Vùng thi đua 6 quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học

GD&TĐ - Sáng nay (16/1), tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga và đại diện các Cục, Vụ chức năng (Bộ GD&ĐT) đã giao ban trực tuyến với  Vùng thi đua 6 về các nội dung triển khai thực hiện nhiệm vụ đầu năm học 2014 - 2015 của Vùng. Tham  gia giao ban có đại diện lãnh đạo các UBND tỉnh, Sở GD&ĐT thuộc vùng 6.

Vùng thi đua 6 quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học

 Nhiều thuận lợi, không ít khó khăn

Về thuận lợi, các tỉnh trong vùng luôn nhận được sự quan tâm và chỉ đạo sâu sát của Bộ GD&ĐT, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ và các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương nên đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách tạo điều kiện thuận lợi để sự nghiệp GD-ĐT của vùng được tiếp tục phát triển.

Đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên của ngành đã ổn định về số lượng và nâng dần về chất lượng; ý thức và tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, công nhân viên trong toàn Ngành không ngừng được nâng lên thông qua việc học tập, quán triệt và thực hiện các cuộc vận động và phong trào thi đua trong toàn ngành.

Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho dạy và học được quan tâm đầu tư; hệ thống mạng lưới trường, lớp học tiếp tục được kiện toàn và phát triển đều khắp tạo điều kiện thuận lợi để huy động tối đa số trẻ và học sinh trong độ tuổi đến trường.

Sự nghiệp GD&ĐT ngày càng được các cấp, các ngành và toàn xã hội quan tâm nhiều hơn, từ đó thuận tiện hơn trong việc phối hợp giữa các môi trường giáo dục, cũng như huy động được nhiều hơn sự đóng góp về vật chất và tinh thần đối với nhiệm vụ phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo.

Tuy nhiên, Vùng 6 cũng gặp không ít khó khăn tác động không nhỏ đến đời sống của cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, nhân viên trong Ngành, cũng như đối với việc học tập của những con em thuộc gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn.

Thực trạng thiếu giáo viên, nhất là giáo viên ngành học mầm non ảnh hưởng đến hoạt động dạy học, đặc biệt là ảnh hưởng đến việc tổ chức thực hiện Đề án phổ cập Giáo dục Mầm non trẻ 5 tuổi ở nhiều địa phương trong khu vực.

Cơ sở vật chất, trường lớp xuống cấp, còn thiếu và chưa đồng bộ; thiếu điều kiện để mở rộng hình thức dạy học 02 buổi/ngày; tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia của còn thấp, gây khó khăn trong việc triển khai chủ trương chuẩn hóa, hiện đại hóa giáo dục theo yêu cầu của tình hình mới.

Kinh phí đầu tư cơ sở vật chất cho ngành học mầm non còn hạn chế, chưa có nhiều chương trình, dự án đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho giáo dục mầm non, từ đó ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện Đề án phổ cập mầm non.

Công tác xã hội hoá tuy có phát triển khá nhưng chưa đồng bộ, nhiều nơi chỉ quan tâm về cơ sở vật chất chưa chú ý phối hợp với nhà trường trong việc rèn luyện, giáo dục đạo đức, nhân cách cho học sinh.

Công tác quản lý chỉ đạo ở một số cấp quản lý giáo dục và cơ sở giáo dục vẫn còn chậm đổi mới, còn lúng túng trong quản lý tài chính, quản lý hành chính; công tác tham mưu chưa hiệu quả và chưa tranh thủ được các nguồn lực để tổ chức các hoạt động giáo dục trong nhà trường.

Chất lượng giáo dục chưa đồng đều giữa các trường, các địa bàn và các địa phương; tỷ lệ học sinh học lực yếu, kém và lưu ban, bỏ học còn cao gây khó khăn cho công tác phổ cập giáo dục.

Quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học

Vượt qua những khó khăn thách thức, các Sở GD&ĐT vùng 6 đã thực hiện tốt chức năng tham mưu đối với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh để kịp thời ban hành các văn bản Chỉ đạo cho năm học 2014 – 2015, trong đó tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm đầu năm học đảm bảo cho việc triển khai nhiệm vụ năm học mới đồng loạt, nề nếp và trọng tâm.

Đặc biệt là việc triển khai Nghị quyết số 29/NQ-TW và Chương trình hành động của Bộ GD&ĐT, của tỉnh. Trong đó, tập trung và chỉ đạo thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như: Triển khai nhân rộng mô hình trường học mới (VNEN) có hiệu quả, nâng cao chất lượng thông qua mô hình trường THCS bán trú, Trung tâm Văn hóa Thể thao- học tập cộng đồng xã, phường, thị trấn.

Phối hợp với các đơn vị có liên quan triển khai các hoạt động của Ngành trong năm học mới; thực hiện tốt công tác vận động xã hội hóa giáo dục; tạo được niềm tin và sự đồng thuận của xã hội đối với sự nghiệp giáo dục và đào tạo.

Quy mô, mạng lưới các ngành học, cấp học tiếp tục được củng cố theo hướng tạo mọi điều kiện để huy động tối đa trẻ trong độ tuổi đến trường, kéo giảm tỉ lệ học sinh lưu ban, bỏ học; phòng lớp học được quan tâm đầu tư sửa chữa, nâng cấp kịp thời; trang thiết bị phục vụ dạy và học tiếp tục được đầu tư, mua sắm thêm với số lượng đáng kể, đáp ứng khá tốt yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học trong năm học mới.

Công tác xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục luôn được tăng cường; trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên tiếp tục được nâng lên một cách rõ rệt; chế độ chính sách đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được triển khai thực hiện đúng, đủ, kịp thời.

Các hoạt động chuyên môn được các cấp quản lý giáo dục và các cơ sở giáo dục nghiêm túc triển khai thực hiện ngay từ đầu năm học. Nội dung các cuộc vận động và phong trào thi đua của Ngành được triển khai thực hiện đi vào chiều sâu và trở thành hoạt động thường xuyên của Ngành.

 

 Những đề xuất và kiến nghị

Nhiều kiến nghị được đưa ra nhằm đáp ứng thực tiễn như: Sau mỗi kỳ thi HS giỏi lớp 12, Bộ GD&ĐT chuyển đến các Sở GD&ĐT hướng dẫn chấm thi học sinh giỏi cụ thể của từng môn thi.

Về các cuộc thi dành cho giáo viên, kiến nghị cuộc thi E- learning liên tục hằng năm; đồng thời, với những bài đạt giải, Bộ GD&ĐT gửi về cho các Sở GD&ĐT tham khảo học tập kinh nghiệm; 

Đối với cuộc thi Vận dụng kiến thức liên môn giải quyết tình huống thực tiễn, Bộ GD&ĐTcó hướng dẫn (quy chế cụ thể) đối với cuộc thi. Khi tổ chức tổng kết - trao giải, nên cho các Sở GD&ĐT tham gia để rút kinh nghiệm.

Đề nghị xây dựng tiêu chí chấm thi giáo viên dạy giỏi để các Sở GD&ĐT định hướng cụ thể cho giáo viên. Khi tổ chức thi Giáo viên dạy giỏi cấp toàn quốc, tổ chức theo khu vực để các sở thuận tiện tham dự.

Bộ GD&ĐT ban hành sớm định mức biên chế Giáo dục mầm non thay cho Thông tư liên tịch số 71/2007/TTLT-BGDĐT-BNV, ngày 28/11/2007 của Bộ GD&ĐT, Bộ Nội vụ Hướng dẫn định mức biên chế sự nghiệp trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập. Đề xuất với Chính phủ hỗ trợ đặc biệt về kinh phí cho các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long để thực hiện phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi hoàn thành đúng tiến độ.

Sớm ban hành Kế hoạch của Ngành thực hiện Đề án KCH trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2014-2015 và lộ trình đến năm 2020, tạo điều kiện để các Sở GD&ĐT tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án này, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện mục tiêu kiên cố hóa trường lớp học và nhà công vụ cho giáo viên trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

Liên quan đến Kỳ thi THPT quốc gia, Vùng 6 kiến nghị Bộ GDĐT xem xét bố trí tại trường Đại học An Giang 1 cụm thi. Nếu Bộ không đặt cụm thi tại trường Đại học An Giang thì có thể xem xét để trường Đại học An Giang trở thành 1 điểm thi của cụm thi khác trong khu vực (có thể là 1 điểm thi thuộc cụm thi trường Đại học Đồng Tháp).

Cùng nhiều vấn đề khác như quy định biên chế đối với trường tiểu học dạy 2 buổi trong ngày; thực hiệc hồ sơ đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 30/2014/TT-BGDĐT ngày 23/8/2014 hiện nay nhiều điểm không phù hợp với thực thế giảng dạy; Tổ chức tập huấn hoặc hướng dẫn đánh giá chuẩn nghề nghiệp đối với Hiệu trưởng, giáo viên các cấp…

Phát biểu tại buổi họp, Thứ  trưởng Bùi Văn Ga khẳng định: Chính phủ, Bộ GD&ĐT luôn quan tâm đến phát triển GD-ĐT khu vực Tây Nam bộ - trong đó có các tỉnh thuộc vùng 6. Nhiều chính sách ưu tiên phát triển cho GD đã được thực hiện, như các vấn đề về giáo dục mầm non, tiểu học và THPT, vấn đề giáo dục dân tộc cho khu vực người Khơme.

Thứ trưởng đánh giá cao những nỗ lực của Vùng 6, điều này khẳng định quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ năm học. Chất lượng giáo dục phổ thông từng bước được nâng lên, công tác giáo dục dân tộc được quan tâm, đầu tư đúng mức tạo điều kiện cho các em vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn có điều kiện học tập; tiếp tục có những giải pháp tích cực nhằm hạn chế tình trạng học sinh bỏ học.

Liên quan đến các đề xuất kiến nghị của đại diện các Sở GD&ĐT trong Vùng, Thứ trưởng Bùi Văn Ga giao các Cục, Vụ chức năng nghiên cứu đề xuất với lãnh đạo Bộ bổ sung kịp thời; đồng thời yêu cầu Vùng 6 cần tiếp tục nỗ lực, phối hợp các hoạt động trong vùng, cùng hỗ trợ giúp nhau phát triển giáo dục, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.   

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ