Vượt “bão Covid” trong tâm thế mới

GD&TĐ - Theo các đại biểu Quốc hội, năm 2020, ngành Giáo dục để lại nhiều ấn tượng.

Học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Đông La (Đông Hưng, Thái Bình) trong giờ học Toán theo Chương trình giáo dục phổ thông mới. Ảnh: TG
Học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Đông La (Đông Hưng, Thái Bình) trong giờ học Toán theo Chương trình giáo dục phổ thông mới. Ảnh: TG

Mặc dù đối diện với nhiều khó khăn, thách thức do đại dịch Covid-19, thiên tai… nhưng toàn ngành đã nỗ lực, quyết tâm vượt khó và có nhiều điểm sáng đáng ghi nhận.

Nhiều thành quả ấn tượng

Theo đại biểu Nguyễn Ngọc Phương – Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình, GD-ĐT có những chuyển biến mạnh mẽ, đổi mới căn bản, toàn diện theo tinh thần Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng. Trên cơ sở đó, ngành Giáo dục đạt được những thành tựu đáng ghi nhận: Việc triển khai thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông đi đúng hướng và có những kết quả bước đầu, được toàn xã hội quan tâm, vào cuộc; công tác kiểm định chất lượng và tự chủ đại học được đẩy mạnh. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục từng bước được chuẩn hóa, hoàn thiện cả về số lượng, trình độ và năng lực thực hiện; Công tác kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm được tăng cường, góp phần chấn chỉnh, duy trì kỷ cương trong hoạt động giáo dục...; Chất lượng giáo dục từ mầm non đến phổ thông, giáo dục đại học không ngừng được củng cố và nâng lên. 

Theo đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, có được kết quả trên là sự đoàn kết, nỗ lực cố gắng của toàn ngành Giáo dục, đặc biệt là sự tận tụy, tâm huyết và tinh thần trách nhiệm cao của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục. Trong đó có đại biểu Quốc hội là nhà giáo – những người đã, đang và sẽ tiếp tục cống hiến tài năng, trí tuệ của mình, góp phần hoàn thiện cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho nền giáo dục nước nhà phát triển bền vững. 

Ấn tượng với thành tích của học sinh Việt Nam tại kỳ thi Olympic, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương tâm đắc với 49 Huy chương Vàng trong giai đoạn 2016 - 2020. Đây là bước tiến vượt bậc so với giai đoạn 2011 – 2015 (27 Huy chương Vàng). Đáng chú ý, nhiều học sinh Việt Nam đạt điểm số cao nhất ở các nội dung thi. 

“Đây là minh chứng cho chất lượng giáo dục phổ thông ngày càng nâng lên. Chúng ta được quốc tế ghi nhận và đánh giá cao” – đại biểu Nguyễn Ngọc Phương khẳng định, đồng thời vui mừng khi chất lượng giáo dục đại học ngày càng được nâng lên. Cụ thể, nhiều trường đại học của Việt Nam được ghi danh vào bảng xếp hạng các trường có chất lượng tốt và uy tín trong khu vực cũng như trên thế giới. Đặc biệt, lần đầu tiên nước ta có 4 đại học lọt tốp 1.000 thế giới, nhiều ngành, lĩnh vực đào tạo đứng trong tốp 500 thế giới. Mới đây nhất, chúng ta  có 11 cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng và đánh giá là tốt nhất khu vực châu Á.

Giáo viên lớp 1, Trường Tiểu học Dĩnh Trì (TP Bắc Giang) thảo luận chuyên môn. Ảnh: Sỹ Điền
Giáo viên lớp 1, Trường Tiểu học Dĩnh Trì (TP Bắc Giang) thảo luận chuyên môn. Ảnh: Sỹ Điền

Chủ động đổi mới 

Đồng quan điểm, đại biểu Lê Tuấn Tứ (đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa) nêu lên 4 điểm sáng của ngành Giáo dục trong năm 2020: Triển khai đồng bộ Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới, trước mắt với lớp 1. Với tinh thần cầu thị và quyết liệt, bước đầu nhận được sự ủng hộ của xã hội. Dạy – học trực tuyến cũng trở thành điểm sáng của ngành Giáo dục, nhất là trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát mạnh. Điều này được quốc tế ghi nhận. Đây là cơ sở để ngành Giáo dục thực hiện chuyển đổi số trong GD-ĐT. Tiếp đó, trong bối cảnh dịch Covi-19 ở mức “báo động đỏ”, Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020, tuyển sinh đại học vẫn diễn ra và thành công hơn cả mong đợi. Tự chủ đại học dần đi vào nền nếp, bước đầu phát huy hiệu lực, hiệu quả trong thực tiễn.

Tại buổi gặp mặt đại biểu Quốc hội là nhà giáo nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11) do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức, Chủ nhiệm Ủy ban Phan Thanh Bình nhấn mạnh: Năm học vừa qua, nhất là trong năm 2020, đại dịch Covid-19 đã tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội. Ngành Giáo dục cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ bởi đại dịch này, khiến thầy – trò phải tạm dừng đến trường. Tuy nhiên, với sự chủ động, linh hoạt, ngành Giáo dục đã chuyển đổi sang phương thức dạy - học trực tuyến, góp phần hoàn thành nhiệm vụ năm học. 

Mới đây, mưa lũ lịch sử gây thiệt hại nặng nề cho ngành Giáo dục các tỉnh miền Trung. Ngành Giáo dục các địa phương này lại phải gồng mình chống lũ. Với sự chung tay hỗ trợ của toàn ngành và xã hội; đến nay, việc dạy – học của thầy – trò đã ổn định và đi vào nền nếp. “Có thể nói, năm 2020, ngành Giáo dục phải đối diện với nhiều khó khăn thách thức từ bệnh dịch cho đến thiên tai. Dù vậy,  ngành đã hoàn thành tốt nhiệm vụ” – ông Phan Thanh Bình ghi nhận. 

Nhắc đến Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học và Luật Giáo dục 2019, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng: Đây là hành lang pháp lý quan trọng, cơ sở, nền móng để phát triển giáo dục phổ thông và giáo dục đại học. Bên cạnh hai luật này là những văn bản pháp luật liên quan đến lĩnh vực GD-ĐT. Tất cả điều đó thể hiện sự phấn đấu của toàn hệ thống. “Kết quả trên có sự đóng góp không nhỏ của Bộ GD&ĐT, các đại biểu Quốc hội đã, đang công tác trong ngành Giáo dục và thầy, cô giáo trên cả nước” – ông Phan Thanh Bình bày tỏ.

Chất lượng giáo dục đại học được cải thiện rõ rệt và có nhiều đột phá, đặc biệt trong thực hiện cơ chế tự chủ, đổi mới quản trị và nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học. - Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Vũ Đình Công và Đặng Ngọc Phú tại cơ quan công an. Ảnh: Công an Kon Tum.

Khởi tố 2 thanh niên cho vay lãi 365%/năm

GD&TĐ - Vũ Đình Công và Đặng Ngọc Phú vào Kon Tum tổ chức cho nhiều người vay tiền với lãi suất lên đến 365%/năm, gấp 18 lần mức lãi suất quy định.