có việc làm nuôi mẹ, nuôi em ăn học, mẹ em làm thuê vất vả nhiều năm rồi, nay không còn sức nữa”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ