Chương trình môn Ngữ văn mới: Nâng cao định tính và định lượng giữa các cấp học

GD&TĐ - “Chương trình chỉ có 2,5% là phần “cứng” thì không thể gọi là chương trình. Cần phải có các tác phẩm ưu việt nhất để bổ sung vào chương trình. Nếu để học sinh và giáo viên đề xuất tác phẩm giảng dạy thì vô cùng nguy hiểm và dân chủ như thế là quá mức”, đó là chia sẻ của PGS.TS Nguyễn Bá Thành, ĐHQG Hà Nội về Dự thảo chương trình môn Ngữ văn mới.  

Chương trình môn Ngữ văn mới: Nâng cao định tính và định lượng giữa các cấp học

Không nên giới hạn 6 tác phẩm bắt buộc

PGS.TS Nguyễn Bá Thành cho biết, chương trình giáo dục phổ thông đang trở thành mối quan tâm của toàn xã hội. Hạt nhân của đổi mới GD phổ thông chính là bắt đầu từ đổi mới chương trình, trong đó có môn Ngữ văn, một môn học căn bản, mang tính cốt lõi trong GD phổ thông cũng như trong đào tạo các thế hệ học trò, các thế hệ trẻ cho đất nước, cho dân tộc. Chúng tôi đánh giá cao vị trí môn Ngữ văn trong chương trình và do đó cũng đánh giá cao những cố gắng lớn lao của nhóm soạn thảo.

Bản Dự thảo môn học Ngữ văn mới rất công phu, bài bản và chi tiết. Có lẽ đây là lần đầu tiên trong lịch sử biên soạn SGK, chương trình một môn học được dự thảo và trưng cầu ý kiến khá rộng của các nhà chuyên môn, các nhà giáo, nhà văn. Nếu tham khảo được nhiều ý kiến của các chuyên gia, bản dự thảo cuối cùng của chương trình có thể sẽ có được một chất lượng đảm bảo hơn chăng.

Một chương trình nhiều bộ SGK là một định đề cần được thảo luận và cụ thể hóa theo các cấp độ khác nhau. Như thế nào là chương trình và khung chương trình? Chương trình ở cấp độ chung của đào tạo phổ thông, chương trình riêng của từng cấp, từng môn, liên môn. Cũng vậy, SGK (số nhiều) dành cho các đối tương học, cấp học, các vùng miền như thế nào cũng cần được thảo luận kỹ càng trước khi soạn thảo. Như vậy cái định đề một chương trình, nhiều bộ SGK cần được giải trình rõ ràng trước khi đi vào nội dung.

Nếu quan niệm chương trình là nội dung cơ bản, là thời lượng và mục tiêu cần đạt, tức là nội dung giảng dạy và việc phân bổ nội dung giảng dạy thì một chương trình sẽ là quy định “cứng”. Và như hiện nay, quy định “cứng” chỉ thiên về phương châm, mục tiêu và 6 tác phẩm được gọi là ngữ liệu bắt buộc, còn lại là tự chọn thì e rằng sẽ tạo ra nguy cơ là loạn về SGK. Mỗi trường và mỗi địa phương đều sẽ lựa chọn và biên soạn theo cách của mình. Các kỳ thi quốc gia về môn Ngữ văn sẽ khó đạt được sự thống nhất về định hướng đề thi.

Dạy lễ và dạy Văn cần theo một tỉ lệ, tương quan thích hợp

Theo PGS.TS Nguyễn Bá Thành, mục 5 trong Tiêu chí và Yêu cầu lựa chọn (tr102) viết: “Căn cứ vào yêu cầu đạt ở mỗi lớp, tác giả SGK và GV chọn dạy những văn bản phù hợp được khuyến nghị trong phụ lục hoặc ngoài phụ lục. Học sinh được đề xuất văn bản phù hợp với yêu cầu của chương trình và lứa tuổi để thảo luận trong nhóm, từng nhóm, GV bàn bạc dân chủ với HS để giải quyết sử dụng trong văn bản này”. Chỗ này lẫn lộn giữa người biên soạn và GV. Hơn nữa, khi ngữ liệu được chọn có thể nằm ngoài khung chương trình thì cần hạn chế một tỉ lệ nhất định. Chẳng hạn 15% hoặc 20%.

Trao đổi về văn bản Dự thảo: Mục 4 trong Quan điểm xây dựng chương trình (tr5) viết: “Chương trình Ngữ văn được xây dựng theo hướng mở, thể hiện ở việc không quy định chi tiết về nội dung dạy học và các văn bản cụ thể cần dạy mà chỉ quy định những yêu cầu cần đạt về đọc, nói và nghe cho một số văn bản có vị trí, ý nghĩa đặc biệt của văn học dân tộc là nội dung thống nhất bắt buộc đối với học sinh toàn quốc”.

Chúng tôi cho rằng, nếu như thế thì dự thảo này, ngoài 6 ngữ liệu hay là tác phẩm có tính bắt buộc ra, phần còn lại chưa phải là chương trình mà là yêu cầu về chương trình. Chúng ta thấy trong bản dự thảo, khái niệm yêu cầu được lặp đi lặp lại hàng trăm lần, riêng trang 5 đã xuất hiện từ này nhiều lần.

Dự thảo chương trình đã nhấn mạnh lý thuyết văn bản học mà bỏ qua một số khái niệm cơ bản như văn học, tác phẩm, hình tượng văn học… Có một câu khẩu hiệu vĩ đại và phổ biến treo lên khắp các cổng trường phổ thông là “tiên học lễ, hậu học văn”, nhưng chương trình Ngữ văn đã không đặt vấn đề dạy lễ và dạy Văn theo một tỉ lệ, một tương quan thích hợp.

Cần có những tác phẩm ưu việt trong chương trình

PGS.TS Nguyễn Bá Thành cho rằng, chương trình cần tính đến việc tổ chức thi cử, đánh giá năng lực người học. Tại mục 4 (tr5), dự thảo viết: “Việc đánh giá kết quả cuối năm, cuối cấp không dựa vào các ngữ liệu đã học trong một cuốn sách giáo khoa Ngữ văn cụ thể mà lấy yêu cầu cần đạt nêu trong văn bản chương trình môn học làm căn cứ để biên soạn, để kiểm tra, đánh giá”. Khi việc thi và kiểm tra không dựa vào SGK cụ thể mà lấy “yêu cầu cần đạt” thì sẽ thiếu căn cứ để học ôn tập và căn cứ để đánh giá. Nếu vậy phần văn học sử dễ bị bỏ qua và sẽ chú trọng phần nghị luận.

Mục tiêu của chương trình môn học Ngữ văn giữa THCS và THPT chưa có sự khác biệt rõ nét. Cần nhấn mạnh nét chuyển đổi có tính cấp độ, từ môn Tiếng Việt trong chương trình tiểu học sang môn Ngữ văn ở chương trình THCS,THPT. Đây là giai đoạn trưởng thành từ thiếu nhi đến thanh niên của HS phổ thông.

Phần 5 nội dung giáo dục, mục Tiếng Việt cần thêm mục tiểu mục về Tiếng Việt phổ thông và tiếng địa phương. Mục này giúp cho người học thấy được một số điểm khác nhau về ngữ âm, khẩu ngữ trong Tiếng Việt của địa phương mình cư trú.

Đây là một chương trình rất công phu, tỉ mỉ cần định tính và định lượng rõ hơn giữa các cấp học, tiểu học, THCS, THPT. Cần mở rộng tác phẩm quy định dùng cho nhà trường qua cơ chế chọn lọc của các hội đoàn như Hội đồng LLPB, Hội nhà văn, Hội ngôn ngữ học và Hội đồng khoa học của Bộ GD&ĐT. Cần dựa vào chương trình đang thực học hiện nay và tăng cường thêm các tác phẩm văn học có giá trị để góp phần bồi dưỡng nhân cách cho thế hệ trẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hiện trường vụ tổ hợp Litening rơi tại East Yorkshire, miền đông nước Anh.

Tiêm kích Typhoon bị 'mù' sau sự cố

GD&TĐ - Theo The Aviationist, chiến đấu cơ Typhoon của Không quân Anh đã gặp sự cố bất ngờ trong diễn tập khi để rơi tổ hợp chỉ thị mục tiêu Litening.