Vững tin công cuộc đổi mới giáo dục

GD&TĐ - GD-ĐT là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân. Đầu tư cho GD là đầu tư phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Để làm rõ hơn những tâm huyết cũng như hiến kế cho ngành GD nước nhà trong sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, phóng viên có cuộc trao đổi với Anh hùng lao động, NGND.GS.TS Võ Tòng Xuân.   

Tính hệ thống trong đổi mới GD phổ thông phải là cốt lõi
Tính hệ thống trong đổi mới GD phổ thông phải là cốt lõi

Đổi mới phải đảm bảo tính hệ thống…

Là người đã nhiều năm gắn bó với sự nghiệp GD, Giáo sư đánh giá như thế nào về quá trình đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT mà nước ta đang nỗ lực thực hiện?

- Đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT là đổi mới những vấn đề lớn, cốt lõi, cấp thiết, từ quan điểm, tư tưởng chỉ đạo đến mục tiêu, nội dung, phương pháp, cơ chế, chính sách, điều kiện bảo đảm thực hiện.

Đổi mới từ sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đến hoạt động quản trị của các cơ sở GD-ĐT và việc tham gia của gia đình, cộng đồng, xã hội và bản thân người học; đổi mới ở tất cả các bậc học, ngành học. Trong quá trình đổi mới, cần kế thừa, phát huy những thành tựu, phát triển những nhân tố mới, tiếp thu có chọn lọc những kinh nghiệm của thế giới. Kiên quyết chấn chỉnh những nhận thức, việc làm lệch lạc.

Đổi mới phải bảo đảm tính hệ thống, tầm nhìn dài hạn, phù hợp với từng loại đối tượng và cấp học; các giải pháp phải đồng bộ, khả thi, có trọng tâm, trọng điểm, lộ trình, bước đi phù hợp.

Anh hùng lao động, NGND. GS.TS Võ Tòng Xuân

Ở nước ta, sự nghiệp GD-ĐT luôn nhận được sự quan tâm. Cụ thể, từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX, về vấn đề GD-ĐT, Nghị quyết Đại hội nêu rõ: “Tiếp tục nâng cao chất lượng GD toàn diện, đổi mới nội dung, phương pháp dạy và học, hệ thống trường lớp và hệ thống quản lý GD; thực hiện “chuẩn hóa, hiện đại hoá, xã hội hoá”. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X khẳng định: “GD-ĐT cùng với KH&CN là quốc sách hàng đầu, là nền tảng và động lực thúc đẩy công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”.

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, trong Cương lĩnh xây dựng và phát triển đất nước thời kỳ quá độ đã nhấn mạnh: “GD-ĐT, KH&CN có sức mạnh nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, góp phần quan trọng phát triển đất nước, xây dựng nền văn hoá và con người Việt Nam. Phát triển GD-ĐT cùng với phát triển khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu; đầu tư cho GD-ĐT là đầu tư phát triển”.

Thực hiện tinh thần của Đại hội, ngày 4/11/2013, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI (Nghị quyết số 29-NQ/TW) với nội dung Đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII là vấn đề đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, phát triển nguồn nhân lực. Quan điểm của Đại hội Đảng lần thứ XII thể hiện sự kế thừa và phát triển trên cơ sở tinh thần tư tưởng Đại hội lần thứ XI… Một trong những sự kiện quan trọng để hướng đến đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT chính là Chương trình GD phổ thông mới đang được hoàn thiện. Tôi rất mừng, xem đây là dấu mốc cho sự tiến bộ của chúng ta về GD&ĐT với sự góp ý, chung sức chung lòng đóng góp từ các nhà khoa học, nhà giáo và toàn xã hội.

Bệ phóng vững chắc trong quá trình hội nhập

Giáo sư có thể cho biết Chương trình GD phổ thông mới của chúng ta sắp triển khai đã đáp ứng được các yêu cầu về GD, đào tạo trong tương lai?

- Tôi đã đọc, nghiên cứu rất kỹ chương trình GD phổ thông mới, từ lúc dự thảo đến khi lấy ý kiến rộng rãi. Điều tôi tâm đắc nhất ở chương trình này chính là giảm các môn học, tăng cường các hoạt động ngoại khóa nhằm phát triển tư duy cho HS.

Song song đó, chương trình rất chú trọng dạy học môn ngoại ngữ, theo tôi đây là yếu tố hết sức cần thiết để HS chúng ta hội nhập với các nước trong khu vực và thế giới… Tôi khẳng định rằng, trí thông minh của người Việt Nam không hề thua kém các dân tộc khác trên thế giới. Bằng chứng là những HS, SV Việt Nam được đi học nước ngoài, đa số các em học rất giỏi; nhiều em còn học giỏi hơn cả HS, SV người bản xứ.

Chúng tôi rất hoan nghênh những cố gắng mà Ban Biên soạn đã dày công tham khảo nhiều chương trình hiện đại của các nước tiên tiến để áp dụng trong bối cảnh Việt Nam. Chương trình GD phổ thông mới có thể đáp ứng mong ước của xã hội ta về một chương trình GD căn bản, hiện đại cho mọi người Việt Nam, làm bệ phóng vững chắc cho sự phát triển tiếp theo trong quá trình hội nhập thế giới.

Có chương trình mới này, Nhà nước sẽ cùng xã hội đầu tư đến nơi đến chốn cho GD phổ thông - nền tảng của GD Việt Nam - để xây dựng mới một thế hệ con người Việt Nam biết kế thừa và phát huy những tinh hoa của đất nước.

Theo tôi, không chỉ đổi mới chương trình mà còn một việc hết sức quan trọng là đào tạo đội ngũ giáo viên ở các trường sư phạm và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên hiện tại để có thể đáp ứng tốt chương trình GD phổ thông mới. Có chương trình tốt, có cơ sở vật chất đầy đủ nhưng thiếu người thầy giỏi thì rất khó thành công.

Đổi mới trước tiên chương trình đào tạo sư phạm

Để đáp ứng được yêu cầu về đội ngũ giáo viên trong tình hình mới, theo Giáo sư chúng ta nên bắt đầu từ đâu?

- Một trong những thay đổi đóng vai trò then chốt trong mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT chính là hệ thống các trường sư phạm - đây là cỗ “máy cái” đào tạo giáo viên. Người thầy trong thế kỷ 21, người thầy trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 không chỉ dạy những điều đã học trong phạm vi chương trình, trong nhà trường mà phải “mở”, phải cập nhật kiến thức và phải dạy những gì xã hội, thời đại cần chứ không phải dạy những gì mà người thầy có.

Nếu người thầy dạy xong về nhà lo việc riêng, chỉ lướt facebook… mà không nghiên cứu, không vào thư viện, không nâng cao trình độ thì chỉ dạy những điều đã cũ, rất khó để đáp ứng được chương trình mới.

Điều rất cần thiết là các trường sư phạm phải có giải pháp đào tạo giáo viên đáp ứng nhu cầu của chương trình mới. Song song đó là công tác bồi dưỡng, đào tạo lại cho đội ngũ nhà giáo các cấp học. Để làm sao khi chương trình GD phổ thông mới được triển khai thì sẽ được thông suốt trong hệ thống, từ trường sư phạm cho đến các trường học.

Trường sư phạm cũng cần phải chú ý nâng cao trình độ ngoại ngữ cho đội ngũ nhà giáo. Khi thầy giỏi chuyên môn, giỏi ngoại ngữ thì trò tự khắc sẽ được nâng cao năng lực, đặc biệt là giao tiếp song ngữ. Nếu không thì người Việt luôn bị “lép vế” về trình độ ngoại ngữ với dân ASEAN, dân Nam Á, dân Trung Đông, dân châu Phi, châu Âu và châu Mỹ khi hội nhập quốc tế.

Vấn đề đổi mới trong đào tạo giáo viên không phải là đơn giản. Gần như tất cả các môn học sẽ đổi mới về nội dung kiến thức và phương pháp dạy học. Với trình độ giáo viên tốt nghiệp từ các trường sư phạm theo chương trình đào tạo giáo viên trước đây thì khó mà dạy nổi chương trình mới.

Do đó, đổi mới cơ bản nhất của GD Việt Nam chính là đổi mới trước tiên chương trình đào tạo sư phạm để đáp ứng sự đổi mới chương trình GD phổ thông. Vấn đề này không được xem thường, phải thẳng thắn nhìn nhận chất lượng đội ngũ giáo viên phổ thông của ta hiện nay để thiết kế lại chương trình đào tạo giáo viên.

Làm sao mỗi giáo viên tốt nghiệp chương trình đào tạo mới phải đạt trình độ cơ bản chuẩn về “tiếng Việt” và “tiếng Anh” (hoặc ngoại ngữ khác); phải đạt trình độ chuẩn các môn học mới thiết kế bởi chương trình GD phổ thông vừa soạn thảo.

Đối với các giáo viên hiện đứng lớp, cần một chương trình đào tạo cấp tốc giáo viên dạy chương trình mới với Bộ Chuẩn kiến thức môn học mới được Bộ GD&ĐT công bố.

Mỗi giáo viên môn học được huấn luyện phương pháp dạy, phương pháp đánh giá mức độ HS đạt chuẩn kiến thức… Làm quen cách dạy với thực tế môn học, phải có khả năng chỉ cho HS những ứng dụng của kiến thức đang học vào thực tiễn.

Khai thác khía cạnh hướng nghiệp của môn học mình đang dạy. Phương tiện dạy và học của mỗi trường học phải được trang bị thật đầy đủ: trợ huấn cụ (đồ chơi để học, máy móc, sân vườn…), thư viện với các tài liệu tham khảo cơ bản (cả giáo viên và HS đều tham khảo) và nối mạng internet với nhiều đầu máy vi tính…

Với những nỗ lực đổi mới GD, đặc biệt là xây dựng Chương trình GD phổ thông mới, theo Giáo sư, thế hệ HS trong tương lai của chúng ta sẽ như thế nào?

- Theo tôi, các mục tiêu GD phổ thông của các quốc gia tiên tiến trong thời đại thế kỷ 21, người tốt nghiệp Việt Nam phải có (1) khả năng giao tiếp bằng một ngoại ngữ, (2) khả năng làm việc hoặc khởi nghiệp, (3) khả năng học thêm nghề chuyên môn, và (4) khả năng học cao hơn trung học.

Phát triển GD-ĐT của chúng ta trong tương lai sẽ chuyển mạnh quá trình GD từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học. Học đi đôi với hành; lý luận gắn với thực tiễn; GD nhà trường kết hợp với GD gia đình và GD xã hội.

Chuyển phát triển GD-ĐT từ chủ yếu theo số lượng sang chú trọng chất lượng và hiệu quả, đồng thời đáp ứng yêu cầu số lượng. Đổi mới hệ thống GD theo hướng mở, linh hoạt, liên thông giữa các bậc học, trình độ và giữa các phương thức GD, đào tạo. Chuẩn hóa, hiện đại hóa GD-ĐT…

Từ đó có thể chủ động, tích cực hội nhập quốc tế để phát triển GD-ĐT, đồng thời GD-ĐT phải đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Xin cảm ơn Giáo sư!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.