Nuôi đam mê nghiên cứu khoa học trong cơ sở giáo dục miền núi

GD&TĐ - Những năm gần đây, việc khơi gợi và tạo dựng môi trường khuyến khích học sinh phát triển đam mê nghiên cứu khoa học đang được các cơ sở giáo dục tại tỉnh miền núi Điện Biên quan tâm, chú trọng.

Cuộc thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật trong thanh thiếu niên là một trong những “môi trường” bổ ích để học sinh thỏa sức sáng tạo.
Cuộc thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật trong thanh thiếu niên là một trong những “môi trường” bổ ích để học sinh thỏa sức sáng tạo.

Tất cả để hướng đến những môi trường giáo dục dạy – học thực chất.

“Thực tế hóa” kiến thức

Từ năm 2020 đến nay, dịch bệnh Covid-19 là vấn đề được quan tâm hàng đầu. Đây cũng trở thành “từ khóa” cho hàng loạt ý tưởng sáng tạo của học sinh Điện Biên.

Từ những vật liệu sẵn có, đơn giản, trong vòng 3 tháng kể từ khi bắt đầu hình thành ý tưởng, thầy và trò Trường THCS Ẳng Tở (huyện Mường Ảng) đã sáng chế thành công “Thiết bị cảnh báo an toàn phòng tránh dịch Covid-19”.

Theo thầy giáo Phạm Xuân Tân, Hiệu trưởng nhà trường thì thực chất, đây là một máy rửa tay sát khuẩn và sấy khô tự động “3 trong 1”, có thể đặt tại các vị trí cổng cơ quan, đơn vị, trường học thay thế con người. Để thiết kế phù hợp địa phương miền núi, nhiều nơi chưa có điện lưới quốc gia, thiết bị còn được sáng tạo với hoạt động bằng hệ thống pin năng lượng mặt trời.

Cũng “bắt nhịp” với thực tiễn này, nhóm học sinh Trường THCS Thanh An (huyện Điện Biên) đã nghiên cứu và sáng tạo ra “Cổng phân luồng tự động hỗ trợ phòng, chống Covid-19”, nhằm giảm nhân lực, tiết kiệm thời gian và giảm nguy cơ lây chéo.

Em Hoàng Gia Bảo, học sinh lớp 8A, chia sẻ: “Chúng em nhận thấy, mặc dù hiện nay dịch bệnh diễn biến khá phức tạp, song một số học sinh chủ quan, lơ là, chưa tuân thủ các quy định phòng dịch. Bởi vậy, chúng em sáng tạo ra sản phẩm này để đo thân nhiệt tự động và nhắc nhở mọi người bắt buộc phải rửa tay sát khuẩn trước khi qua cổng”.

Thầy giáo Phạm Kiên Cường, Phó Hiệu trưởng nhà trường, cho biết, từ khi sản phẩm được hoàn thiện đến nay cũng đồng thời là khoảng thời gian dịch bệnh diễn biến phức tạp tại địa phương. Vì thế, nhà trường đã sử dụng sản phẩm này đặt tại cổng trường, phục vụ đo thân nhiệt và sát khuẩn tay tự động cho học sinh trước khi vào lớp học.

Để giúp người dân địa phương giải quyết những khó khăn trong sinh hoạt đời sống, em Lê Thị Huyền Trang, học sinh Trường THPT TX. Mường Lay lại thiết kế ra sản phẩm “Bếp đa năng sạch - tiết kiệm - thân thiện với môi trường”. Sản phẩm có khả năng tận dụng nhiều nguyên liệu từ củi khô, trấu, mùn… để kết hợp 3 tính năng: Nấu, nướng và sấy.

Trang cho biết, em hình thành ý tưởng trong thời gian nghỉ học phòng dịch. “Khi chứng kiến người dân thường xuyên phải đi lấy củi trên rừng, phục vụ đun nấu rất vất vả, em đã nghĩ ngay đến việc tạo ra một sản phẩm để giúp việc sử dụng củi tiết kiệm hơn. Qua đó giảm thiểu việc đốt, phá rừng và thân thiện với môi trường”.

Với kiến thức đã được học trong trường nhiều học sinh đã sáng tạo ra các sản phẩm phục vụ công tác phòng chống dịch.
Với kiến thức đã được học trong trường nhiều học sinh đã sáng tạo ra các sản phẩm phục vụ công tác phòng chống dịch.

Tạo dựng môi trường

Theo ông Nguyễn Song Bình, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Điện Biên, đây đều là những sản phẩm tham dự cuộc thi Sáng tạo khoa học – kỹ thuật dành cho học sinh được tổ chức hàng năm. Trong đó, nhiều sản phẩm giải pháp mang tính nhân văn cao, mới lạ, gần gũi với đời sống hằng ngày được áp dụng vào thực tế.

“Hiện nay có nhiều cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật được tổ chức, mở ra cơ hội cho các đối tượng học sinh trên địa bàn. Có những cuộc thi do liên hiệp chủ trì. Cũng có nhiều cuộc do Sở GD&ĐT hoặc Tỉnh đoàn phát động và chúng tôi là đơn vị phối hợp tham gia. Chỉ riêng với cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng tỉnh do liên hiệp chủ trì, trong 2 năm gần đây đã có gần 160 sản phẩm sáng tạo tham gia”, ông Bình cho hay.

Tại huyện Mường Ảng, đầu mỗi năm học, Phòng GD&ĐT địa phương đều triển khai, phổ biến đến các đơn vị trường học và các chương trình, cuộc thi liên quan. Thông qua đó, khuyến khích các cơ sở hướng dẫn và cho học sinh đăng ký tham gia, tạo thành phong trào sâu rộng đến từng học sinh.

“Chúng tôi cũng chỉ đạo giáo viên toàn ngành thực hiện giảng dạy từng môn học lồng ghép tích hợp gắn với các nội dung sáng tạo khoa học kỹ thuật. Trên cơ sở đó, các nhà trường phân công, chỉ đạo giáo viên hướng dẫn, khơi gợi và giúp đỡ học sinh tham gia các cuộc thi”, ông Phạm Xuân Tiến, Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mường Ảng chia sẻ.

Là một trong những giáo viên tích cực giúp đỡ và đồng hành cùng học sinh trong các cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật, năm 2021 cô Trần Thị Luyến, Trường THCS thị trấn Mường Ảng cùng nhóm học sinh lớp 9 đã sáng tạo Dự án Nâng cao ý thức phòng, chống dịch Covid-19 cho học sinh nhà trường.

Cô Luyến tâm sự: “Khi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, tôi đã nghĩ ngay đến việc cùng học sinh thiết kế ra một sản phẩm phục vụ công tác phòng chống dịch. Ngay khi có thông tin về cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật, tôi đã tập hợp những học sinh cùng có đam mê sáng tạo, nghiên cứu khoa học để hiện thực hóa ý tưởng này. Đây cũng chính là cơ hội và môi trường rất tốt để các em thỏa sức đam mê sáng tạo”.

Tại Trường THCS xã Thanh An, bên cạnh việc thông tin, tạo điều kiện để học sinh tiếp cận và tham gia các cuộc thi, nhà trường còn thường xuyên khuyến khích khả năng tìm tòi, học hỏi của mỗi học sinh bằng việc tạo môi trường học tập, thời gian… Đồng thời, bố trí giáo viên khơi gợi, hướng dẫn để học sinh tạo ra các sản phẩm thiết thực.

“Nếu được định hướng tốt từ gia đình và thầy cô giáo, sẽ kích thích tư duy sáng tạo cho các em, đặc biệt là tạo cảm hứng với công nghệ mới. Từ những mô hình, ý tưởng các em sẽ đúc kết thành sản phẩm, mô hình giải pháp áp dụng vào đời sống”, ông Bình nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.