Nhớ về một thời làm báo Người giáo viên nhân dân

GD&TĐ -Thi tốt nghiệp xong, tháng 8 chúng tôi chuyển đến huyện Phù Cừ (Hưng Yên) tập quân sự gần một tháng, rồi ra trường. Ngày 13/9/1967, tôi trở lại văn phòng khoa ở chỗ sơ tán, rồi lên Văn phòng Bộ Giáo dục nhận quyết định về báo NGVND. Sáng 14/9/1967, tôi đến nhà 14 phố Lê Trực (quận Ba Đình, Hà Nội) nhận công tác.

Nhớ về một thời làm báo Người giáo viên nhân dân

1. Mùa hè năm 1967, Mỹ tăng cường bắn phá miền Bắc. Trong căn nhà không rộng rãi gì, nhưng chị Khanh có con gái hai tuổi và em chồng đang học cấp 2, còn chồng chị là bác sĩ quân y ở xa, đã cho 3 sinh viên ở, nay nhận thêm hai gia đình từ Hà Nội khẩn trương sơ tán về, nên căn nhà chật chội hơn.

Khi tôi cùng hai bạn Nguyễn Thu An và Hoàng Thu Ba đang ôn thi tốt nghiệp khoa Văn, Đại học sư phạm Hà Nội, thì có một cán bộ đến tìm tôi. Anh vào đề ngay: Cô có muốn về làm báo không? Thưa, làm báo gì ạ? Làm báo Người giáo viên nhân dân.

Thú thật, sinh viên thời ấy, chẳng biết báo chí gì cả, chỉ nghe tên một số tờ báo như Nhân dân, Quân đội, Tiền phong, mà cũng chưa được đọc. Tôi thật thà: “Em chưa biết làm báo là làm gì, nhưng em sẵn sàng theo sự phân công của trường”. 

Chẳng là thời ấy, chúng tôi chỉ biết học, và luôn luôn theo tinh thần của phong trào “Ba sẵn sàng” do Trung ương Đoàn thanh niên phát động. Anh Nguyễn Văn Việt (Việt Hà) ra về, hẹn sẽ gặp tôi sau.

... Tòa soạn ở trong một biệt thự thời Pháp, gọn, đẹp. Đối diện là một bức tường dài trầy trụa, ám khói. Đây là bức tường của dãy nhà kho vật tư bưu điện đã hứng chịu mảnh máy bay phản lực Mỹ bị lực lượng phòng không Hà Nội bắn rơi hồi tháng 7/1967. Khu nhà kho ấy là nơi anh Hoàng Văn Thụ bị thực dân Pháp bắt năm 1940 và bị kết án tử hình năm 1941.

Tòa soạn vắng ngắt. Người làm văn thư hỏi qua rồi chỉ lên gác hai (tức lầu 1). Tôi lên, một anh luống tuổi với nhiều xấp giấy tờ (sau này tôi mới biết là các bài báo đang được lựa chọn, biên tập). 

Tôi trình tờ quyết định công tác, anh Lương Gia Ninh kéo ghế mời ngồi, vui vẻ tiếp tôi. Anh cho biết báo sơ tán về Đan Phượng (Hà Tây) cách đây khoảng trên 30 cây số. Biết hoàn cảnh sinh viên mới ra trường, anh cho tôi tạm ứng 15 đồng, cho mượn xe đạp, ghi địa chỉ, vẽ đường đi rồi dặn tôi, mai đi sớm, tránh máy bay. 

Dù chỗ sơ tán không xa, nhưng lần đầu tiên đi xe đường dài, lại gặp toàn đường bờ ruộng, nên vất vả lắm tôi mới đến được sau hơn 3 tiếng đồng hồ. Đến đúng vào giờ cơm trưa, gặp gần như đầy đủ mọi người trong cơ quan. 

Tôi hòa nhập vào không khí ấm áp của tòa soạn trong bữa cơm đạm bạc quây quần giữa gian nhà rộng nhất mà chủ nhà dành cho báo làm văn phòng. 

Tôi được bác Tô Văn Của, Chủ nhiệm báo, một người đàn ông cao to, tóc hoa râm, cắt ngắn, giọng miền Nam (quê Biên Hòa) tập kết tiếp chuyện. Bác vui vẻ lật tờ báo NGVND trên bàn, nói qua về nội dung. Một tờ báo khổ A3, chỉ có 8 trang , mỗi tuần ba kỳ. Bác trao cho tôi tờ báo, dặn dò này nọ...

Tôi đến nhà trọ. Một căn nhà lá hai gian. Nhà có hai mẹ con, cháu trai ba tuổi thấy có khách, rất vui. Bố cháu là bộ đội đã đi B hai năm.. Mấy hôm sau, có thêm chị Nguyễn Hồng Anh, tốt nghiệp khoa Văn với tôi và chị Nguyễn Khánh Ngọc, tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật. anh Thông, học hàm thụ khoa Văn, ĐHSP. 

Căn nhà nhỏ trở nên đông vui. Toàn bộ tòa báo NGVND có 30 người. Các phóng viên: Lương Gia Ninh, Nguyễn Ngạn, Nguyễn Hữu Nghiệp, Phạm Phát, Lê Khắc Hoan, Nguyễn Quang Vinh, Dương Đình Hy, Nguyễn Văn Lạp, Nguyễn Phú Hưởng, Trần Đức Tam, Nguyễn Trường Thụy. 

Năm sau có thêm Nguyễn Văn Toại công tác ở Đài Phát thanh Tây Bắc và Nghiêm Đa Văn, dạy học ở Hà Tĩnh chuyển về. Họ là những cây bút trụ cột của báo, hướng dẫn tận tình cho tôi kinh nghiệm đi công tác, lấy tài liệu, viết bài, biên tập…

Sáng 24/10/1967, chuyến đi công tác đầu tiên là qua Phú Thị (Gia Lâm, Hà Nội) làm việc với trường cấp 1 Phú Thị, cùng đi có bác Tô văn Của, anh Dương Đình Hy, anh Trường Thụy… 

Lúc đi, qua cầu phao Chương Dương cảnh sông nước đôi bờ sông Hồng thanh bình, thơ mộng. Nhưng 10 giờ có báo động và máy bay ném bom dữ dội cầu Long Biên… Dự một tiết viết chính tả của cô Tím, về tôi viết bài báo đầu tiên.

2.Có một chuyến đi mãi mãi là một kỷ niệm đẹp trong tôi về tình người. Một ngày cuối năm 1969, tôi được phân công đi dự họp tổng kết ngành mẫu giáo ở huyện Nghĩa Hưng (Nam Định). 

Tôi tự đi bằng xe đạp. 6 giờ sáng, rời Hà Nội, trời quang mây tạnh. Nhưng đi đến Thường Tín thì trời lất phất mưa. 11 giờ đến Phủ Lý, một thị xã bị máy bay Mỹ ném bom nhiều lần, phố xá đổ nát, gạch đá ngổn ngang nhưng cuộc sống vẫn nhộn nhịp. Vào cửa hàng mậu dịch ăn cơm trưa. 

12 giờ, tôi đạp xe đi tiếp trên quốc lộ 1 hướng về thành phố Nam Định. Đường rộng thênh thang, người đi thưa thớt. Mưa mỗi lúc một to, ngược gió. 

Đi được dăm cây số, bỗng có hai chiếc xe vượt lên trước, rồi chậm lại. Khi đi song song với tôi, họ quay sang làm quen. Đó là hai người đàn ông từng trải, tỏ vẻ ái ngại cho hành trình xa xôi của tôi. 

Hai người nói là thanh niên xung phong ở Quảng Bình, được cử ra Hà Nội nhận hàng Tết cho đơn vị, tranh thủ về quê thăm gia đình. Lúc đó tôi cũng chưa hình dung được đường đến Nghĩa Hưng còn bao xa. Vào thành phố Nam Định. 

Trời sập tối dưới cơn giông. Như hiểu được tâm trạng của tôi, người đàn ông dáng thấp, đậm lên tiếng: “Tới Nghĩa Hưng còn xa. Trời đang mưa, cũng sắp tối rồi, cô đi nguy hiểm lắm. Tôi sắp đến nhà, còn anh này nhà ở hướng đi Nghĩa Hưng, cô nên vào nhà trú qua đêm, mai đi”. 

Nói xong, anh chào tôi và bạn rồi rẽ vào một con phố, không quên nhắc bạn giúp đỡ tôi. Tôi đạp xe theo người còn lại qua mấy con phố đã lên đèn, nhìn rõ những chỗ từng hố bom đầy nước. Hết đường phố, rẽ vào đường đi Nghĩa Hưng, rồi lại rẽ phải, qua mấy thửa ruộng. 

Cuối cùng, tôi và anh cũng về đến cổng nhà. Nước từ mái tranh trút xuống rào rào. Bà mẹ ra thềm đón, vẻ ngạc nhiên: Con về…Anh nói nhanh: “Chị đây trên Hà Nội, đi họp ở Nghĩa Hưng, trời mưa và tối, con mời chị về nhà ta nghỉ qua đêm. Mẹ nấu cơm cho chị ăn”. Nói xong, anh đưa cho mẹ gói quà, rồi quay sang bảo tôi: “Bây giờ chị ở đây với mẹ tôi, tôi về bên nhà vợ.”

Tôi ở lại, ăn một bữa cơm gạo quê ngon, ngủ một đêm ấm áp với một người phụ nữ xa lạ. Sáng bà gọi tôi dậy. Không biết bà thức lúc nào, dọn cơm ,canh nóng cho tôi ăn. Xong bữa, tôi cảm ơn rồi đi. Lòng nhẹ nhàng, thanh thản, đến mức quên cả hỏi địa chỉ, tên tuổi của bà và con trai bà.

3. Tôi làm việc ở báo NGVND hơn ba năm thì chuyển ra đi dạy. Sau đó tờ báo cũng người đi, người ở, người về. Không ít người đã “về chín suối”. 

Những gương mặt thân quen của tòa soạn bấy giờ, đến nay tôi vẫn không quên một ai. Một số người tôi vẫn bắt được liên lạc thăm hỏi như anh Phạm Phát ở Đà Nẵng, nay đã 80 tuổi, viết nhiều truyện ngắn trên báo Văn Nghệ. 

Anh Lê Khắc Hoan, thời ấy đã có những tác phẩm nổi tiếng: “Chân trời xa xôi”. Truyện “Dưới mái trường thân yêu” tái bản nhiều lần.

 Cách đây hai năm, anh cho ra mắt tác phẩm “Trăm năm ly hợp Lê Khắc gia phả chí” có nhiều đoạn viết về báo NGVND và tạp chí Thế giới mới do anh sáng lập. 

Anh Nguyễn Văn Toại, nhà văn có nhiều tiểu thuyết: “Cẩm chướng đỏ”, “Lấy dây buộc mình”, “Vầng trăng mặt sáng”, và nhiều tác phẩm khác. Họa sĩ Khánh Ngọc, mở một xưởng làm búp bê ở Gia Lâm (Hà Nội), nuôi và dạy nghề cho hàng chục trẻ kém may mắn nhiều năm nay... 

Mỗi lần có “A lô” cho nhau, vẫn không quên tranh thủ nhắc vài kỷ niệm một thời của báo NGVND ở 14 Lê Trực “rau cháo có nhau”, và có cuốn sách, bài báo nào mới viết lại gửi tặng để đọc cho vui và để nhớ nhau.

Khi Bộ giáo dục, Bộ Đại học và chuyên nghiệp sáp nhập thành Bộ Giáo dục và Đào tạo, báo NGVND lấy manchette mới là Báo Giáo dục và Thời đại, thì những người mới vẫn không quên người cũ.

 Sau khi rời bục giảng ở trường THPT Bùi Thị Xuân (TPHCM) tôi đã tích lũy tài liệu dày dặn, viết bài cho nhiều báo. Báo GD&TĐ, Tài hoa trẻ, Thế giới mới đã đăng nhiều bài của tôi. Đó là một sự tiếp nối nghề nghiệp cao quý.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ