Vượt biển coi thi: Dù khó khăn chúng tôi luôn sẵn sàng

GD&TĐ - Vượt biển ra đảo coi thi trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, các cán bộ giáo viên Trường THPT Nguyễn Đức Cảnh (huyện Kiến Thụy - TP Hải Phòng) lường trước được khó khăn, lên đường nhận nhiệm vụ với tâm thế sẵn sàng.

Thầy cô giáo ở điểm thi Trường THPT Cát Bà hỏi han học sinh sau mỗi môn thi.
Thầy cô giáo ở điểm thi Trường THPT Cát Bà hỏi han học sinh sau mỗi môn thi.

Một kỳ thi đặc biệt đọng lại nhiều cảm xúc, để rồi khi chia tay đảo về với đất liền, các thầy cô vẫn mãi xúc động với câu chuyện “tình người nơi đảo xa”.

Kỳ thi đặc biệt

Huyện đảo Cát Hải (TP Hải Phòng) cách đất liền khoảng 30km. Những năm gần đây, giao thông huyện đảo đã đồng bộ, hiện đại. Cây cầu vượt biển dài nhất Việt Nam - cầu Tân Vũ (nối Đình Vũ - Cát Hải) đưa vào sử dụng đã rút ngắn khoảng cách địa lý giữa trung tâm thành phố Hải Phòng với huyện đảo Cát Hải xa xôi. Nhưng với đặc thù biển, đảo, để đến trung tâm thị trấn Cát Bà, người dân phải đi phà Gót khoảng 30 phút, sau đó di chuyển bằng ô tô từ bến Phù Long đến trung tâm gần 10km đường núi quanh co.

Huyện Cát Hải có 2 trường là THPT Cát Hải (thị trấn Cát Hải) và THPT Cát Bà (thị trấn Cát Bà). Từ khi cầu Tân Vũ đi vào sử dụng, cán bộ coi thi ra điểm thi Trường THPT Cát Hải thuận lợi hơn, không phải ngồi trên phà cả tiếng đồng hồ như những năm trước.

Mọi năm, hai điểm trường sẽ dồn thành một điểm thi, nhưng kỳ thi tốt nghiệp năm nay, Sở GD&ĐT Hải Phòng đã tách thành 2 điểm. Học sinh trường nào thi tại điểm thi trường đó, để giảm thời gian di chuyển cho thí sinh. Cán bộ coi thi trong đất liền ra điểm thi Trường THPT Cát Bà sẽ phải di chuyển thêm gần 30 phút bằng phà và gần 10km ngồi ô tô.

Điểm thi Trường THPT Cát Bà có 168 thí sinh/7 phòng thi. Do đặc thù về địa lý, cán bộ coi thi ở điểm thi Trường THPT Cát Bà phải ở lại đảo 3 ngày. 14 cán bộ, giáo viên Trường THPT Nguyễn Đức Cảnh nhận nhiệm vụ ra đảo Cát Hải coi thi. Cô Nguyễn Thị Minh Nguyệt - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Đức Cảnh là Điểm trưởng điểm Thi trường THPT Cát Bà.

Gần 20 năm công tác trong ngành Giáo dục cũng là từng ấy năm, cô Nguyệt được phân công đi coi thi ở nhiều địa phương khác trong nhau trong TP Hải Phòng. Nhưng với huyện đảo Cát Hải, đây là năm đầu tiên cô làm thi tại đây với vai trò Chủ tịch Hội đồng.

Cô Nguyệt chia sẻ: Làm thi là nhiệm vụ quan trọng gắn trên vai một trọng trách lớn, vì thế khi được phân công điểm coi thi các thầy cô đều sẵn sàng lên đường. May mắn, Hải Phòng chưa có người bị nhiễm Covid-19 nên cán bộ giáo viên cũng yên tâm làm nhiệm vụ. Tuy vậy, mọi người vẫn nêu cao tinh thần cảnh giác, phòng bệnh để góp phần cho một kỳ thi an toàn, chất lượng.

Lần đầu coi thi tại đảo, cô Nguyệt cũng như các đồng nghiệp đều xúc động về sự quan tâm của lãnh đạo huyện Cát Hải, đặc biệt là sự nhiệt tình, chu đáo của phụ huynh học sinh nơi đây.

Cô Nguyệt kể: Ngay khi đoàn cán bộ, giáo viên đặt chân lên bến Phù Long, xe ô tô của phụ huynh đã đợi sẵn để chở các thầy, cô về điểm thi. Thực hiện công tác phòng dịch, nên xe ô tô đưa đón giáo viên cũng được bố trí rộng rãi và thoáng khí.

Những ngày làm thi tại đảo, phụ huynh học sinh đều quan tâm đến đời sống, chỗ ăn nghỉ của cán bộ giáo viên. Điều ấn tượng hơn nữa mà cô giáo Nguyệt nhớ mãi là tinh thần nghiêm túc trong kỳ thi của học trò huyện đảo.

Vượt biển coi thi: Dù khó khăn chúng tôi luôn sẵn sàng ảnh 1

Không ngại khó khăn

Ở huyện đảo, nhiều em có hoàn cảnh khó khăn, bố mẹ quanh năm đi biển nhưng đều ngoan ngoãn, lễ phép. Dù cô trò lần đầu tiếp xúc nhưng sau những giờ làm bài nghiêm túc, các em  đến trò chuyện và hỏi thăm thầy cô. Cô Nguyễn Thị Minh Nguyệt

Cô Nguyệt cho hay: Chiều 7/8 ra đảo nhận nhiệm vụ, ngày 8/8, Hội đồng thi Trường THPT Cát Bà nhận được thông tin một thí sinh thuộc diện F2. Mặc dù khá lo lắng, nhưng Hội đồng thi đã báo về Ban chỉ đạo thi của huyện và thành phố đồng thời chuẩn bị mọi phương án coi thi. Nhưng, đến chiều ngày 8/8, các ca F1 tiếp xúc với bệnh nhân 751 âm tính vì vậy thí sinh F2 được “giải oan”. Cả hội đồng thi “thở phào” nhẹ nhõm.

Tuy vậy, để phòng dịch bệnh lây lan, mọi sinh hoạt đến ăn uống của đoàn cán bộ đều giữ khoảng cách an toàn với bên ngoài. Không chỉ đưa đón các cán bộ coi thi, một số phụ huynh làm nhà hàng quanh trường tự nguyện đến nhà công vụ của huyện phụ nấu ăn cho các thầy cô giáo.

Không những vậy, với những học sinh ở xã đảo xa, cách điểm thi chừng 25 km hay thí sinh có bố mẹ làm nghề biển không có điều kiện quan tâm đến con những ngày thi, nhiều phụ huynh gần trường chủ động đón về ở cùng và nấu ăn phục vụ các em. Còn với thí sinh cách điểm thi từ 5 - 7km, ban đại diện cha mẹ phụ huynh tài trợ xe đưa đón.

Thầy Đỗ Đại Thanh - giáo viên Trường THPT Nguyễn Đức Cảnh kể: Khi nhận nhiệm vụ làm thi trong điều kiện dịch bệnh, tâm lý chung thầy cô đều lo lắng nhưng vì công việc nên luôn sẵn sàng. Năm nay, kỳ thi có nhiều điểm mới do dịch bệnh nhưng với quyết tâm tổ chức kỳ thi an toàn, khách quan, cán bộ coi thi đều nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ.

“19 năm làm công tác coi thi, đây là lần thứ 2 tôi nhận nhiệm vụ coi thi tại huyện đảo Cát Hải. Điều mà đoàn cán bộ nhớ nhất đó là sự quan tâm, nhiệt tình của lãnh đạo địa phương và phụ huynh học sinh”, thầy Thanh chia sẻ. 

Nói về cảm xúc coi thi ngoài đảo xa, cô Đồng Thu Huyền - giáo viên Trường THPT Nguyễn Đức Cảnh trao đổi: Người dân đảo Cát Hải thân thiện, mến khách khiến các thầy cô giáo làm nhiệm vụ coi thi ở trường THPT Cát Bà rất cảm động. Họ quan tâm từ việc đón đoàn, bố trí chỗ nghỉ ngơi, nấu ăn, hỏi han sức khỏe thầy cô… Món quà tinh thần mà phụ huynh và các em học sinh nơi đảo xa tặng cho đoàn chắc sẽ còn giữ mãi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ