Vững niềm tin giáo dục là quốc sách hàng đầu

GD&TĐ - Nhiều nhà giáo đã bày tỏ sự tin tưởng, niềm vui khi báo cáo tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng tiếp tục khẳng định GD là quốc sách hàng đầu và tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT.

Vững niềm tin giáo dục là quốc sách hàng đầu

NGƯT Nguyễn Văn Bao - Hiệu trưởng Trường ĐH Tây Bắc: Tự hào, trách nhiệm thực hiện đường lối của Đảng về GD&ĐT

Có thể nói, Đại hội Đảng lần này đã được Trung ương chuẩn bị rất kỹ lưỡng, từ văn bản đến công tác nhân sự. Trường ĐH Tây Bắc tin tưởng vào kết quả của Đại hội và mong rằng, Đại hội lần này sẽ bầu được những đồng chí có tài, có đức, có tầm nhìn xa, trông rộng, đặc biệt, có lòng tự tôn dân tộc để vào Trung ương; từ đó, bầu được những đồng chí lãnh đạo chủ chốt, đưa đất nước phát triển bền vững trong thời kỳ hội nhập như hiện nay.

Về GD, trong năm vừa qua, đã có những bước phát triển đột phá, nhiều thành công trong việc thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT. Chúng tôi tin tưởng vào sự đổi mới mạnh mẽ của GD sắp tới, trong đó, Kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 sẽ được tổ chức thành công, tuyển sinh ĐH, CĐ cũng đạt kết quả tốt, các trường ĐH tuyển sinh thuận lợi hơn.

Qua bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú trọng, có thể thấy, Đảng, Nhà nước luôn coi GD là quốc sách hàng đầu. Trong đó, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ các yếu tố cơ bản của GD&ĐT theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học.

Chuyển mạnh quá trình GD từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học: yêu gia đình, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, sống tốt và làm việc hiệu quả. Từng bước hoàn thiện hệ thống GD quốc dân theo hướng hệ thống GD mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập.

Quy hoạch lại mạng lưới cơ sở GD&ĐT gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, yêu cầu phát triển nguồn nhân lực và thị trường lao động. Đổi mới căn bản công tác quản lý GD&ĐT, bảo đảm dân chủ, thống nhất, chất lượng;

Tăng quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của các cơ sở GD&ĐT. Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý GD; đổi mới chính sách, cơ chế tài chính, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực đầu tư để phát triển GD&ĐT. Phấn đấu đến năm 2030, nền GD Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực.

Với tư cách là người trong ngành, chúng tôi cảm thấy rất tự hào, đồng thời cũng thấy rõ trách nhiệm của mình trong việc thực hiện đúng quan điểm, đường lối của Đảng.

Liên quan đến GD phổ thông, Trường ĐH Tây Bắc đang phấn khởi chuẩn bị thành lập Ban phát triển chương trình đào tạo sát với thực tiễn, giúp nâng cao năng lực người học. Bên cạnh đó, nhiều vấn đề liên quan đến HS vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, đồng bào DTTS, trong đó có Sơn La, Điện Biên được đặc biệt quan tâm.

Do đó, hiện nay, không khí cán bộ, giảng viên, SV tại Trường ĐH Tây Bắc rất hồ hởi, phấn khởi, hết sức quan tâm, theo dõi diễn biến Đại hội và kỳ vọng vào sự thành công tốt đẹp của Đại hội lần này.

NGND Hà Xuân Quang - Hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế - Công nghiệp Hà Nội: Đại hội sẽ tạo ra bước ngoặt cho đổi mới GD&ĐT

Cá nhân tôi tin tưởng rằng, Đại hội Đảng lần này sẽ tạo ra bước ngoặt cho sự phát triển của đất nước trong giai đoạn tới; đổi mới, cải cách các mặt của kinh tế - xã hội, trong đó có GD&ĐT.

Đại hội Đảng thể hiện ý chí, quyết tâm của bộ máy lãnh đạo cao nhất của đất nước. Do đó, những cam kết tại Đại hội tạo lòng tin, hy vọng trong thời gian tới sẽ có những chuyển biến tốt đẹp.

Riêng lĩnh vực GD&ĐT, trong báo cáo tại Đại hội một lần nữa khẳng định lại GD là quốc sách hàng đầu; tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT. Tôi tin rằng, sau khi Đại hội kết thúc, không phải chỉ trong chủ trương mà cả việc thực thi, từ hệ thống pháp luật, bộ máy tổ chức, con người... cũng có thể có thay đổi để đảm bảo chủ trương đi vào cuộc sống. Nói cách khác, đổi mới bằng hành động chứ không phải chỉ ở chủ trương.

GD&ĐT, trong đó có GD bậc cao cũng như GD nghề nghiệp cần phải có những thay đổi mạnh mẽ hơn nữa để đáp ứng nhu cầu thực tiễn.

Phải đổi mới nội dung chương trình đào tạo cho sát với thực tế; đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên có tư duy gắn với năng lực thực tiễn, không phải chỉ hàn lâm; tư duy người làm công tác quản lý cần đổi mới, cập nhật, thậm chí cần có tư duy thị trường; tổ chức đào tạo linh hoạt hơn để đào tạo trong nhà trường và sản xuất doanh nghiệp có mối quan hệ thực sự hòa quyện.

Việc ứng dụng công nghệ trong dạy học không thể thiếu, đặc biệt là công nghệ thông tin - viễn thông để nâng cao hiệu quả đào tạo, nâng cao chất lượng dạy học, quản lý. Ngoài ra, còn cần chú ý phát triển hợp tác quốc tế. Bởi chỉ như vậy chúng ta mới có đối chiếu, so sánh, biết mình đang ở đâu để nỗ lực phấn đấu, hòa nhập.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ