Vững vàng trước cám dỗ

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Báo chí đối diện với nhiều khó khăn và thách thức, đòi hỏi người làm báo phải có bản lĩnh vững vàng.

Phóng viên Báo GD&TĐ phỏng vấn ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga.
Phóng viên Báo GD&TĐ phỏng vấn ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga.

Xung quanh vấn đề này, bà Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội có những đề xuất về cơ chế hoạt động, góp phần tạo thuận lợi hơn cho các nhà báo tác nghiệp.

Khẳng định tính ưu việt

- Trong bối cảnh công nghệ thông tin và mạng xã hội phát triển mạnh mẽ, báo chí chính thống sẽ đối diện với những khó khăn và thách thức gì, thưa bà?

- Tôi cho rằng, một trong những thách thức lớn đó chính là cạnh tranh thông tin. Tại sao vậy? Bởi vì về cơ bản, mạng xã hội cũng có những tính chất gần với báo chí, chẳng hạn như tính thông tin, thời sự. Về vấn đề này, mạng xã hội có ưu thế hơn báo chí, bởi mạng xã hội có rất nhiều người tham gia. Chỉ với một chiếc điện thoại thông minh là bất kỳ ai cũng có thể là người đăng thông tin và trở thành “phóng viên mạng”. Trong khi, các cơ quan báo chí thì số lượng phóng viên có hạn và mọi tin tức đều được kiểm duyệt theo quy trình chặt chẽ trước khi cung cấp cho công chúng.

Hiện, diện “phủ sóng” của mạng xã hội rất rộng, từ thành thị, nông thôn cho đến miền núi, vùng sâu, xa, biên giới, hải đảo; từ học sinh cho đến người già nhưng nhiều nhất là giới trẻ. Đây là một trong những lợi thế của mạng xã hội và cũng là thách thức cho cơ quan báo chí.

Dù vậy, báo chí vẫn có những ưu việt mà mạng xã hội không thể có được. Trước hết là tính chính thống được thể hiện rất rõ ở báo chí. Cho nên những người có hiểu biết sẽ nhận thức rằng, thông tin trên mạng xã hội chỉ có tính chất tham khảo, giải trí, vui vẻ. Những thông tin trên mạng xã hội sẽ được họ xác thực trên báo chí. Bởi họ luôn coi báo chí là kênh cung cấp thông tin chính thống và gửi gắm niềm tin.

Thứ nữa, phóng viên, nhà báo là đội ngũ tinh hoa được đào tạo bài bản và có ý thức chính trị, nhãn quan trước những thông tin, sự kiện… xảy ra trong xã hội. Do đó, người dân thường đặt niềm tin vào thông tin mà báo chí đăng tải chứ không phải những gì được lan truyền trên mạng xã hội.

Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta phủ định những lợi ích thiết thực của mạng xã hội. Xét ở góc độ thông tin, mạng xã hội có thể là kênh để báo chí khai thác viết bài. Tất nhiên, thông tin đó phải được kiểm chứng theo quy định của tòa soạn và Luật Báo chí hiện hành.

ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga. Ảnh: QH

ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga. Ảnh: QH

Vi phạm đạo đức nhà báo do đâu?

- Với tốc độ phát triển như hiện nay, liệu mạng xã hội có dẫn dắt thông tin báo chí?

- Tôi tin rằng không bao giờ có chuyện đó xảy ra, cho dù mạng xã hội có phát triển như thế nào, trí tuệ nhân tạo phát triển ra sao. Tuy nhiên, như tôi đã nói, những thông tin trên mạng xã hội có thể sẽ là căn cứ để báo chí vào cuộc. Điều này có thể giải thích được, bởi vì mạng xã hội là nơi nhiều người tham gia. Từ đây, phóng viên có thể biết được sự việc gì, xảy ra như thế nào, xu hướng của xã hội là gì và dư luận xã hội đang tập trung ra sao? Trên cơ sở đó, phóng viên sẽ có định hướng cho bài viết của mình.

Tôi cho rằng, những người làm báo cần nhanh nhạy nhất về mặt thông tin. Theo logic này, mạng xã hội sẽ là kênh để họ tham khảo và điều đó không sai. Những người làm báo thông minh, tức thời là người biết tận dụng mọi nguồn tin để khai thác, trong đó có mạng xã hội. Thậm chí qua mạng xã hội, phóng viên cũng biết được dư luận đang đánh giá sai hay đúng, có hiểu lầm về một vấn đề nào đó. Bằng kiến thức, nghiệp vụ của mình, nhà báo có thể phản biện, giải thích để làm sáng tỏ vấn đề dư luận quan tâm.

Thực tế cho thấy, việc một chủ thể đưa bất kỳ thông tin nào lên mạng xã hội hoàn toàn phụ thuộc vào năng lực, trình độ, nhận thức và quan điểm cá nhân. Tuy nhiên, báo chí với tư cách là cơ quan ngôn luận thì bất kỳ thông tin nào cung cấp cho người đọc/ xem/ nghe đều được kiểm duyệt theo quy định. Khi thông tin được đăng tải trên báo chí, nghĩa là nó không còn là của riêng một cá nhân nào nữa, mà là quan điểm của tờ báo; trong đó có vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan báo chí.

- Nhiều người cho rằng, “sức ép” về kinh tế báo chí đã tạo ra những hệ lụy không mong muốn, trong đó có nhiều nhà báo vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Vậy quan điểm của bà về vấn đề này như thế nào?

- Qua theo dõi cho thấy, có những phóng viên, nhà báo vi phạm đạo đức nghề nghiệp và vướng vào vòng lao lý. Trên thực tế đã có phóng viên bị khởi tố. Đây là sự việc đáng tiếc.

Thẳng thắn mà nói, ở bất kỳ lĩnh vực nào cũng có người này, người kia. Việc phóng viên, nhà báo vi phạm pháp luật có một phần nguyên nhân từ áp lực kinh tế. Tôi được biết, thời gian qua nhiều tòa soạn, cơ quan báo chí được giao tự chủ về tài chính. Việc này trở thành gánh nặng cho tòa soạn.

Từ đây, cơ quan báo chí giao định mức cho phóng viên, người làm báo. Chẳng hạn, trong 1 tháng, 1 quý phải mang về cho cơ quan doanh thu bao nhiêu, tương ứng với bao nhiêu hợp đồng? Điều này cũng trở thành áp lực với phóng viên, đặc biệt là với đội ngũ phóng viên trẻ. Đây cũng là một trong những lý do khiến một số phóng viên “nhắm mắt” làm liều, dẫn đến “sẩy chân”. Song phải khẳng định, đó chỉ là những trường hợp cá biệt nên không thể đánh đồng với tất cả “làng báo”.

Tôi nhấn mạnh rằng, những vi phạm của một số nhà báo không phải chủ yếu do áp lực về kinh tế mà tòa soạn giao. Đầu tiên là nhận thức, nhà báo đã không vượt qua cám dỗ nên vi phạm quy định của pháp luật. Nhiều người không giữ được sự trong sạch về đạo đức người làm báo.

Ai cũng biết, báo chí là một trong những lĩnh vực thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội. Đây là điều đáng mừng, bởi theo đánh giá, nhìn nhận của phần đông độc giả, nhà báo là những người đấu tranh cho lẽ phải. Cho nên khi biết có phóng viên vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, dư luận sẽ chú ý và tìm hiểu kỹ hơn so với các ngành nghề khác. Ở một khía cạnh khác, đây cũng là dấu hiệu cho thấy xã hội rất quan tâm đến nghề báo và đề cao người làm báo.

Phóng viên CQTT Đài TNVN (VOV Tây Bắc) tác nghiệp tại rốn lũ suối Hồng Líu, phường Mường Thanh, TP. Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên.

Phóng viên CQTT Đài TNVN (VOV Tây Bắc) tác nghiệp tại rốn lũ suối Hồng Líu, phường Mường Thanh, TP. Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên.

Cần chế tài đủ mạnh

- Vậy theo bà, người đứng đầu các cơ quan báo chí có vai trò như thế nào để phóng viên thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích của tờ báo?

- Có thể nói, mỗi cơ quan báo chí giống như con tàu, ở đó tổng biên tập được ví như thuyền trưởng, quyết định con tàu đi theo hướng nào để vượt qua “sóng to gió lớn”, thậm chí là “bão bùng”. Tổng biên tập sẽ quyết định đường hướng làm báo cho đội ngũ nhân viên của mình, làm sao để tờ báo không đi chệch hướng, không sai với tôn chỉ, mục đích.

Vì lẽ đó, tôi đánh giá cao vai trò quan trọng của tổng biên tập. Chính bởi vậy mà trong Luật Báo chí và các văn bản có liên quan đều đề cập đến tiêu chuẩn, tiêu chí của tổng biên tập…

Bên cạnh đó, cơ quan báo chí, các chi hội nhà báo cần tăng cường tổ chức lớp tập huấn về nghiệp vụ, kỹ năng làm báo; đồng thời quán triệt tinh thần tới hội viên về việc thực hiện tốt Quy định đạo đức nghề nghiệp.

- Theo bà, giải pháp nào để chấn chỉnh tờ báo hoạt động sai tôn chỉ, mục đích và hạn chế tình trạng vi phạm đạo đức nhà báo?

- Thực ra, chúng ta đã có chế tài xử lý. Tuy nhiên, những năm qua cũng có những lúc còn xuê xoa, chưa quyết liệt. Việc cần làm lúc này là, rà soát lại chế tài để xem các quy định đã đủ sức răn đe hay chưa. Thứ nữa, cần kiên quyết xử lý sai phạm, thậm chí có thể đình bản với những tờ báo vi phạm nặng. Như vậy mới đảm bảo tính nghiêm minh và đủ sức răn đe.

Ngoài ra, cần rà soát lại Luật Báo chí năm 2016, những quy định nào chưa phù hợp, lỗi thời, lạc hậu thì điểu chỉnh, bổ sung; trong đó cần chú ý đến quy định những việc/ hành vi nhà báo không được làm và chế tài xử lý khi phóng viên, tòa soạn vi phạm nguyên tắc hoạt động báo chí.

Hiện nay, nhiều cơ quan báo chí đối diện với khó khăn, thách thức khi thực hiện cơ chế tự chủ. Trong bối cảnh đó, Nhà nước có thể tính toán tăng cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các cơ quan báo chí nhằm giảm bớt gánh nặng về tài chính.

- Xin cảm ơn bà!

“Tôi cho rằng, một trong những nhiệm vụ, sứ mệnh quan trọng của báo chí là dẫn dắt dư luận chứ không phải mạng xã hội. Trong lúc mạng xã hội “bùng nổ” thì vai trò định hướng dư luận của báo chí cần phải được đề cao. Tuy nhiên, qua theo dõi tôi thấy cũng có những lúc vài cơ quan báo chí chạy theo thông tin của mạng xã hội”, bà Nguyễn Thị Việt Nga nhìn nhận.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ