Độc đáo cổng trường mang tên 9 nhánh sông Cửu Long

GD&TĐ - Các cổng của Trường Đại học Y Dược Cần Thơ được đặt tên: Định An, Hàm Luông, Cửa Đại, Cửa Tiểu… Đây là tên 9 cửa sông Cửu Long đổ ra biển Đông.

Cổng chính Trường ĐH Y Dược Cần Thơ trên đường Nguyễn Văn Cừ được đặt tên cổng Định An.
Cổng chính Trường ĐH Y Dược Cần Thơ trên đường Nguyễn Văn Cừ được đặt tên cổng Định An.

Những cái tên gắn bó, kèm lời chú giải về địa danh lịch sử, văn hóa độc đáo đã gợi nhiều cảm xúc cho nhiều người.

Ghi dấu ấn trong tim

Thông thường cổng các trường học được đặt bằng chữ A, B… hoặc theo số thứ tự, nhưng Trường Đại học Y Dược Cần Thơ lại có cách đặt tên phá cách khá thú vị, lấy theo tên các cửa sông Cửu Long.

Cổng chính của trường trên đường Nguyễn Văn Cừ (phường An Khánh, quận Ninh Kiều) được đặt tên cổng Định An. Ngay phía dưới cổng có kèm theo dòng thuyết minh song ngữ tiếng Việt và tiếng Anh: “Cửa Định An thuộc xã Định An, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh, là cửa sông lớn đón luồng tàu biển tải trọng lớn ra vào sông Hậu và là một trong chín cửa sông Cửu Long đổ ra biển Đông”.

Các cổng còn lại của trường có tên Hàm Luông, Trần Đề... cùng với các tuyến đường Sông Trẹm, Hàm Luông, kênh Xà No, sông Hậu, sông Tiền, Cửu Long, Cửa Lớn, Cổ Chiên, Rạch Gầm - Xoài Mút…

Cổng Trường ĐH Y Dược Cần Thơ trên đường Trần Bạch Đằng được đặt tên cổng Hàm Luông.

Cổng Trường ĐH Y Dược Cần Thơ trên đường Trần Bạch Đằng được đặt tên cổng Hàm Luông.

Sinh viên đang đi vào cổng Cửa Đại - Cửa Tiểu của Trường ĐH Y Dược Cần Thơ.

Sinh viên đang đi vào cổng Cửa Đại - Cửa Tiểu của Trường ĐH Y Dược Cần Thơ.

Những con đường mang địa danh gắn liền với vùng đất, kèm theo thông tin thuyết minh.
Những con đường mang địa danh gắn liền với vùng đất, kèm theo thông tin thuyết minh.

Ông Nguyễn Thanh Cường (ngụ tại quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) nhận xét, ông thấy rất thú vị với cách đặt tên các cổng trường của Trường Đại học Y Dược Cần Thơ. “Đây là cách đặt tên rất mới lạ và thú vị, gây tò mò cho nhiều người. Cách làm này góp phần quảng bá văn hóa, lịch sử của vùng đất Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) khi nói về lai lịch các cửa sông Cửu Long.

Đặc biệt, nhà trường còn đặt tên công viên Đất Nước, công viên Hạnh Phúc, công viên Hòa Bình, đặt tên cho một tuyến đường đẹp của trường là Hoàng Sa - Trường Sa. Đây là cách làm rất ý nghĩa, góp phần giáo dục lịch sử, nhắc nhớ sinh viên về hòa bình, chủ quyền biển đảo của Tổ quốc”, ông Cường cho biết.

Nguyễn Bích Trân (sinh viên năm 3 ngành Y đa khoa, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ) chia sẻ: “Việc các cổng trường mang tên 9 nhánh của dòng Cửu Long em thấy rất ý nghĩa và mang lại cảm giác gần gũi, thân thương. Đa số sinh viên của trường đến từ các tỉnh miền Tây Nam Bộ, khi di chuyển trong trường qua những con đường có cái tên quen thuộc, sẽ nhớ nhiều về quê hương. Từ đó chúng em có động lực để phấn đấu sau này về cống hiến cho địa phương mình”.

Ấn tượng với cách nhà trường đặt tên các cổng và tên đường nội bộ, du học sinh Chea Davy (chuyên ngành Y đa khoa, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ) chia sẻ cảm nhận: “Khi thấy tên cổng của Trường Đại học Y Dược Cần Thơ, em cảm thấy thích thú xen lẫn một chút tò mò về lai lịch của 9 cửa sông Cửu Long. Khuôn viên nhà trường cũng được phác họa những họa tiết mang đậm dấu ấn văn hóa, tái hiện đời sống văn hóa tinh thần của người dân miền Tây Nam Bộ, khiến em có cảm giác thân thuộc, gắn bó”.

Các bức vẽ khắc họa những họa tiết mang đậm nét đẹp văn hóa miền Tây Nam bộ.

Các bức vẽ khắc họa những họa tiết mang đậm nét đẹp văn hóa miền Tây Nam bộ.

Lan tỏa bản sắc văn hóa

Theo GS.TS Nguyễn Trung Kiên, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược Cần Thơ, thiết kế cảnh quan của trường lấy cảm hứng theo hình hai con rồng, biểu tượng của ĐBSCL. Sau đó, nhà trường triển khai xây dựng, làm những con đường từ những cảm hứng, ý tưởng thiết kế ban đầu và đặt tên theo tên các con sông của ĐBSCL.

Cùng với đó, các cổng trường được đặt theo tên các cửa sông Cửu Long đổ ra biển. Tuy nhiên, trường có 7 cổng nên có hai cổng đặt tên ghép là cổng Cửa Đại - Cửa Tiểu và cổng Cổ Chiên - Cung Hầu; các cổng còn lại có tên Định An, Hàm Luông, Trần Đề...

“Khi đến trường, sinh viên, viên chức nhà trường sẽ được giới thiệu vì sao các cổng trường hay con đường có tên như thế. Khách đến làm việc với trường cũng được trường chủ động giới thiệu”, thầy Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược Cần Thơ chia sẻ.

Hiện, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ có quy mô gần 15.000 sinh viên, học viên, với 10 mã ngành trình độ đại học và 90 mã ngành, chuyên ngành sau đại học. Với mong muốn đóng góp trong việc lan tỏa văn hóa vùng đất và con người miền Tây Nam Bộ, Đoàn Thanh niên của Trường Đại học Y Dược Cần Thơ đã có sáng kiến cung cấp thông tin qua mã QR.

Chia sẻ về sáng kiến này, anh Vũ Tấn Thọ, Phó Bí thư Đoàn TNCS HCM Trường Đại học Y Dược Cần Thơ cho biết: Nằm trong chủ điểm “Ứng dụng công nghệ số”, công trình thanh niên cấp trường “Bảng QR tên đường và cổng trường CTUMP” nhằm thực hiện chuyển những trang giấy chú thích truyền thống thành các Infographic kỹ thuật số. Từ đó, học viên, sinh viên, khách tham quan trường có thể hiểu rõ ý nghĩa, thông tin giới thiệu về tên các cửa sông Cửu Long, quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa… thông qua màn hình điện thoại.

“Thông tin trong các mã QR giúp kết nối thông tin số với thực tế, qua đó Trường Đại học Y Dược Cần Thơ không chỉ hỗ trợ cho việc định hướng không gian trong trường mà còn mở rộng cơ hội tiếp cận với văn hóa và lịch sử địa phương cho cả sinh viên và khách tham quan. Đây là một cách tiếp cận độc đáo và sáng tạo, phản ánh sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, giữa văn hóa và công nghệ, đồng thời cũng thể hiện sự quan tâm và đầu tư của nhà trường vào việc giáo dục toàn diện cho sinh viên”, anh Vũ Tấn Thọ nói.

Ngoài ra, trên các bức tường trong khuôn viên, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ cho khắc họa những họa tiết mang đậm nét đẹp văn hóa miền Tây Nam Bộ. Những hình ảnh mộc mạc, bình dị và sự giao thoa của ba nền văn hóa Kinh, Chăm, Khmer tạo nên một bản sắc đa dạng và phong phú của vùng đất, gây ấn tượng mạnh cho sinh viên, học viên cũng như khách tham quan khi đến trường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.