Khói rơm trong vườn thơ Võ Thị Hồng Tơ

GD&TĐ -  Đã là con người, ai mà chẳng được sinh ra và lớn lên trong tình cha, lòng mẹ. Công nuôi dưỡng của cha mẹ đối với con mênh mang như trời bể mà có khi suốt cả cuộc đời, những đứa con không bao giờ đi đến được chân trời của tình yêu thương ấy...  

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Phận già chưa hết lo âu

Đồng trưa tay mẹ rối nhàu mạ non

Gió xô nghiêng bóng bãi cồn

Áo tơi che lệch lưng tròn mẹ tôi.

Nắng mưa chai sạn quen rồi

Đói no phiên chợ không lời trả vay

Mất mùa trắng cả đôi tay

Cháo rau mẹ vẫn đong đầy thảo thơm

Bao phen lũ quét bão chồm

Nhà xiêu mẹ chống đêm hôm một mình

Cha đi khuất bóng đầu ghềnh

Mẹ lo trăm nỗi bập bềnh tai ương

Nuôi con cơm nhịn cá nhường

Con đi mẹ gửi dặm trường lời ru

Đêm quê gió quyện sương mù

Cô đơn mẹ gánh trăng thu đi rồi

Tôi theo cơm áo quê người

Khói rơm,

Mẹ đã về trời mỏng tang

Vườn xưa bông mướp rụng vàng

Tôi đi tìm mẹ,

Mưa loang trắng chiều!

(Khói rơm về trời, Báo Văn nghệ số 38, 17/9/2016)

Đã là con người, ai mà chẳng được sinh ra và lớn lên trong tình cha, lòng mẹ. Công nuôi dưỡng của cha mẹ đối với con mênh mang như trời bể mà có khi suốt cả cuộc đời, những đứa con không bao giờ đi đến được chân trời của tình yêu thương ấy. Nói về công cha, nghĩa mẹ, ca dao xưa đã từng có câu:

Công cha như núi Thái sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.

Giữa công cha và nghĩa mẹ, câu ca dao cổ đã có sự cân đo rạch ròi. Núi Thái sơn dù có cao đến mấy đi chăng nữa, thì vẫn có giới hạn nhất định. Nhưng nghĩa mẹ thì vô cùng vô tận, như nguồn nước tuôn tràn.

Có lẽ vì thế mà số lượng những bài thơ viết về mẹ nhiều hơn những bài thơ viết về cha và thường hay hơn, cảm động hơn. “Khói rơm lên trời” của Võ Thị Hồng Tơ cũng là một bài thơ đầy cảm động, viết về người mẹ nông dân mang tính tiêu biểu.

Xưa nay, khi viết về những người mẹ nông dân cần cù lam lũ, người ta thường dùng hình ảnh con cò, con vạc… để biểu trưng. Còn Võ Thị Hồng Tơ lại sáng tạo ra một hình ảnh mới, đó là “khói rơm”, một hình ảnh suốt đời gắn bó, quấn quýt với người nông dân (rơm là thân cây lúa, sau khi đã tách hết hạt ra, người nông dân thường phơi khô, để làm thức ăn cho trâu bò và đun nấu. Khói từ bếp lửa rơm bay ra gọi là khói rơm).

Điều đặc biệt của bài thơ là nói về khói rơm, nhưng người đọc không thấy hình ảnh khói rơm đâu cả, ít ra như trong mấy câu ca dao cổ:

“Ngồi buồn đốt một đống rơm

Khói bay nghi ngút chẳng thơm chút nào

Khói bay đến tận Thiên tào

Ngọc Hoàng phán hỏi đứa nào đốt rơm ?”.

Hình ảnh người mẹ cũng không được tác giả miêu tả trên cái nền của khói rơm, hoặc lẫn quyện vào trong sắc, mùi của rơm khói. Khói rơm chỉ là một hình thức ẩn dụ nhằm tạo nên sự so sánh liên tưởng giữa người mẹ và làn khói mong manh hư ảo, mang trong nó cái mộc mạc, giản dị của cuộc sống dân dã. Thân phận những người mẹ nông dân, suốt đời là như vậy:

Phận già chưa hết lo âu

Đồng trưa tay mẹ rối nhàu mạ non.

Nỗi lo về ruộng đồng, về cơm áo là nỗi lo truyền kiếp, đuổi theo những người nông dân. Cho nên bức chân dung của người mẹ được thể hiện gắn liền với nỗi lo ấy. Nỗi lo như một “cái nền” hư ảo, để khắc họa hình tượng của người mẹ đầy khắc khổ mà cũng rất đỗi thân thương.

Ranh giới của thời gian đêm - ngày, sớm - tối, trưa - chiều, với mẹ như bị xóa nhòa bởi công việc. Cho đến cả lúc đáng lý được nghỉ ngơi, thì tay mẹ vẫn rối bời mạ non. Hình ảnh rối bời mạ non, hàm súc quá, có thể đem lại nhiều cách hiểu khác nhau. Ta có thể hiểu, trưa rồi mà mạ non vấn còn nhiều đến mức rối bời trong tay mẹ.

Nhưng cũng có thể hiểu: Tay mẹ “rối bời” vì mạ non. Rối bời trong cách hiểu này có nghĩa là luống cuống, vội vã cấy nốt những rẻ mạ xuống ruộng cho kịp thời vụ… Đời mẹ là cuộc đời bươn bả trong công việc, xông pha trong gió táp, mưa sa. Trong tâm khảm của đứa con yêu, hình ảnh mẹ già vừa yếu ớt, vừa có cái gì tội nghiệp, xót xa:

Gió xô nghiêng bóng bãi cồn

Áo tơi che lệch lưng tròn mẹ tôi;

Lại vừa mạnh mẽ, đầy tự hào:

Bao phen lũ quét bão chồm

Nhà xiêu mẹ chống đêm hôm một mình

Cha đi khuất bóng đầu ghềnh

Mẹ lo trăm nỗi bập bềnh tai ương.

Lẽ thường, cuộc sống nhiều gian khổ, đắng cay thì dễ làm cho tâm hồn, tình cảm của con người trở nên chai sạn, nhưng với mẹ thì lại càng thêm sáng ngời như vàng thử lửa. Phẩm chất này được tác giả thể hiện qua những hình ảnh tương phản:

Nắng mưa chai sạn quen rồi

Đói no phiên chợ không lời trả vay

Mất mùa trắng cả đôi tay

Cháo rau mẹ vẫn đong đầy thảo thơm.

Suốt đời âm thầm chịu đựng cảnh sống đói khổ và chắt chiu dành dụm, đến mức quên mình, hy sinh tất cả vì tình thương: Nuôi con cơm nhịn cá nhường.

Thương chồng con, thương đời chính là một trong những đức tính quý báu của người mẹ nông dân Việt Nam. Mỗi bước chân của đứa con trên đường đời, đều có nỗi lòng vui buồn, lo lắng, của mẹ gửi theo. Những đứa con, dù khôn lớn nhưng vẫn chỉ là đứa trẻ, suốt đời đi trong bóng mát của tình mẹ: Con đi mẹ gửi dặm trường lời ru. Thế đấy, nhưng mấy khi con đã thấu hiểu hết được lòng mẹ như người con gái trong bài thơ này.

Có những bà mẹ, vất vả nuôi con khôn lớn, đến khi con trưởng thành, chưa kịp hưởng hạnh phúc thì đã phải ra đi theo quy luật, để cho con nỗi đau đớn xót xa, thương tiếc:

Đêm qua gió quyện sương mù

Cô đơn mẹ gánh trăng thu đi rồi.

Để diễn tả sự ra đi đột ngột của người mẹ, tác giả đã dùng hình ảnh ẩn dụ, mang tính tương phản. Nỗi đau thương mất mát này lớn lao quá, như động đến cả đất trời, nên gió quyện sương mù.

Nhưng trong cảnh gió sương mịt mù ấy, thì làm gì có sự xuất hiện của trăng thu? Và nữa: Xưa nay đã có ai gánh được ánh trăng bao giờ đâu? Nên đây chỉ là hình ảnh ẩn dụ, nhằm làm giảm bớt nỗi thương đau trong lòng những đứa con, đồng thời nâng cao tầm vóc lớn lao của người mẹ hiền, một tầm vóc sánh ngang với tạo vật.

Tuy nhiên trong lời thơ điếu, giàu tính ngợi ca này, ta vẫn thấy nỗi ân hận, day dứt của đứa con vốn có lòng hiếu nghĩa với mẹ, nhưng vì chuyện áo cơm mà phải sống xa mẹ, xa quê, nên đã không làm trọn được chữ hiếu:

Tôi theo cơm áo quê người

Khói rơm

Mẹ đã về trời mỏng tang.

Sự ra đi của mẹ tuy nhẹ nhàng, thanh thản như làn khói rơm vậy, nhưng đã để lại cho các con nỗi buồn đau với cõi lòng trống vắng. Con bơ vơ đi tìm mẹ, nhưng có bao giờ còn thấy được! Có chăng, chỉ gặp lại những dấu ấn của mẹ thoáng qua trong cảnh vườn chiều buồn hoang vắng:

Vườn xưa bông mướp rụng vàng

Tôi đi tìm mẹ,

Mưa loang nắng chiều.

Hình ảnh bông mướp rụng vàng và mưa loang nắng chiều, nói gì với ta đây?

Cảnh xưa từng gắn bó với mẹ vẫn còn đấy, nhưng dáng mẹ xưa “lưng còn gánh nặng kiếp long đong” đâu rồi! Hình ảnh mưa loang nắng chiều là cảnh nhưng cũng là tình. Nắng chiều vốn đã khô nhạt, hờ hững buồn, giờ đây lại có những vệt mưa loang vào trong nắng, cho lòng thêm nặng nỗi buồn thương, bâng khuâng, mất mát.

Khói rơm về trời của Võ Thị Hồng Tơ là một bài thơ viết về mẹ đầy cảm động, được thể hiện bằng nhiều hình ảnh sáng tạo, độc đáo, ít thấy trong thơ ca.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.