Vườn thơ: Nỗi niềm người trở về trong vườn thơ của Xuân Nguyên

GD&TĐ - Xưa nay trong cuộc sống của những người làm công ăn lương, thường có cuộc chia tay ra về, khi đến tuổi cần được nghỉ ngơi. Nhưng cũng không ít người, vì một lẽ gì đó, ra về nghỉ, khi chưa đến tuổi phải về. Song, dù rời khỏi vị trí của mình trong trường hợp nào đi nữa, thì vẫn không tránh khỏi nỗi buồn tâm sự.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Về thôi… rũ mọi ưu phiền

Bao năm xuôi ngược đua chen chợ đời

Kinh kỳ áo gấm nổi trôi

Lạnh tanh ánh mắt, ai người biết ta?...

Về thôi… không tiếc đâu mà!

Công danh phận mỏng cũng là hư không

Liu riu còn chút lửa lòng

Thắm như hoa gạo bên sông thuở nào…!

Thì về… câu cá bờ ao

Trồng rau ruộng cạn, cuốc cào đồng xa

Rượu ngon - trăng sáng - bạn già

Uốn cây đầu ngõ, tỉa hoa cuối thềm

Thì về… tóc dẫu bạc thêm

Em xưa … nay đã ấm êm phận bà

Có gì riêng của hai ta

Còn gì của những năm xa, tháng đầy…?

Nỗi lòng ngỏ với ai đây?

Mẹ cha thì đã… như mây cuối trời

Chắp tay con vái lạy Người

Khói hương vấn vít, rối bời…nỗi đau…!

(Về, Văn nghệ số 38 ngày 17/9/2016).

Bởi đây là một bước ngoặt mới của đời người. Đang từ chỗ bận bịu với công việc hàng ngày, bỗng nhiên phải từ bỏ thói quen để bước vào một cuộc sống khác, nên cảm thấy hụt hẫng. Ấy là chưa nói đến những người phải đau đớn mà từ bỏ quyền lực, để cắp cặp ra về.

Có lẽ vì thế mà trong thơ ca, nghệ thuât đã có nhiều tác phẩm phản ánh tâm trạng này. Ngược dòng thời gian về quá khứ, ta vẫn còn như nghe đâu đây lời than thở của cụ Tam Nguyên Yên Đổ, sau bốn mươi năm trên con đường hoạn lộ nghiệt ngã, phải cáo quan trở về, vì cái xã hội nhiễu nhương, bất như ý:

“Vườn Bùi chốn cũ

Bốn mươi năm lụ khụ lại về đây

Trông ngoài sân đua nở mấy chồi cây

Thú khâu hác lâm tuyền âu cũng thế.

Và khi ngoảnh nhìn lại cảnh cũ tình xưa thì:

…Ngọn gió đông ngoảnh lại lệ đầm khăn

Tình thương hải tang điền qua mấy lớp…”

(Trở về vườn cũ)

Bài thơ “Về” của Xuân Nguyên, lại mang đến cho người đọc một tâm sự khác.

“Về”, ở đây, không phải là việc trở về của những người đi xa, mà được dùng theo nghĩa bóng, để nói về việc nghỉ hưu. Thi đề, chỉ là một từ cộc lốc: Về, nhưng trong nó lại chất chứa biết bao nỗi niềm!

Nếu đọc theo những giọng điệu khác nhau, ta sẽ gặp những tâm trạng khác nhau như: Vui mừng, thỏa mãn, buồn chán, tiếc nuối, bực tức, buông xuôi, bất cần đời… Còn ở đây, có lẽ là tâm trạng của một người bất đắc chí, muốn được sớm rũ bỏ chuyện hư danh.

Về thôi… rũ mọi ưu phiền

Bao năm xuôi ngược đua chen chợ đời

Kinh kỳ áo gấm nổi trôi

Lạnh tanh ánh mắt, ai người biết ta?...

Về thôi…là lời thầm thì tự nhủ, là mình tự giục giã mình sớm từ bỏ cái điều mà mình đã chán ghét. Bởi quá trình làm công ăn lương của con người, có khi là quá trình vào cuộc đua chen, hơn - thua, được - mất, đầy mệt mỏi.

Tác giả đã ví quá trình sống ấy như cái chợ đời phức tạp, đầy rẫy chuyện bán - mua, đong đưa, cọ xát om sòm. Nghĩ lại quãng đời mình đã sống ở kinh kỳ, nơi hội chợ phù hoa, nhân vật trữ tình cảm thấy mình cô đơn, trước những con mắt đời ghẻ lạnh.

Cho nên về là được trút sạch mọi nỗi ưu phiền để sống cuộc sống thanh thản. Khát vọng trở về, như cứ nhói lên qua điệp ý về thôi… về thôi. Tuy nhiên trong giọng thơ, ta vẫn bắt gặp một chút ngậm ngùi, lưu luyến:

Về thôi… không tiếc đâu mà!

Công danh phận mỏng cũng là hư không

Phận mỏng là hình thức ẩn dụ, nhằm thể hiện một cái gì mong manh như có, như không, chẳng khác nào cái áo gấm hào nhoáng, choàng lên người trong chốc lát.

Nhiều khi, cái áo gấm công danh, đã biến con người thành “cái giá khoác áo, cái túi đựng cơm”, xa lạ với bạn bè, với người thân. Nó chính là “cái bả công danh”, đã gây bao tai họa, vì: “Kẻ ham danh sẽ chết bởi hư danh”. Đúng như thi hào Nguyễn Trãi đã từng khẳng định:

“Hai chữ công danh chẳng cảm cốc

Một trường ân oán những hằm hè…”.

Quá trình đem mình vào cuộc cọ xát giữa chợ đời, đã làm cho ngọn lửa lòng nguội lạnh. May thay, nhân vật trữ tình ở đây còn giữ được một đốm lửa lòng liu riu. Nếu không muốn để tấm lòng son thắm như hoa gạo bên sông thuở nào lụi tắt, thì phải về mà giữ lấy:

Liu riu còn chút lửa lòng

Thắm như hoa gạo bên sông thuở nào…!

Mạch thơ đang từ những băn khoan day dứt chuyện ra về, bỗng bất ngờ chuyển sang dự cảm về cảnh sống đang đợi chờ phía trước:

Thì về… câu ca bờ ao

Trồng rau ruộng cạn; cuốc cào đồng xa

Rượu ngon - trăng sáng - bạn già

Uốn cây đầu ngõ, tỉa hoa cuối thềm.

Câu cá, trồng hoa, làm bạn với trăng và rượu cùng những bạn già, đó là thú vui điền dã của cuộc sống an nhàn. Có lẽ lúc này đây con người mới được sống cuộc sống thực như chính mình, trong cảnh gia đình sum họp:

Thì về… tóc dẫu bạc thêm

Em xưa… nay đã ấm êm phận bà

Có gì riêng của hai ta

Còn gì của những năm xa, tháng đầy…?

Thời gian và cuộc sống cơm áo, đã lấy đi những gì tốt đẹp của tuổi thanh xuân. Sau bao năm cọ xát trên chợ đời, giờ đây trở về bến đỗ gia đình, không tránh khỏi một thoáng giật mình xa xót.

Người yêu, người vợ trẻ tuổi xuân mơn mởn ngày xưa, giờ đã cập bến già nua. Đem tài sản riêng tư của tuổi trẻ làm hành trang bước vào đời, giờ đây liệu có còn gì, hay tất cả chỉ còn là sự tiếc nuối. Câu hỏi cuối khổ thơ cứ như đào xoáy sâu thêm mọi nỗi niềm, làm bật lên cảm giác xót xa, ân hận vì những chuyện hư danh.

Mấy từ Thì về… thì về, được láy lại, biểu hiện sự chấp nhận, với thái độ của người bất đắc chí, phải từ bỏ chính trường. Buồn chán thì về, nhưng liệu có ai hiểu được cho mình không? Do đấy người về, không tránh khỏi nỗi cô đơn:

Nỗi lòng ngỏ với ai đây?

Mẹ cha thì đã… như mây cuối trời

Chắp tay con vái lạy Người

Khói hương vấn vít, rối bời… nỗi đau…!

Rối bời nỗi đau, về chuyện phải ra về tay không, sau bao năm mua bán cuộc sống ở chốn chợ đời ư? Không hẳn thế. Bởi chuyện về hưu, với không ít người là dịp được nghỉ ngơi để “đại tu” cơ thể, lấy lại sức khỏe, sống yên vui cùng vợ con, trong cảnh thanh nhàn.

Cho nên nỗi đau ở đây, có thể là nỗi đau khi nghĩ về chặng đường quá khứ của đời mình; về nỗi khổ cực của cha mẹ và nỗi ân hận của đạo làm con chưa tròn chữ hiếu. Tất cả cứ rối bời lên, mờ ảo trong khói hương vấn vít.

Viết bài thơ “Về”, Xuân Nguyên, đã nói hộ nỗi niềm sâu kín của bao người, khi được trút mọi ưu phiền, trên con đường cơm áo cay cực, để trở về với chính mình. Vì thế mà bài thơ đã có một tiếng vang nhất định.

Hà Nội, ngày 28/11/2019

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.