“Vùng lũ” Tân Sơn trước thềm năm học mới

GD&TĐ - Năm học mới 2018 – 2019 đã cận kề, “vùng lũ” Tân Sơn (Phú Thọ) đã sẵn sàng cho năm học mới. Với mục tiêu là không để học sinh nào không được đến trường, ngành Giáo dục huyện Tân Sơn đã nỗ lực hết mình, chuẩn bị những điều kiện tốt nhất có thể để đón các em học sinh bước vào năm học mới.

Trường THCS Thạch Kiệt đã được đầu tư khang trang đón năm học mới
Trường THCS Thạch Kiệt đã được đầu tư khang trang đón năm học mới

Bắt nhịp cùng chương trình GDPT mới

Là một trong những địa phương bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3, do đó công trình xây dựng các phòng học, phòng chức năng của Trường THCS Thạch Kiệt đã bị gián đoạn một thời gian. Sau bao nỗ lực, cố gắng đến nay công trình đã cơ bản hoàn thành, dự kiến sẽ xong trước ngày khai giảng (5/9/2018), để kịp đưa vào sử dụng ngay trong năm học mới.

Theo cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Hồng Điệp, năm học 2018 – 2019, nhà trường được đầu tư xây dựng 8 phòng, trong đó có 2 lớp học và 6 phòng học bộ môn gồm: Phòng học tiếng Anh, phòng Tin học, phòng thí nghiệm, phòng chức năng… Ngoài ra, được sửa chữa, làm mới một số công trình phụ trợ.

Cũng theo cô Nguyễn Thị Hồng Điệp, hiện thầy trò Trường THCS Thạch Kiệt đã sẵn sàng bước vào năm học mới. Hiện nay, 251 học sinh của nhà trường đã tựu trường và bắt đầu học những bài học đầu tiên. Cô Nguyễn Thị Hồng Điệp cho biết: Nhà trường xác định đổi mới phương pháp giảng dạy là một trong những nhiệm vụ then chốt của năm học này. Theo đó, nhà trường yêu cầu 100% giáo viên tham gia trường học kết nối để cùng trao đổi, học hỏi kinh nghiệm của các đồng nghiệp trên cả nước. Từ đó vận dụng sáng tạo, phù hợp với học sinh của nhà trường...

 

“Chúng tôi đặc biệt quan tâm, bồi dưỡng cho giáo viên về năng lực sư phạm. Qua đó, không chỉ bồi dưỡng cho giáo viên về chuyên môn, nghiệp vụ mà còn trang bị cho họ kỹ năng xử lý tình huống, kỹ năng ứng xử với phụ huynh, học sinh và đồng nghiệp… Cùng với đó, yêu cầu tất cả các trường phải xây dựng Quy chế văn hóa ứng sử sư phạm trong nhà trường”.

 Ông Lê Anh Tuấn

Tại Trường Mầm non Long Cốc, cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Hoài Nhưng cho biết: Năm nay, nhà trường được đầu tư, xây mới hoàn toàn ở cả 2 khu (điểm chính và điểm lẻ). Tổng đầu tư ước tính gần 9 tỷ đồng. Tại điểm trung tâm, khu lớp học được xây dựng 2 tầng với 10 phòng học; ngoài ra là phòng đa năng, phòng năng khiếu và khu nhà điều hành.

“Trường lớp khang trang, sạch đẹp, khiến tập thể giáo viên chúng tôi rất hào hứng và có thêm động lực để bám trường, bám lớp. Qua đó giúp giáo viên tăng nguồn sáng tạo trong các tiết học. Đặc biệt, phụ huynh ai cũng muốn cho con em đến trường để các em được rèn luyện, học tập trong ngôi trường hiện đại với đội ngũ giáo viên luôn yêu nghề, mến trẻ” – cô Nguyễn Thị Hoài Nhưng trao đổi.

Trường mới, lớp mới nên học sinh Trường Mầm non Long Cốc rất hào hứng học tập

Trường mới, lớp mới nên học sinh Trường Mầm non Long Cốc rất hào hứng học tập

Giáo viên không dạy chay, đọc chép

Cũng theo cô Nguyễn Thị Hoài Nhưng, để đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp dạy – học, trước ngày tựu trường (20/8); toàn bộ giáo viên của nhà trường đã được tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ và kỹ năng sư phạm. “Theo đó, chúng tôi xây dựng các chuyên đề tự bồi dưỡng như: Chuyên đề xây dựng môi trường sư phạm thân thiện, lấy trẻ làm trung tâm; Chuyên đề an toàn thực phẩm, an toàn trường học… Mục đích cuối cùng là bảo vệ và chăm sóc, nuôi dưỡng trẻngày càng tốt, đáp ứng lòng mong mỏi, sự tin yêu của phụ huynh cũng như của các cấp lãnh đạo” – cô Nguyễn Thị Hoài Nhưng bộc bạch.

Theo ông Lê Anh Tuấn – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tân Sơn, năm học 2018 – 2019, toàn huyện có 55 trường học trực thuộc, với 19.377 học sinh. So với năm học trước, tăng 473 học sinh. Toàn huyện đã giảm 21 lớp học và 4 điểm lẻ. Năm nay, huyện đã đầu tư xây mới 55 phòng học kiên cố. Tổng đầu tư ước tính trên 14 tỷ đồng. Trong đó có 2 trường mầm non được xây mới…

Hiện nay, 100% các trường trên địa bàn huyện được kết nối Internet, các trang thiết bị dạy – học cơ bản đảm bảo yêu cầu.

“Trước thềm năm học mới, chúng tôi yêu cầu các trường thực hiện nghiêm túc việc bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên theo hướng tiếp cận Chương trình giáo dục phổ thông mới. Đặc biệt yêu cầu giáo viên tuyệt đối không được “dạy chay, đọc chép” cho học sinh” – ông Lê Anh Tuấn nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ