Hội nghị tổng kết năm học 2022 - 2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023 - 2024

Vững tin vào năm học mới

GD&TĐ - Toàn ngành Giáo dục tập trung vào 12 nhiệm vụ trọng tâm để triển khai hiệu quả các mục tiêu năm học 2023 - 2024

Học sinh tiểu học (TP Vinh, Nghệ An) trong lễ khai giảng năm học 2022-2023. Ảnh: Hồ Lài
Học sinh tiểu học (TP Vinh, Nghệ An) trong lễ khai giảng năm học 2022-2023. Ảnh: Hồ Lài

Với chủ đề “Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, tiếp tục đổi mới theo chiều sâu, nâng cao chất lượng GD-ĐT”, toàn ngành Giáo dục tập trung vào 12 nhiệm vụ trọng tâm để triển khai hiệu quả các mục tiêu năm học 2023 - 2024.

Ông Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai: Phấn đấu đến năm 2025, giáo dục Lào Cai nằm trong tốp đầu cả nước

Ông Trịnh Xuân Trường.

Ông Trịnh Xuân Trường.

Phát huy kết quả đã đạt được, khắc phục những khó khăn, tồn tại của năm học trước, ngành GD-ĐT Lào Cai xác định chủ đề năm học mới là “Vì học sinh thân yêu - Xây dựng trường học hạnh phúc - Đổi mới và hội nhập” nhằm tiếp tục phát triển toàn diện sự nghiệp giáo dục; tạo đột phá về nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Qua đó, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế.

Để đạt được mục tiêu trên, ngành Giáo dục, các cấp chính quyền cần tập trung quán triệt sâu sắc quan điểm và tổ chức thực hiện sáng tạo, hiệu quả Nghị quyết số 29-NQ/TW. Trong đó, tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; tập trung thực hiện quy hoạch mạng lưới trường, lớp. Nâng cao chất lượng hệ thống trường dân tộc nội trú, dân tộc bán trú, xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia. Phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có 72% trường chuẩn quốc gia.

Cùng với đó, xây dựng trường trọng điểm chất lượng giáo dục, trường đạt tiêu chuẩn quốc tế, trường học thông minh để trở thành nòng cốt, tạo đột phá về chất lượng giáo dục, nguồn nhân lực. Phấn đấu đến năm 2025, giáo dục Lào Cai là một trong các tỉnh đứng tốp đầu cả nước.

Ngoài ra, tập trung phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo. Đây là nhiệm vụ then chốt, đặc biệt quan trọng để phát triển giáo dục, thực hiện đổi mới.

Song song với phát triển đội ngũ, toàn ngành cần đổi mới mạnh mẽ đồng bộ về nội dung, hình thức, phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá theo hướng phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực người học. Đánh giá, tổng kết và nhân rộng mô hình trường học, tổ chức hoạt động giáo dục, đổi mới phương pháp giáo dục, quản lý giáo dục hiệu quả.

Năm 2024, tỉnh Lào Cai quyết tâm thực hiện và đánh giá công nhận các huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 4 tuổi. Đến quý I/2025, đề nghị Bộ GD&ĐT công nhận. Đồng thời, củng cố kết quả, duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục ở 152 xã, phường, thị trấn.

Tiếp tục ưu tiên nguồn lực để xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị giáo dục, đặc biệt là huy động nguồn xã hội hóa để tăng cường cơ sở vật chất trường, lớp học. Đẩy mạnh kiên cố hóa trường, lớp học, xây dựng phòng học bộ môn, phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, đảm bảo đủ thiết bị dạy học.

Cùng với đó, nâng cao nhận thức hội nhập quốc tế về giáo dục và đào tạo. Coi đây là một trong các giải pháp quan trọng để đổi mới giáo dục. Nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ. Đẩy mạnh liên kết đào tạo, thu hút, tiếp nhận giảng viên người nước ngoài giảng dạy tại cơ sở giáo dục.

Ông Phùng Quốc Lập, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Phú Thọ: Nhận diện khó khăn để vượt qua

Ông Phùng Quốc Lập.

Ông Phùng Quốc Lập.

Triển khai nhiệm vụ năm học 2023 - 2024, bên cạnh thuận lợi, ngành Giáo dục Phú Thọ cũng đối mặt với nhiều khó khăn, vướng mắc.

Đó là: Sáp nhập các trường THCS có quy mô nhỏ ở miền núi còn khó khăn (do địa bàn rộng, giao thông chưa thuận lợi, học sinh phải đi học xa). Một số trường đã sáp nhập (từ năm học trước) nhưng vẫn duy trì các điểm trường lẻ nên việc quản lý, điều hành, dạy học của cán bộ quản lý, giáo viên còn bất cập.

Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, cảnh quan môi trường sư phạm các trường THCS, THPT được đầu tư và cải thiện rõ rệt nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu theo quy định mới của Bộ GD&ĐT về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học.

Các phòng học bộ môn còn thiếu về số lượng, thiếu thiết bị dạy học theo Chương trình GDPT 2018, diện tích không đảm bảo... Một số trường ở thành phố, thị xã, thị trấn, đồng bằng có số học sinh tăng nhanh; cơ sở vật chất không đáp ứng kịp nhu cầu phát triển dẫn đến sĩ số học sinh/lớp cao, diện tích sân chơi bãi tập không đảm bảo.

Bên cạnh đó, đội ngũ giáo viên còn thừa, thiếu cục bộ, chưa đồng bộ về cơ cấu bộ môn; việc tuyển dụng bổ sung giáo viên gặp khó khăn do thiếu chỉ tiêu và thiếu nguồn tuyển. Nhiều trường THCS có quy mô nhỏ (dưới 10 lớp) nên khó khăn trong việc bố trí sắp xếp đội ngũ.

Đời sống của giáo viên nhìn chung còn khó khăn. Một bộ phận thầy cô chưa tâm huyết với nghề, năng lực chuyên môn hạn chế nên ảnh hưởng đến chất lượng dạy học. Triển khai Chương trình GDPT 2018 còn một số khó khăn trong tổ chức hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; dạy học nội dung giáo dục địa phương, các môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý (cấp THCS)… Chất lượng giáo dục còn chênh lệch giữa các vùng miền.

Trước khó khăn trên, ngành Giáo dục Phú Thọ đề ra nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp trong năm học tới, gồm: Tiếp tục củng cố, duy trì quy mô, sĩ số học sinh; sắp xếp mạng lưới trường, lớp học theo tinh thần Nghị quyết số 19/NQ-TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

Tăng cường đổi mới công tác quản lý theo hướng giao quyền chủ động, tự chịu trách nhiệm trong xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục nhà trường; đảm bảo linh hoạt, hiệu quả, phù hợp với thực tiễn của địa phương, đơn vị (thực hiện giao chỉ tiêu chất lượng giáo dục cho các cơ sở giáo dục).

Triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm đổi mới hình thức, phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh; tổ chức hiệu quả mô hình đổi mới giáo dục. Trong đó, chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông trong quản lý và tổ chức dạy học; thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong giáo dục.

Tiếp tục thực hiện Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 4, lớp 8, lớp 11 nghiêm túc, hiệu quả. Hoàn thành biên soạn tài liệu giáo dục địa phương đối với lớp 12; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị trường học, ưu tiên bổ sung theo danh mục thiết bị dạy học tối thiểu do Bộ GD&ĐT quy định đối với từng lớp học; đẩy mạnh xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia. Tiếp tục rà soát, sắp xếp, bổ sung đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên; phát triển đội ngũ cốt cán; bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình GDPT 2018.

Tăng cường xã hội hóa giáo dục, khuyến khích phát triển các trường tư thục nhằm huy động nguồn lực đầu tư cho giáo dục. Triển khai hiệu quả công tác giáo dục thể chất và y tế học đường, bảo đảm an toàn trường học, phòng chống dịch bệnh và tai nạn thương tích. Đẩy mạnh giáo dục lý tưởng cách mạng, tư tưởng chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống. Chú trọng, nâng cao hiệu quả công tác tư vấn tâm lý học đường, công tác xã hội trong trường học.

Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Tĩnh: Bứt phá về đổi mới giáo dục

Ông Nguyễn Quốc Anh.

Ông Nguyễn Quốc Anh.

Năm học 2023 - 2024 được xác định là năm học bứt phá, đi vào chiều sâu của đổi mới giáo dục cả nước nói chung và giáo dục Hà Tĩnh nói riêng.

Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, song với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền và sự nỗ lực không ngừng của ngành Giáo dục, các địa phương đang tập trung giải pháp đảm bảo cơ sở vật chất, số lượng giáo viên… phục vụ tốt công tác dạy và học của các trường trên địa bàn tỉnh.

Ngoài hạng mục, công trình được đầu tư xây dựng, hè năm 2023, sở tham mưu, phối hợp chỉ đạo các đơn vị sớm rà soát, xây dựng kế hoạch để chuẩn bị cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục, xây dựng cảnh quan khuôn viên trường học; phấn đấu hoàn thành các công trình xây dựng trước khi năm học mới bắt đầu. Sở cũng có văn bản đề xuất với UBND tỉnh cấp 19,2 tỷ đồng để mua sắm thiết bị giáo dục cho các trường THPT.

Về công tác đội ngũ, sở GD&ĐT tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1308/QĐ-UBND ngày 8/6/2023 về việc phê duyệt chỉ tiêu, cơ cấu tuyển dụng viên chức giáo dục và điều chuyển, biệt phái giáo viên năm học 2023 - 2024. Trong đó, phê duyệt chỉ tiêu, cơ cấu tuyển dụng 229 biên chế viên chức giáo dục năm học mới; điều chuyển giáo viên dôi dư giữa cấp học; ban hành kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, giáo viên năm 2023…

Năm học 2023 - 2024, Hà Tĩnh tiếp tục thực hiện có hiệu quả phong trào xây dựng “Trường học hạnh phúc”; tham mưu quy hoạch, hoàn thiện mạng lưới trường lớp; xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia theo Quyết định số 1314/QĐ-UBND ngày 29/6/2022 của UBND tỉnh về phê duyệt Đề án Xây dựng trường mầm non và phổ thông công lập tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn quốc gia, giai đoạn 2021 - 2025; đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo, nâng cao năng lực quản lý, quản trị trường học.

Trên cơ sở kế hoạch năm học được Bộ GD&ĐT ban hành, tình hình thực tế của địa phương, đơn vị và những kết quả, ngành Giáo dục Hà Tĩnh tiếp tục đặt ra những mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể cho từng cấp học.

Đối với giáo dục mầm non: Tăng cường các giải pháp nhằm đảm bảo an toàn về thể chất và tinh thần cho trẻ; Đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức giáo dục giúp trẻ phát triển toàn diện; Chuẩn bị tốt tâm thế cho trẻ 5 tuổi chuẩn bị vào lớp Một; Tăng tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi mầm non đến trường, lớp; tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng ở các thể dưới 3%.

Đối với giáo dục phổ thông: Tiếp tục thực hiện tốt Chương trình GDPT 2018 và Chương trình giáo dục phổ thông 2006 theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học; giữ vững và nâng cao chất lượng giáo dục đại trà, mũi nhọn; thực hiện tốt định hướng nghề nghiệp, phân luồng sau tốt nghiệp THCS, THPT.

Đối với giáo dục thường xuyên: Thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách Nhà nước về giáo dục thường xuyên, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập. Thực hiện có hiệu quả việc vận động số học sinh tốt nghiệp THCS không học THPT vào học chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT.

Bà Phạm Thị Trung, Giám đốc Sở GD&ĐT Kon Tum: Công bằng trong giáo dục cho học sinh vùng khó

Bà Phạm Thị Trung.

Bà Phạm Thị Trung.

Chương trình GDPT 2018 bước sang năm thứ 4 với những đổi mới về phương pháp, hình thức tổ chức dạy học theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh. Qua đó, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và khả năng vận dụng kiến thức, kỹ năng của người học từng bước khắc phục lối truyền thụ áp đặt một chiều, lý thuyết.

Qua đánh giá hằng năm, Kon Tum đã cơ bản hoàn thành mục tiêu của Chương trình GDPT 2018 là kế thừa các nguyên lý giáo dục nền tảng như “Học đi đôi với hành”, “Lý luận gắn liền với thực tiễn”… Đặc biệt chú trọng tổ chức hoạt động trải nghiệm, thực hành và vận dụng, phù hợp với yêu cầu đổi mới, nhằm giúp học sinh phát triển hài hòa về đức, trí, thể, mĩ.

Trong thời gian tới, ngành Giáo dục Kon Tum tăng cường quán triệt, triển khai có hiệu quả Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Nghị quyết số 02-NQ/TW của Tỉnh ủy về “Nâng cao chất lượng giáo dục đối với học sinh dân tộc thiểu số tính đến năm 2025, định hướng đến 2030”.

Cùng với đó, tiếp tục đổi mới, tăng cường quản lý Nhà nước về giáo dục và đào tạo theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả.

Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục và đào tạo cũng được chú trọng hơn nữa. Bên cạnh đó, rà soát chính sách đối với học sinh dân tộc thiểu số, chính sách với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở trường chuyên biệt, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Sở GD&ĐT Kon Tum cũng đa dạng hóa các mô hình giáo dục, phương thức học tập để phù hợp với học sinh, thúc đẩy học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập. Xây dựng, củng cố và phát triển có hiệu quả mô hình bán trú dân nuôi nhằm huy động có hiệu quả học sinh ra lớp, duy trì chuyên cần nhằm nâng cao chất lượng giáo dục vùng dân tộc thiểu số. Đồng thời tăng cường giám sát, vận động người dân sử dụng có hiệu quả các chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho học sinh.

Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo, bảo đảm đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu cũng được chú trọng… Bên cạnh đó, triển khai có hiệu quả lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của GV. Có giải pháp bố trí đủ nhà giáo dạy học các môn Ngoại ngữ và Tin học để triển khai Chương trình GDPT 2018 từ lớp 3. Triển khai các giải pháp trong đào tạo, điều động, bố trí sử dụng giải quyết căn bản tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ hiện nay ở địa phương.

Qua kiện toàn, sắp xếp các đơn vị sự nghiệp hiện nay tỉnh Kon Tum đã giảm 14,46% đơn vị giáo dục công lập. Toàn tỉnh hiện có 359 trường mầm non và phổ thông trong đó có 753 điểm trường lẻ đang sử dụng…

Thời gian tới, địa phương tiếp tục rà soát, sắp xếp lại mạng lưới các cơ sở giáo dục công lập, giảm điểm trường lẻ để đảm bảo cho học sinh có môi trường, điều kiện chăm sóc, giáo dục tốt nhất. Chú trọng giáo dục mầm non, giáo dục thường xuyên, giáo dục chuyên biệt và tạo cơ hội phát triển giáo dục tư thục để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận, thụ hưởng công bằng thành quả giáo dục.

Ông Lê Quang Trí, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Tiền Giang: Tập trung tuyển dụng giáo viên

Ông Lê Quang Trí.

Ông Lê Quang Trí.

Qua 10 năm triển khai Nghị quyết 29 của Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo ngành GD-ĐT thực hiện và đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Cán bộ, giáo viên, phụ huynh, học sinh, sinh viên có chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong đổi mới căn bản, toàn diện sự nghiệp GD-ĐT.

Qua đó, chất lượng giáo dục toàn diện ngày càng được nâng lên. Khoảng cách về chất lượng giáo dục giữa các trường dần được thu hẹp. Đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ giảng dạy, nhân viên từng bước được củng cố, kiện toàn theo yêu cầu đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, chuẩn hóa về trình độ đào tạo; tỷ lệ cán bộ giảng dạy đạt chuẩn và trên chuẩn về chuyên môn nghiệp vụ và trình độ tin học, ngoại ngữ ngày càng tăng. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tiếp tục được đầu tư, cơ bản đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình, phương pháp dạy học.

Chuẩn bị cho năm học 2023 - 2024, ngành GD-ĐT tỉnh Tiền Giang tập trung rà soát, đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục theo hướng chuẩn hóa, kiên cố hóa, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Hiện, toàn tỉnh có 510 cơ sở giáo dục từ bậc học mầm non đến THPT, với 8.750 phòng học; trong đó có 7.874 phòng học kiên cố (chiếm tỷ lệ gần 90% tổng số phòng học).

Toàn tỉnh thực hiện đầu tư xây mới các phòng học và sửa chữa nhiều hạng mục như cổng trường, hàng rào, nhà vệ sinh; rà soát mua sắm trang thiết bị tối thiểu phục vụ Chương trình GDPT năm 2018.

Trong giai đoạn 2021 - 2025, tổng mức đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng trường lớp ở bậc mầm non là 53 công trình với trên 1.000 tỷ đồng; bậc tiểu học 64 công trình, trị giá hơn 1.064 tỷ đồng; THCS là 48 công trình với 1.007 tỷ đồng; bậc THPT 20 công trình, trị giá 441 tỷ đồng. Nhiệm vụ quan trọng tiếp theo là tập trung tuyển dụng đội ngũ giáo viên còn thiếu ở các cấp học; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong tình hình mới.

Thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho giáo dục, ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tối thiểu bảo đảm thực hiện Chương trình GDPT năm 2018. Tăng cường bồi dưỡng chính trị, tư tưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.

Ngành Giáo dục cũng chủ động phòng, chống và ứng phó hiệu quả với thiên tai, dịch bệnh; Tăng cường hội nhập quốc tế, mở rộng hợp tác song phương, đa phương, tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính trong toàn ngành; Tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực GD-ĐT nhằm xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, ngăn ngừa và xử lý nghiêm các hành vi sai phạm; Đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua trong toàn ngành…

TS Hồ Văn Thống, Hiệu trưởng Trường ĐH Đồng Tháp: Chủ động nắm bắt cơ hội

TS Hồ Văn Thống.

TS Hồ Văn Thống.

Trường ĐH Đồng Tháp là cơ sở giáo dục trực thuộc Bộ GD&ĐT, sau 10 năm triển khai Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, đã có những bước chuyển mình tích cực.

Trường được lựa chọn là một trong các cơ sở giáo dục đại học trọng điểm của cả nước; được Bộ Nội vụ, Bộ GD&ĐT giao nhiệm vụ tổ chức bồi dưỡng nhà giáo theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp dành cho viên chức giảng dạy trong cơ sở giáo dục công lập và chương trình bồi dưỡng thường xuyên, bồi dưỡng ngắn hạn dành cho công chức, viên chức và người lao động.

Nhà trường đang nỗ lực để cải thiện chất lượng đào tạo và định hướng chương trình đào tạo cho phù hợp với nhu cầu đa dạng của sinh viên và đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động. Đồng thời, thực hiện hiệu quả hoạt động nghiên cứu khoa học.

Năm học 2023 - 2024, tập thể nhà trường quyết tâm tập trung thực hiện một số nhiệm vụ chủ yếu: Đẩy mạnh chuyển đổi số ở tất cả lĩnh vực; Tiếp tục rà soát hệ thống văn bản quản lý điều hành, hoàn thiện cơ cấu tổ chức bộ máy của nhà trường theo hướng ngày càng tinh giản, gọn nhẹ, hoạt động hiệu quả; Tiếp cận các chuẩn kiểm định quốc tế và triển khai tự đánh giá một số chương trình đào tạo theo bộ tiêu chuẩn quốc tế; Mở ngành đào tạo mới gắn với phát triển chương trình đào tạo theo hướng liên/xuyên ngành…

Tiếp tục xây dựng nền tảng phát triển của trường với hồn cốt là “Tinh thần Dong Thap University” trên tâm thế chủ động, không tự bằng lòng với vị thế đang có mà luôn tìm kiếm và nắm bắt cơ hội mới để có vị thế cao hơn; tạo dựng hệ sinh thái giáo dục đại học Đồng Tháp với sự năng động, tính học thuật cao, khai phóng, nghĩa tình và ngập tràn niềm vui, hạnh phúc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ