(GD&TĐ) - Trường Sa - nơi ấy là một phần không thể tách rời của Tổ quốc Việt Nam, đó còn là điểm tựa thiêng liêng, tiền tiêu vững chắc giữa trùng khơi ngày đêm canh giữ cho sự bình yên, toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải của Tổ quốc.
Cô Bùi Thị Nhung với lớp học "đa cấp" trên thị trấn đảo Trường Sa Lớn |
Đô thị xanh giữa trùng khơi
Sau nhiều ngày lênh đênh trên biển, qua các đảo Song Tử Tây, Đá Nam, Cô Lin, Sinh Tồn, Trường Sa Đông và Đá Tây, con tàu HQ 936 đã đưa chúng tôi cập bến đảo Trường Sa Lớn, trung tâm của huyện đảo Trường Sa.
Đảo cách Cam Ranh (Khánh Hòa) khoảng 450 km, cách Vũng Tàu hơn 500 km đường biển; có hình dáng gần giống một tam giác vuông, diện tích khoảng 0,2 km2, là đảo lớn thứ tư của quần đảo Trường Sa. Đây cũng là đảo duy nhất đã có đường sân bay ngắn, có Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và gần đây chùa Trường Sa Lớn cũng đã được xây dựng xong. Đại đức Thích Giác Thành cùng đi trên con tàu đưa chúng tôi cập bến Trường Sa Lớn lần này sẽ là chư tăng đầu tiên ra nhậm trụ trì tại chùa, để từ nay, không chỉ người dân sinh sống trên đảo mà cả bà con ngư dân ra đánh cá trong khu vực đã có chốn gửi gắm tâm linh giữa nơi trùng khơi sóng gió.
Chuyển quà tặng của đoàn công tác tới quân và dân trên đảo lên cầu cảng |
Thị trấn nhìn từ xa đã tỏ rõ dáng hình của một đô thị nhỏ với Nhà khách Thủ đô – quà tặng của nhân dân Thủ đô Hà Nội tặng quân và dân trên đảo - duyên dáng khoe mình ngay lối dẫn từ cầu tàu đi lên. Chưa kể một chòi đá cao 5,5 m ở mũi phía nam, một đường băng và một cảng cá… Vành đá ngầm bao quanh đảo nổi trên mặt nước khi triều xuống tạo cảm giác một không gian rộng rãi hơn diện tích nổi thực tế khá nhiều.
Khác với nhiều đảo trên quần đảo, Trường Sa Lớn được thiên nhiên ưu đãi nguồn nước lợ sử dung được, là nguồn nước quan trọng thứ 2 sau nước mưa, bảo đảm cung cấp cho nhu cầu sử dụng của quân và dân trên đảo cũng như ngư dân ghé qua trên hải trình đánh bắt cá xa bờ.
Theo Chủ tịch UBND Thị trấn Trường Sa Đinh Văn Hải, Trường Sa Lớn là nơi thuận lợi cho tàu đánh cá của ngư dân vào neo đậu, tránh bão. Năm 2011 và quý I/2012 đảo đã tạo điều kiện cho 185 lượt tàu đánh cá của ngư dân ra khai thác hải sản. Đồng thời đã hỗ trợ 15.520 lít nước ngọt, khám, điều trị và cấp thuốc cho 243 trường hợp (ngư dân 177, nhân dân 66) và nhiều thuốc chữa bệnh cũng như vật dụng sinh hoạt khác…
Hiện thị trấn đảo Trường Sa Lớn là nơi đặt trụ sở UBND huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa, trên cơ sở đảo Trường Sa lớn và các đảo, đá, bãi phụ cận như đảo An Bang, Bãi Thuyền Chài… Trên đảo còn có Trung tâm cứu hộ, cứu nạn, Trạm khí tượng hải văn, Trạm Y tế… “Trường học” dành cho con em người dân trên đảo nằm trong trụ sở UBND thị trấn được trang bị đầy đủ các trang thiết bị dạy học không khác gì những trang bị dành cho bất cứ ngôi trường công lập nào ở đất liền.
Cái khác là “trường học” gói gọn riêng trong một căn phòng nhỏ; nhưng cũng có “cơ cấu” với lớp mẫu giáo lớn (với duy nhất 1 học sinh), lớp 1 (2 học sinh), lớp 2 (2 học sinh), lớp 3 (1 học sinh) và lớp 5 (cũng với 1 học sinh); do cô giáo Bùi Thị Nhung phụ trách chung, thầy Lê Minh Cảnh (Phó Chủ tịch UBND thị trấn kiêm nhiệm giáo viên) dạy Anh văn và thầy Phạm Gia Huy (Bí thư Chi đoàn đoàn TNCS Hồ Chí Minh thị trấn) dạy vi tính; (Chúng tôi sẽ có bài viết kỹ hơn về lớp học ghép độc đáo giữa biển khơi này - PV) chỉ có thể nói rằng, dẫu còn nhiều khó khăn với nhiều nội dung chương trình diễn ra chung một căn phòng trong cùng một buổi học như vậy, nhưng những bảng điểm cô giáo Nhung đưa ra cũng như các bằng khen của các em được treo trang trọng ở hầu hết các gia đình trên đảo đều là những minh chứng không thể rõ hơn về chất lượng giáo dục rất đáng ghi nhận trên hòn đảo nhỏ này…
Toàn cảnh thị trấn đảo Trường Sa Lớn nhìn từ xa |
Quê hương mới nơi đầu sóng
Nằm ở nơi đầu sóng ngọn gió, Trường Sa Lớn cũng như hầu hết các đảo khác trên quần đảo, luôn hứng chịu sự khắc nghiệt của thời tiết; nhất là từ cuối năm 2011 đến nay liên tục mưa to gió lớn, áp thấp nhiệt đới và cơn bão số 1 đến sớm cách đây ít tuần trái với quy luật nên có ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt của CB,CS, nhân dân trên đảo.
Mặc dù vậy, quân và dân trên đảo đã chủ động khắc phục khó khăn, nhiều hộ gia đình đã tích cực tăng gia, chăn nuôi, đánh bắt hải sản. Thống kê của Chủ tịch UBND thị trấn Đinh Văn Hải cho thấy, hàng năm đảo trồng được 21.920 kg rau xanh (bình quân 92 kg/người/năm), tổng sản phẩm thu hoạch là 414.364.500 đồng, đưa vào cải thiện 331.491.600đồng, bình quân đạt 1.649.212đ/người/năm.
Với đất liền hay các đảo lớn gần bờ, những con số đó có lẽ không có nghĩa gì nhiều, nhưng với mảnh đất nơi trùng khơi này, khi mà một lít nước ngọt cũng phải chắt chiu, một mảnh đất con con được tận dụng tối đa thì một luống rau xanh thôi cũng giá trị hơn cả một cánh đồng rộng lớn ở nơi khác rồi. Vậy mà đâu chỉ có rau xanh, trên đảo còn trồng nhiều cây xanh, cây ăn quả, đã chiết được 486 cây, trồng mới 714 cây xanh các loại, làm cho đảo “trắng” trước đây giờ xanh mát, một trong những hòn đảo “xanh” nhất trong số các đảo trên quần đảo Trường Sa.
Đại đức Thích Giác Thành thỉnh chuông nhập tự chùa Trường Sa Lớn và làm lễ cầu an |
Điện – Đường – Trường – Trạm, Trường Sa Lớn hôm nay đều có đủ. Nguồn điện gió và năng lượng mặt trời đã đủ cung ứng nguồn điện phục vụ sinh hoạt của người dân, đáng ứng yêu cầu sẵn sàng chiến đấu của các cán bộ chiến sĩ.
Ở xa khơi thế này, việc chăm sóc sức khỏe quân và dân trên đảo đương nhiên phải luôn được chú trọng nhất và cũng là một trong những khâu gặp khó khăn nhất; nhưng những gì đảo không đáp ứng được thì đã có đất liền đáp ứng. Mọi người dân trên đảo không thể quên ngày 4/4/2011, chị Nguyễn Thị Thanh Thúy, có thai sắp sinh nhưng bị thai ngang rất nguy hiểm. Đảo phải điện vào bờ điều 2 máy bay trực thăng ra đảo, đưa thêm bác sĩ và thiết bị y tế, nhờ đó 2 mẹ con được cứu kịp thời, nay cháu Nguyễn Ngọc Trường Xuân vừa mừng sinh nhật tròn 1 tuổi trước hôm chúng tôi đến ít ngày.
Và, điều đáng nói hơn ở chỗ, không chỉ là công dân bé nhất của đảo thời điểm này, bé Nguyễn Ngọc Trường Xuân còn là công dân đầu tiên được sinh ra trên đảo Trường Sa Lớn. Từ nay, quê hương em sẽ là Trường Sa.
Trường Sa đã thật sự trở thành nhà, thành quê hương của bao người. Nơi đây sẽ mãi là tiền đồn vững chãi của Tổ quốc.
Nhất Nguyên